Không chỉ học sinh thiếu tự giác
Những ngày học sinh (HS), sinh viên TP.Hà Nội học trực tuyến để phòng, chống dịch COVID-19, một phó giáo sư chia sẻ câu chuyện khá bi hài: Khi ông dạy trực tuyến cho sinh viên, có những bạn dù thầy yêu cầu bật camera và gọi tên năm lần bảy lượt vẫn “kiên định” không trả lời. Ông đang rất bực vì tình trạng đó thì nhận được tin nhắn từ giáo viên chủ nhiệm của con: “Các bạn A, B, C tắt camera và không có dấu hiệu trả lời”. Trong số các bạn cô giáo vừa nhắc nhở đó, có con gái ông.
Đó là sinh viên có ý thức còn đối phó bằng nhiều cách thì dĩ nhiên HS càng khó tự giác ngồi học. Một cô giáo khác cho biết: Một số bạn không trả lời khi cô gọi, đến cuối giờ mới bật mic và nói “máy của con hỏng mic cô ơi”. Chị P.T.H. thì lo lắng: “Có hôm, tôi phát hiện con có đăng nhập vào lớp học online nhưng phần lớn thời gian của buổi học lại mở game chơi hoặc xem YouTube. Thực sự tôi rất lo vì cha mẹ phải đi làm, không thể giám sát việc học của con”.
|
Rất nhiều học sinh tiểu học phải có phụ huynh hỗ trợ khi học online |
Người đứng đầu hệ thống trường tư khá có tiếng ở Hà Nội phân tích: Xét tổng thể thì không phải 100% HS có phương tiện để học trực tuyến hoặc có phương tiện nhưng không đạt yêu cầu, đường truyền internet yếu… Chưa kể, với sĩ số 50 HS thì giáo viên không thể nào nắm bắt được việc tiếp thu kiến thức của tất cả HS tham gia lớp học.
Theo ông, HS cần có một khoảng thời gian ngắn quay lại trường để được học trực tiếp, khi đó nhà trường vẫn phải kiểm tra lại kiến thức, bổ sung những phần kiến thức chưa đạt. Còn vì lo hoàn thành chương trình mà dạy dồn ép thì hiệu quả rất khó được như mong muốn.
Chị L.H. có con đang học tiểu học kể, các cháu làm bài kiểm tra môn mỹ thuật tại nhà. Chị và một số phụ huynh đã khá “sốc” khi trong số các bức vẽ đưa lên, có bức mà thoạt nhìn đã biết chắc chắn đó không thể là nét vẽ hồn nhiên, ít nhiều vụng về của trẻ con. Không chỉ chị H. mà nhiều phụ huynh và giáo viên đều lo lắng về tình trạng gian lận, thiếu tự giác, nặng thành tích của cả HS và phụ huynh khi thực hiện bài kiểm tra tại nhà hoặc kiểm tra trực tuyến.
Đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Q.Ba Đình cũng không giấu băn khoăn: Việc kiểm tra học kỳ trực tuyến với quận là hoàn toàn khả thi, đây cũng là cơ hội để HS vận dụng công nghệ. Tuy nhiên, nhiều đơn vị e ngại hình thức kiểm tra này không đảm bảo tính công bằng, bởi rất có thể trong quá trình thi phụ huynh sẽ hỗ trợ HS.
Loay hoay, thiếu chủ động
Theo văn bản đề xuất của Sở GD-ĐT Hà Nội và thông báo số 1638 ban hành ngày 13/5/2021 về việc điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2020-2021, các cơ sở giáo dục không có quyền chọn tổ chức hình thức kiểm tra phù hợp, kể cả trong trường hợp bất khả kháng. Theo đó, việc kiểm tra định kỳ các cấp học sẽ thực hiện khi HS trở lại trường học.
Tuy nhiên, ngày 15/5/2021, sở này lại có văn bản thông báo, trường nào đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu tại Thông tư số 09/2021/TT-BGDĐT (có hiệu lực từ ngày 16/5/2021, nội dung cho phép các cơ sở giáo dục được tổ chức kiểm tra định kỳ bằng hình thức trực tuyến trong trường hợp bất khả kháng) thì xây dựng phương án tổ chức kiểm tra định kỳ, báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của cơ quan quản lý. Đối với HS lớp 12, sở sẽ tổ chức làm bài kiểm tra khảo sát trực tuyến vào cuối tháng 5/2021.
|
Rất nhiều học sinh tiểu học cần phải có phụ huynh hỗ trợ khi học online |
Một số trường tại TP.Hà Nội đã chủ động chuẩn bị, xây dựng phương án kiểm tra học kỳ trực tuyến. Tại Trường tiểu học Thành Công B (Q.Ba Đình), HS từng tham gia chương trình “Đấu trường toán học” do Q.Ba Đình tổ chức, mỗi HS có một mã số riêng. Trường cũng đã chuẩn bị các phương án nên không gặp khó khăn gì trong việc triển khai kiểm tra học kỳ trực tuyến.
Song, nhà trường cũng thừa nhận sẽ rất khó khăn trong việc giám sát HS làm bài thi ở nhà. Trường THCS - THPT Lương Thế Vinh còn cẩn trọng đến độ, các giáo viên thống nhất chọn cách thức ra đề thi online theo hướng cứ một câu làm trong 30 giây hoàn thành xong mới ra câu khác để hạn chế phần nào việc HS có thể xem tài liệu hoặc gửi dữ liệu cho người khác.
Trường THPT chuyên Ngoại ngữ (Trường đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội) là đơn vị đầu tiên ở Hà Nội quyết định tổ chức kiểm tra học kỳ II theo hình thức trực tuyến. Từ khi xây dựng phương án đã yêu cầu toàn bộ HS bật camera, chỉ được đăng nhập một tài khoản trên một thiết bị; cán bộ coi thi phải quan sát được HS làm bài và đảm bảo xung quanh không có người hỗ trợ, mặt bàn không có tài liệu. Mỗi HS nhận một đề thi riêng, trật tự câu hỏi khác nhau để hạn chế trao đổi. Trước khi kiểm tra học kỳ trực tuyến, cả phụ huynh và HS đều được phổ biến rõ quy định.
Không ít trường đã chủ động mọi phương án dạy, học, kiểm tra để thích ứng với diễn biến khó lường của dịch, nhưng xét tổng thể thì đó là con số rất nhỏ và không phải cấp học nào cũng có thể áp dụng. Với HS tiểu học, việc làm chủ công nghệ và thiết bị là hoàn toàn bất khả thi, gần như bắt buộc phụ huynh phải có mặt để hỗ trợ con. Như thế, dù hữu ý hay vô tình thì tính thực chất của việc kiểm tra cũng khó được đảm bảo. Với những HS lớp lớn hơn thì rất khó để giám sát các em làm bài thi cùng nhau hay độc lập, có sử dụng công cụ hỗ trợ hay không…
Dường như ngành giáo dục đã thiếu chủ động phương án kiểm tra học kỳ, những kỳ thi quan trọng để có thể “sống chung với… dịch”. Đợt bùng dịch này đã là lần thứ tư nên mọi sự chậm trễ, thiếu linh hoạt rất khó lý giải. Thời điểm kết thúc năm học không thể phụ thuộc mãi vào tình hình dịch bệnh.
Chúng ta không thể kiểm tra học kỳ trực tuyến đại trà, bởi ngay với những trường chuẩn bị tốt nhất cũng khẳng định đó chỉ là phương án tối ưu để giảm thiểu gian lận chứ không thể đảm bảo là không có gian lận. Chọn kiểm tra trực tuyến cũng đồng nghĩa với việc phải chấp nhận một chừng mực nhất định. Theo các chuyên gia, chúng ta có thể định hướng, xây dựng hình thức kiểm tra học kỳ đa dạng theo điều kiện từng trường và chia theo nhóm trường. Đó có lẽ là điều nên làm và cần phải làm trong bối cảnh hiện nay.
Ngọc Minh Tâm