Thi tuyển sinh lớp 10, thí sinh nên lưu ý gì để đạt điểm cao?

04/06/2023 - 06:44

PNO - Ngày 6, 7/6 tới, 96.325 học sinh TPHCM sẽ chính thức bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2023. Cận ngày thi, giáo viên chỉ rõ những bí quyết để đạt được điểm cao khi làm bài thi.

Môn tiếng Anh: Ghi đáp án vào giấy nháp trước khi viết vào đề thi

Theo cô Phạm Thị Xuân Oanh - tổ trưởng tổ tiếng Anh, Trường THCS Lê Văn Tám, (quận Bình Thạnh) - trong bài thi tiếng Anh, học sinh hay gặp rắc rối ở phần đọc hiểu và viết lại câu. Để khắc phục, với phần đọc hiểu, học sinh cần nắm lại các chủ đề của chương trình tiếng Anh lớp 9. Đề có thể sẽ được biên soạn lại các nội dung trong chương trình song sẽ dài hơn hoặc khó hơn. Để làm được bài đọc hiểu, học sinh phải nắm được từ vựng, có khả năng phân tích, suy luận sự liên quan của nội dung bài đọc và các câu hỏi.

Với phần viết câu, học sinh sẽ khó đạt điểm nếu không có sự tỉ mỉ. Khi viết câu, chỉ cần chép lại sai 1 từ là sẽ mất điểm, vì thế các em phải hết sức chú ý. Phần chọn True/False học sinh cũng cần lưu ý, không được viết tắt. Phải đọc thật kỹ yêu cầu đề để làm bài.

 

Khi làm bài thi môn tiếng Anh, học sinh không nên vội vã
Khi làm bài thi môn tiếng Anh, học sinh không nên vội vã

Học sinh cũng hay gặp khó với phần phát âm và dấu nhấn. Để làm tốt phần này, các em cần chịu khó luyện âm. Có thể tra thêm từ điển, ôn tập thêm để học theo.

“Khi làm bài thi tiếng Anh, học sinh không nên quá vội vã mà cần phân tích xem đề hướng đến điểm ngữ pháp nào, từ vựng nào, cấu trúc ra sao để lựa chọn đáp án chính xác nhất. Tốt nhất là ghi đáp án vào giấy nháp trước khi viết vào đề thi” - cô Xuân Oanh khuyên.

Môn Toán: Kiểm tra kỹ máy tính trước khi mang vào phòng thi

Thầy Đặng Hữu Trí - tổ trưởng tổ toán, Trường THCS Nguyễn Du (quận 1) - cho biết, nhiều học sinh thường chủ quan, tính toán sai ở các câu dễ lấy điểm nhất như phần làm tròn số, đổi đơn vị, điều kiện. Đặc biệt, với phần hình học phẳng, học sinh hầu như trình bày hình chưa được tốt. Các em có thể biết vẽ hình nhưng không biết lập luận để làm thành câu hoàn chỉnh, nhớ kiến thức nhưng không chắc nên đôi khi trình bày không đúng trọng tâm do đó không được điểm.  

Theo thầy Đặng Hữu Trí, nhiều học sinh mất điểm do không kiểm tra kỹ máy tính trước khi mang vào phòng thi. Nhiều em dùng chung máy tính với anh chị lớp lớn (THPT), vì thế đơn vị sử dụng có thể khác nhau. Khi sử dụng máy tính, nếu các em không chú ý quy đổi đơn vị thì cũng sẽ dẫn đến kết quả sai, mất điểm. 

Đặc biệt, giáo viên này lưu ý, sai lầm học sinh thường gặp nhất khi làm bài thi tuyển sinh lớp 10 môn toán là phân bổ thời gian làm bài chưa hợp lý. Đôi khi các em chú trọng, sa lầy quá nhiều vào phần đại số, chăm chú giải các bài toán thực tế khó, không phân bổ thời gian cho phần hình học phẳng nên bài giải chưa trọn vẹn. 

“Khi làm bài thi, các em cần chú trọng phân bổ thời gian làm bài. Cân nhắc 60 phút cho hình học và 60 phút cho đại số. Phần hình học chỉ có 3 câu và điểm số cũng không nhiều nhưng vẫn cần thời gian 60 phút làm bài. Bởi lẽ, dạng bài tập này đòi hỏi các em phải vẽ hình và suy luận. Riêng phần vẽ hình đã mất 15 phút, giải các câu hỏi phải có kỹ năng nhìn hình và phân tích, nếu dành ít thời gian thì chưa thể giải quyết được một bài hình trọn vẹn, mất điểm rất đáng tiếc. 

 

Phân bổ thời gian làm bài thi hợp lý cũng giúp thí sinh đạt điểm cao
Thí sinh cần chú trọng phân bổ thời gian làm bài thi hợp lý

Khi làm bài thi, các em cần đọc trước một lượt đề, làm những câu dễ trước, làm đến đâu chắc đến đó. Với dạng toán thực tế thì ưu tiên làm các bài giải phương trình/hệ phương trình, sau đó giải toán về %. Phần hình không gian nên làm sau cùng” - thầy Đặng Hữu Trí gợi ý.

Môn ngữ văn: Chú trọng kỹ năng làm bài, đừng bám vào cấu trúc đề gợi ý

Thạc sĩ Nguyễn Phước Bảo Khôi - giảng viên khoa ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm TPHCM - khuyên, với môn ngữ văn, khi ôn tập cận ngày thi, học sinh không nên ôn theo chủ đề, hãy ôn theo văn bản để củng cố thêm kiến thức. 

Đừng suy nghĩ rằng văn bản có trong đề thi của trường này thì kỳ thi ngay sau đó không thể ra lại và không ôn. Vấn đề ở đây là định hướng, cấu trúc đề thi khác nhau, dù cho nó không quan trọng thì các em vẫn phải nắm các yếu tố nội dung và nghệ thuật nổi bật, các dẫn chứng tiêu biểu để tiện xử lý nếu cần.

Giảng viên này nhấn mạnh, học sinh cần chú trọng kỹ năng làm bài chứ đừng bám vào cấu trúc đề gợi ý.

“Điều các em cần làm không phải là lo nơm nớp đề thi sẽ ra văn bản hoặc chủ đề gì, chọn tác phẩm nào cho chủ đề gì, với từng tác phẩm thì nêu tác động ra sao. Việc các em cần thực hiện là nắm vững các kỹ năng làm bài” - thạc sĩ Nguyễn Phước Bảo Khôi nhấn mạnh.

Cụ thể, các kỹ năng học sinh cần nắm vững khi làm bài thi là: 

Kỹ năng trả lời câu hỏi đọc hiểu văn bản theo mức tư duy (nhận biết: tìm thông tin trong ngữ liệu hoặc xác định kiến thức tiếng Việt liên quan; thông hiểu: xác định nội dung, tình cảm, thái độ, tìm nguyên nhân, tìm điểm giống - khác giữa 2 ngữ liệu; vận dụng: nêu nhận xét, nêu quan điểm về ý kiến, nêu các việc cần làm…).

Kỹ năng nghị luận xã hội theo từng dạng đề (ý kiến hoàn toàn đúng, ý kiến cần trao đổi lại, hai vế đồng cấp/ không đồng cấp, trả lời câu hỏi, đưa ra lựa chọn…) được thể hiện dưới dạng ngôn ngữ hoặc phi ngôn ngữ (hình ảnh, ký hiệu…).

Kỹ năng phân tích đoạn thơ, đoạn trích truyện, nhân vật gắn với yêu cầu nêu tác động của văn bản đối với bản thân.

Kỹ năng phân tích đoạn thơ, đoạn trích truyện, nhân vật trong một văn bản gắn với yêu cầu liên hệ, so sánh với đoạn thơ, đoạn trích truyện, nhân vật thuộc văn bản khác. 

Kỹ năng lựa chọn, phân tích đoạn trích, tác phẩm theo tình huống mở. 

Quốc Trung 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI