Thi vào lớp 10 tại TP.HCM: đề văn thời sự, sát thực tế

13/06/2015 - 08:20

PNO - PN - Ngày 11/6, hơn 77.000 thí sinh (TS) tại TP.HCM dự thi vào lớp 10 công lập. Không khí trường thi diễn ra khá nghiêm túc, đề thi môn ngữ văn được cả giáo viên và TS đánh giá hay, giàu cảm xúc.

edf40wrjww2tblPage:Content

Thi vao lop 10 tại TP.HCM: de van thoi su, sat thuc te

Ảnh: Phùng Huy.

Chưa đến 6g, nhiều TS ở khu vực Q.5 như THCS Hồng Bàng, THCS Mạch Kiếm Hùng, THCS Trần Bội Cơ, THCS Trần Hữu Trang… đã có mặt tại hội đồng thi (HĐT) Trường THCS Hồng Bàng. HĐT này có 774 TS dự thi. Ngay sát giờ thi, các em cũng tranh thủ lấy tập vở ra ôn bài. Tương tự, tại các HĐT THPT Diên Hồng (Q.10), THCS Võ Trường Toản (Q.1)… TS cũng có mặt từ sớm.

Đâu chỉ có TS lo lắng, cả trăm nghìn phụ huynh cũng căng thẳng cùng con. Một phụ huynh chờ con trước cổng trường thi, tâm tư: “Tối qua, có lẽ vì quá lo lắng, con tôi ngồi khóc với mẹ, nói học bài hết rồi nhưng sao con sợ quá. Nghĩ tội nghiệp quá, việc tổ chức một kỳ thi tuyển sinh có tính “chọi”, “loại” cao đối với những đứa trẻ 14-15 tuổi khiến các cháu bất an”.

Kết thúc buổi thi môn văn, hầu hết TS tỏ ra thích thú với phần nghị luận xã hội. Nhiều em cho rằng “đúng tâm trạng”, phù hợp với sự quan tâm… Em Tuyết Như, học sinh Trường THCS Hồng Bàng chia sẻ: “Em thấy đề văn lý thú, câu số 1 có nội dung gắn với sự kiện thời sự đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam thi đấu tại SEA Games”. Một TS tại HĐT THCS Diên Hồng khen: “Câu nghị luận xã hội về lối sống vô cảm ngay trong chính gia đình của giới trẻ hiện nay rất sâu sắc, xoáy đúng thực tế của giới học sinh chúng em”.

Nhận định về đề thi văn năm nay, thầy Nguyễn Văn Cải, Phó hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung (H.Củ Chi) nói: “Đề thi hay và giàu cảm xúc, sinh động. Cả hai câu 1 và 2 rất thời sự, gần gũi với học sinh. Ngữ liệu lẫn cách dẫn dắt, đặt vấn đề một cách nhẹ nhàng, sát thực tế. Câu 2, học sinh dễ dàng trình bày suy nghĩ về sự vô cảm của giới trẻ ngay trong chính gia đình mình. Hai khổ thơ chọn ở câu 3 (trích Sang thu của Hữu Thỉnh) khá hay và tiêu biểu nên học sinh dễ dàng cảm nhận, nhưng để đạt điểm cao không phải dễ. Vế thứ hai của câu nghị luận văn học này giúp học sinh liên tưởng mở rộng, sáng tạo, tránh học văn mẫu, thuộc lòng”.

Nhiều giáo viên có chung nhận định, đề thi phù hợp để đánh giá năng lực người học, đồng thời có sự gợi mở, định hướng TS. Tuy nhiên, đáp án và cách tính điểm có đủ “mở” để đánh giá năng lực cảm thụ, vận dụng của người học? Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM khẳng định: “Không chỉ đề “mở”, đáp án môn văn vài năm trở lại đây không chi li như môn toán. Đáp án đảm bảo khung chung về kiến thức và kỹ năng cơ bản, ý chính cần có cho mỗi yêu cầu của từng câu. Phần cảm thụ, bày tỏ quan điểm của học sinh được chấm “mở” để đánh giá đúng tư duy của các em, tránh học vẹt”.

Buổi chiều, TS thi môn ngoại ngữ. Theo đánh giá của nhiều giáo viên, đề thi ngoại ngữ khá dễ, sẽ có nhiều TS đạt 7 điểm trở lên. Hôm nay, các em thi môn toán.

TIÊU HÀ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI