Thi tuyển sinh vào lớp 10 TPHCM: Học tủ, học vẹt là… rớt từ 'vòng gửi xe'

03/03/2024 - 19:53

PNO - Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 TPHCM năm 2024 theo hướng tiếp cận đánh giá năng lực học sinh. Nếu học tủ, học vẹt thì sẽ… “rớt từ vòng gửi xe”.

Đề thi tiếp cận theo hướng đánh giá năng lực học sinh

Từ năm 2017, TPHCM kiên định đi theo hướng đổi mới đề thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập. Theo đó, thay vì theo hướng kiểm tra kiến thức thuần tuý, đề thi tiếp cận theo hướng đánh giá năng lực học sinh, tăng cường tính vận dụng, gắn kiến thức với thực tế cuộc sống.

Đổi mới này đã từng bước đẩy lùi phương pháp “dạy chay, học chay” ở bậc THCS, đòi hỏi giáo viên phải vận động thay đổi cách tiếp cận với học sinh; học sinh phải thay đổi cách học: không thể  “học tủ, học vẹt” mà phải học hiểu để sử dụng kiến thức giải quyết vấn đề đặt ra trong đề thi.

Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 TPHCM năm 2024 tiếp tục theo hướng tiếp cận đánh giá năng lực học sinh
Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 TPHCM năm 2024 tiếp tục theo hướng tiếp cận đánh giá năng lực học sinh- Ảnh: Q.Tr

Ông Dương Bửu Lộc - chuyên viên môn Toán, Sở GD-ĐT TPHCM - chia sẻ, nếu trước đây việc dạy và học môn toán theo hướng gắn kiến thức với thực tế chỉ được các trường THCS quan tâm thực hiện cho học sinh lớp 9 nhằm phục vụ thi tuyển sinh vào lớp 10, thì vài năm nay điều này đã rất khác. Các phòng giáo dục quận, huyện và TP Thủ Đức, các trường THCS đã “vận động” đổi mới theo hướng đánh giá năng lực học sinh ngay từ lớp 6. Do đó, cả thầy và trò đã quá quen với tính thực tế trong đề thi.

“Năm nay là năm lứa học sinh lớp 9 cuối cùng học theo Chương trình GDPT 2006. Nếu để ý các đề kiểm tra định kỳ của các nhà trường, các quận huyện trong vài năm nay thì đều có thể thấy yếu tố vận dụng thực tế xuất hiện trong đề, theo tần suất khác nhau ở mỗi khối lớp. Điều này có nghĩa là việc dạy và học ở các trường đang vận hành tốt theo hướng này, mới có thể đồng bộ với kiểm tra đánh giá, chứ không phải chỉ thực hiện với học sinh học theo Chương trình GDPT 2018”, ông Bửu Lộc cho hay.

Học tủ, học vẹt là rớt từ "vòng gửi xe”

Thầy Võ Kim Bảo - Tổ trưởng tổ Ngữ văn, Trường THCS Nguyễn Du (quận 1) - đánh giá, bức tranh tổng thể về kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập tại TPHCM trong nhiều năm qua đòi hỏi học sinh không thể chủ quan trong việc học và phải có một phương pháp học tập khoa học mới có thể chinh phục được kỳ thi. Việc học vẹt, học tủ có thể  rớt ngay từ "vòng gửi xe”. Với ngay cả học sinh giỏi, nếu chủ quan vẫn… rớt như thường. 

Thầy Kim Bảo nêu ví dụ: Ở môn Ngữ văn, có nhiều học sinh rất có năng khiếu, học giỏi, chăm chỉ đọc sách để mở rộng thêm chất liệu, vốn ngữ liệu nhưng vẫn không đạt điểm cao khi làm bài thi vì thiếu kỹ năng làm bài. Bài làm không thể hiện được rõ yêu cầu của đề mà lan man, sa đà quá nhiều vào ngữ liệu bên ngoài. 

Nhiều năm làm công tác chủ nhiệm lớp 9, thầy Võ Kim Bảo cho hay, học kỳ II là thời điểm học sinh lớp 9 bắt đầu tăng tốc để ôn thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập. Phụ huynh thường căn cứ vào kết quả học tập cuối học kỳ I, “cân đo” xem con mình yếu ở môn nào để tăng thời lượng học thêm. Không hiếm trường hợp phụ huynh đưa con đi học thêm đến 6,7 giáo viên vì thấy con học yếu hoặc vì quá kỳ vọng vào con. Chỉ riêng ở bộ môn Ngữ văn, có em được ba mẹ cho đi học thêm đến 3 giáo viên. Có giáo viên chỉ dạy về viết nghị luận văn học, có giáo viên chỉ học thêm về phần nghị luận xã hội, có giáo viên lại chỉ học thêm về phân tích tác phẩm.

Nếu học tủ, học vẹt, học sinh có thể rớt... từ vòng gửi xe
Nếu học tủ, học vẹt, học sinh có thể rớt... từ vòng gửi xe- Ảnh: Q.TR

Thầy nhìn nhận, mỗi giáo viên có một phương pháp dạy khác nhau, việc đi học thêm quá nhiều giáo viên trong cùng một môn học có thể sẽ khiến học sinh bị rối, khó xác định được phương pháp viết, thậm chí khiến các em thiếu tự tin khi đi thi. Đặc biệt, học thêm quá nhiều sẽ khiến các em không có thời gian ôn tập, việc học thêm trở thành không hiệu quả.

“Phụ huynh nên nhờ thầy cô trên lớp tư vấn để biết chắc sức học của con. Đồng thời nên tham khảo ý kiến học sinh để biết con muốn học ở thầy cô nào, phù hợp nhất với cách tiếp thu bài vở của con. Quan trọng nhất là cần biết con yếu ở đâu để bồi dưỡng đúng, đặt nguyện vọng trường vừa sức với con, không đặt áp lực quá nặng nề vào con”, thầy Bảo nói.

Ông Trần Đình Nguyễn Lữ - chuyên viên môn Tiếng Anh, Sở GD-ĐT TPHCM - khuyên rằng, để ôn tập tuyển sinh vào lớp 10 hiệu quả, học sinh phải biết xây dựng thời gian biểu học tập ở 3 môn thi tuyển sinh một cách khoa học, hợp lý. Với riêng môn tiếng Anh, việc học trên các kênh mạng xã hội, học sinh cần lựa chọn các kênh, các website bài bản, tin cậy. Đặc biệt, với các trang ôn tập mà mình tiếp cận, chính các em phải đánh giá được rằng học, ôn ở trên trang đó có ích gì cho bản thân mình, có nâng cao năng lực học tập của mình ở trong môn học hay không. 

“Nhiều phụ huynh học sinh thường có quan niệm rằng học kém thì đi học thêm thật nhiều sẽ hiệu quả. Việc học thêm chỉ hiệu quả khi khoa học, đảm bảo sức khoẻ và nhất là các em phải đánh giá được sự tiếp thu kiến thức ở các lớp học thêm. Trái lại, nếu chỉ chạy theo các lớp học thêm theo kiểu học để nhồi nhét thì rất tai hại…”, ông Trần Đình Nguyễn Lữ cảnh báo.

Ở môn Toán, cô Nguyễn Tiến Thuỳ - Giáo viên Toán, Trường THCS Hà Huy Tập (quận Bình Thạnh) - cho hay, đòi hỏi kiến thức ở cả một quá trình và có sự đào sâu. Học sinh hay “gẫy” ở bài toán thực tế do thiếu kỹ năng đọc đề, hiểu đề, thiến kiến thức thực tế để hiểu các vấn đề đưa ra trong đề thi.

“Điểm gẫy này đôi khi đến từ việc học sinh chỉ chú trọng học các dạng bài một cách máy móc, học vẹt, học tủ mà không hiểu bản chất của vấn đề. Do đó, ở thời điểm này học sinh cần rà soát, hệ thống lại kiến thức môn học, xem mình còn yếu kiến thức nào thì dành thêm thời gian để bổ sung kiến thức đó. Thay vì đi học thêm quá nhiều, các em nên dành thời gian hệ thống kiến thức và tự giải các dạng đề, nắm thật chắc các phần kiến thức cơ bản”, cô Thuỳ chia sẻ.

Đối với phụ huynh, cô nhắn gửi không nên vì lo lắng quá mà đưa con chạy theo việc luyện thi. Điều phụ huynh cần nhất là giải toả áp lực tâm lý cho các em, dành thời gian động viên theo sát con, để hình thành kỹ năng tự học. Việc đưa con đi học quá nhiều trung tâm có thể khiến con áp lực...

Quốc Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI