Vòng thi ứng xử luôn là tâm điểm tại các cuộc thi nhan sắc. Nếu các kỹ năng trình diễn cho thấy vẻ đẹp hình thể của thí sinh thì thử thách trong ứng xử lại giúp họ bộc lộ vẻ đẹp trí tuệ. Nhưng tại các sân chơi nhan sắc Việt, điều này vẫn chưa phát huy tối đa.
Tối 3/8, chung kết Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2019 khép lại nhưng dư âm trong phần thi ứng xử của top 5 vẫn còn. Các câu hỏi lần lượt được ban giám khảo (BGK) đặt ra gồm: “Theo bạn, hình mẫu đại diện cho phụ nữ Việt Nam hiện đại có cần thay đổi gì so với hình mẫu truyền thống?”, “Nếu bạn là người thắng cuộc và nói với những người không may mắn như mình, bạn sẽ nói gì?”, “Vì sao bạn nghĩ mình có thể trở thành hoa hậu?”, “Giá trị sống tích cực nhất đọng lại trong bạn sau khi cuộc thi kết thúc là gì?”, “Khoảnh khắc đẹp nhất của bạn trong cuộc thi đến nay là gì?”.
|
Tân hoa hậu Lương Thuỳ Linh trong vòng thi ứng xử vào tối 3/8 |
Không khó để thấy những vấn đề được đặt ra đã xuất hiện nhan nhản ở các cuộc thi nhan sắc trước đó, thậm chí cách đây đến hơn chục năm. Chẳng cần những cuộc thi nhan sắc lớn, ngay ở những sân chơi phường, quận, người ta cũng có thể bắt gặp những câu hỏi này. Những câu hỏi chung chung, “cưỡi hoa bắt bướm” nên câu trả lời cũng không tránh được sự sáo rỗng, hình thức. Cuộc thách đấu trí tuệ bỗng trở thành một buổi trả bài sách vở không hơn không kém.
Top 3 Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2019 trả lời ứng xử:
Cùng trong tối 3/8, Thái Lan cũng tổ chức đêm chung kết chọn ra đại diện dự thi Hoa hậu Thế giới năm nay. Nhưng vòng thi ứng xử lại diễn ra hoàn toàn khác biệt.
“Đâu là lần thất bại gần nhất trong đời bạn. Bạn rút ra bài học gì từ việc đó?”, “Nếu có cơ hội diễn thuyết trước những nhà lãnh đạo cấp cao của thế giới, bạn sẽ nói gì? Vì sao lại là vấn đề đó?”, “Lý do để bạn xứng đáng sống trên hành tinh này? Vì sao?”, “Bạn làm gì để giải quyết tình trạng người già ngày càng gia tăng mạnh trong xã hội Thái Lan?”, “Nếu sau đêm nay, bạn trở thành đại diện cho Thái Lan tại quốc tế, bạn làm gì để cho cả thế giới thấy được con người Thái Lan?”, đó là những vấn đề được BGK đặt ra để cân đo các thí sinh cho ngôi vị cao nhất.
|
Top 3 Hoa hậu Thế giới Thái Lan 2019 |
Cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Philippines 2019 cũng khiến khán giả đi từ trầm trồ đến xúc động trong phần thi ứng xử của các cô gái. Họ dám nhìn thẳng và đưa ra những thực trạng mà chính xã hội Philippines đang đối diện để đi tìm vẻ đẹp tri thức: “Trong thời đại bình đẳng giới ngày nay, bạn có nghĩ đàn ông Philippines vẫn giữ được sự cư xử lịch thiệp với người phụ nữ không? Tại sao?”, “Gần đây, sự di cư đang là một từ khoá được tìm kiếm hàng đầu trên Google. Bạn sẽ nói gì với những người ngoài kia, những người đang chán nản và mất hy vọng về quốc gia của chúng ta”…
Trong chính cuộc đua tìm kiếm danh hiệu của các cô gái, những vấn đề được đặt ra cũng hết sức thú vị, mới lạ: “Có một câu nói, rủi ro cao sẽ tương đương với phần thưởng cao. Tôi có thể hỏi bạn rằng điều gì bạn cho là mạo hiểm nhất để thắng danh hiệu cao nhất tại cuộc thi này?”, “Nếu bạn chiến thắng tối nay, bạn sẽ làm gì để nhiều phụ nữ có cơ hội đến nơi làm việc hơn?”… Hàm lượng tri thức lớn trong câu hỏi được đặt ra và câu trả lời nhận được từ các thí sinh giúp cho vòng thi ứng xử trở nên đậm vị hơn.
|
Phần thi ứng xử vẫn là một điểm yếu của các cuộc thi nhan sắc Việt nói chung |
Những câu hỏi được đặt ra đều mang tính cụ thể, đi từ vĩ mô đến vi mô, từ phạm vi xã hội đến cá nhân của mỗi người. Tầm quan trọng về vị thế cũng như định hướng phát triển chung dành cho phụ nữ luôn được đề cao. Chúng không chỉ giúp thể hiện nhân sinh quan, trí tuệ của các người đẹp mà còn giúp công chúng đánh giá được kiến thức, sự quan tâm của họ đối với những vấn đề đang diễn ra trong chính xã hội mà họ đang sống.
Các sân chơi nhan sắc Việt không làm được điều như thế dù chuyện ô nhiễm môi trường, vấn nạn bạo hành trẻ em, quyền bình đẳng của phụ nữ, bạo lực gia đình… vẫn là vấn đề nóng, vẫn đang được bàn luận và điều chỉnh mỗi ngày.
Sẽ có những lời biện luận cho rằng việc đưa ra những câu hỏi an toàn nhằm tránh những màn “mua vui” trong khâu ứng xử của thí sinh. Nhưng đó cũng chỉ là một hình thức để che lấp nỗi sợ vô hình của chính giám khảo, nhà tổ chức. Nhan sắc Việt vẫn đang trên đường đi tìm sự chuyên nghiệp. Những phép so sánh được đưa ra để thấy rằng đã đến lúc chính những người tổ chức cần thay đổi về tư duy, để định nghĩa đúng về từ "đẹp" đối với phụ nữ ngày nay.
Trung Sơn