Thìa thủng, túi nôn và tắm miễn phí

25/04/2015 - 07:53

PNO - PN - Khi thương xá Tax ở TP.HCM sắp đóng cửa, vào những ngày cuối năm 2014, một nhãn hàng giày thời trang trẻ bán đại hạ giá. Những người trẻ đến mua rất đông, họ xếp hàng dài, ngoằn ngoèo trong sảnh thương xá, kiên nhẫn đợi....

Thia thung, tui non va tam mien phi

Bạn trẻ xếp hàng trật tự ở Thương xá Tax chờ mua hàng trong những ngày thương xá sắp đóng cửa, ngưng hoạt động - Nguồn ảnh: Zing.vn. 

Bạn hỏi: sao những hình ảnh như thế này không có mấy trên mạng, trong khi lại đầy ắp những clip quay những cảnh giành ăn buffet miễn phí, tranh cướp hàng hạ giá, vặt hoa bẻ cành công cộng ở hội hoa xuân?…

Tôi kể bạn nghe một ấn tượng khác của mình, do một người lớn trong gia đình kể lại: thời bao cấp, tại các cửa hàng ăn uống, những chiếc thìa dành cho khách ăn hay bị đục thủng lỗ, hay bẻ gãy cán, xấu xí, vẹo vọ. Người ta làm thế để tránh mất cắp. Những chiếc thìa nguyên lành, đẹp đẽ thì mất cả, trong khi những chiếc thìa thủng thì còn.

Thia thung, tui non va tam mien phi

Người dân xếp hàng chờ mua hàng giá rẻ ở Thương xá Tax.

Thời buổi khó khăn, và tâm lý “ai lấy được thì hời” đã khiến người ta nghĩ ra cách ấy để giữ những chiếc thìa! Nếu ở lâu với chúng tôi, bạn sẽ hiểu và không vội quy kết đó là văn hóa hay thiếu văn hóa, bởi tính cách linh hoạt, cởi mở của người Việt, và bởi những chuyện có khi chỉ xảy ra trong một hoàn cảnh đặc thù nào đó mà thôi.

Mà không chỉ ngày xưa, bây giờ lên máy bay, nhiều người vẫn dị ứng trước việc các hãng hàng không rất sang trọng đã làm những chiếc túi giấy cung cấp miễn phí cho khách, nhưng không cho khách dùng vào việc gì khác ngoài việc nôn oẹ.

Tại chỗ ngồi của mình, bạn tìm thấy chiếc túi tiện dụng ấy, nhưng chẳng ai muốn mang chiếc túi ấy đi, vì trên túi in hai chữ to tướng: “Túi nôn”. Các hãng hàng không giá rẻ và giá không rẻ đã tiết kiệm được bao nhiêu túi, nhờ hai chữ ấy. Xét cho cùng, cái túi đẹp đẽ có hai chữ “túi nôn”, và chiếc thìa thủng cũng không khác nhau mấy về mặt bản chất.

Nhiều người đã lên tiếng trước việc hàng ngàn người, có cả phụ nữ, trẻ em, thiếu nữ, nam thanh niên trèo rào, chen lấn, xô đẩy bất chấp hiểm nguy để vào công viên nước Hồ Tây (Hà Nội) tắm miễn phí.

Chẳng biết vé vào công viên nước bao nhiêu tiền, nhưng cảnh chen lấn, giẫm đạp nhau làm cho người xem có cảm giác như thể cái vé này giá trị lớn lắm, hay trước nay chưa bao giờ người ta có dịp được tắm “chùa” như thế!

Số khác không lên tiếng, không chỉ trích công khai, nhưng âm thầm đau đớn: phải đâu chỉ riêng cái vụ tắm miễn phí này mới có xô đẩy giành giật nhau! Còn hàng loạt những chuyện khác. Mua vé một suất ăn tự chọn, rồi giành giật những món ngon, tranh nhau lấy thức ăn thật nhiều, bỏ thừa mứa trên bàn - chuyện đó đã được đề cập nhiều, nhưng vẫn chưa mấy thay đổi. Hễ ở đâu có miễn phí, có giá rẻ, là có tranh giành, là có tâm lý bầy đàn, có hơn thua tranh cướp…

Phải kể từ nền tảng văn hóa, vốn đã không chắc chắn lắm, lại dễ bị kích động bởi đám đông, bởi sự hơn thua, và cả sự hám lợi. Giữ gìn được văn hóa trong những việc có thu phí thì mới giữ gìn được văn hóa trong những thứ miễn phí. Phí giữ xe ba ngàn đồng ngày thường, trong dịp lễ tết đông đúc cũng chỉ thu ba ngàn đồng, không “chặt chém”, không tận dụng cơ hội để nâng giá, không vì đông người gửi mà quát nạt, mắng chửi, hành xử vô văn hóa với người gửi xe. Chuyện ấy mình chưa làm được. Vậy cũng dễ hiểu thôi khi có chuyện gì miễn phí, hay giảm giá, là ào vào tranh cướp nhau.

Đám đông lẫn lộn và xóa nhòa tên tuổi, nên người ta khi hòa vào đám đông dễ bị hạ thấp, đánh mất những chuẩn mực nhân cách, những chuẩn mực tối thiểu của lòng tự trọng. Thời của những chiếc thìa thủng đã qua - xã hội đã không còn khó khăn đến mức mất cắp những chiếc thìa, nhưng thực tế cho thấy một mối lợi nhỏ nhoi vẫn có sức tác động lớn. Nếu không có cách giáo dục căn cơ, nền tảng hơn, thì những “đám đông thiếu nhân cách” ấy vẫn là hình ảnh xấu về cộng đồng, khó có thể biện giải.

Lại nhớ chuyện xếp hàng, một đặc thù của thời bao cấp. Nhưng xếp hàng hôm nay không phải là bóng dáng của nỗi ám ảnh tem phiếu ngày xưa, mà là hình ảnh của một lớp trẻ giàu lòng tự trọng, văn minh và biết chọn cách cư xử phù hợp. Họ đã làm được vậy, cũng bằng hiệu ứng tâm lý đám đông.

Vậy nên, trước khi quy kết vội vàng, hãy chọn cách xác định những chuẩn mực, những giá trị văn hóa, thống nhất, đồng bộ trong toàn hệ thống xã hội, hãy chọn cách biểu dương những giá trị ấy, để cộng đồng xã hội có cái nhìn đối sánh về hành vi, để không bị cuốn trôi một cách vô thức theo hiệu ứng đám đông như một số hiện tượng vừa rồi.

 LẬP PHƯƠNG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI