Nhà nghiên cứu giáo dục Hoàng Anh Đức hiện phụ trách Trường Quốc tế Canada (Lào Cai), nhà sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Edlab Asia. Ông cũng từng được vinh danh trong danh sách Forbes 30 Under 30 Việt Nam năm 2020.
Năm 2020, ông cùng các cộng sự đã tiến hành một nghiên cứu nhằm cụ thể hoá khung chương trình đo lường chất lượng giáo dục nhà trường tại Việt Nam.
Cần một giải pháp thay thế là đơn vị khảo thí, kiểm tra độc lập
Trao đổi với phóng viên câu chuyện trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục ở bậc phổ thông, nhà nghiên cứu Hoàng Anh Đức khẳng định, về cả lý thuyết và thực tế, giáo dục Việt Nam chưa sẵn sàng để tiến hành trung tâm đánh giá, kiểm định chương trình độc lập ở bậc phổ thông, nhất là với các trường công lập. Thậm chí 2-3 năm nữa điều này vẫn chưa thể hiện thực hóa được.
|
Nhà nghiên cứu giáo dục Hoàng Anh Đức |
Lý giải về đánh giá trên, ông chỉ rõ, nghiên cứu năm 2020 cho thấy, để một chương trình giáo dục nhà trường phát triển bền vững, toàn diện, đảm bảo chất lượng, đơn vị kiểm định chất lượng độc lập ở bậc phổ thông cần kiểm định chất lượng giáo dục ở 4 trụ cột. Đó là, phát triển chương trình giảng dạy, bản thể chương trình, thực hiện chương trình, đánh giá chương trình. Đánh giá chương trình nhà trường phải nhấn mạnh đánh giá quá trình, bởi đây mới là yếu tố tác động trực tiếp đến quá trình học tập của học sinh. Bên cạnh đó là đánh giá liên quan đến quá trình phát triển chuyên môn của giáo viên.
Tuy nhiên, theo ông, thực tế hiện nay kiểm định chất lượng giáo dục tại Việt Nam mới chỉ tập trung vào điểm thi, điểm học tập mà chưa chú trọng vào việc báo cáo đánh giá về thành quả, đánh giá quá trình để đưa ra điều chỉnh, điều hướng cho học sinh. Các nghiên cứu xuyên suốt về thực trạng giáo dục cũng cho thấy, trung bình, số giờ sinh hoạt chuyên môn chất lượng của giáo viên công lập là 50-60 giờ/năm, trường tư thục là 100 giờ, trường quốc tế là 120 giờ/năm, điều này phần nào phản ánh chất lượng chương trình nhà trường.
Ở góc độ chương trình nhà trường, nhiều trường chưa phân biệt được chương trình và sách giáo khoa. Chương trình GDPT 2018 thay đổi nhưng vẫn còn quan niệm chỉ nhìn vào sách giáo khoa mà quên mất rằng sách chỉ là tài liệu. Bên cạnh đó, thói quen dựa trên sách giáo khoa và chương trình khung của Bộ GD-ĐT nên đã hình thành logic dạy tuần tự bám theo sách giáo khoa, vì thế bản thể chương trình giữa các nhà trường không có sự khác biệt, dẫn đến kết quả đánh giá các trường hiện nay đều giống nhau, có chăng chỉ khác về phương pháp giảng dạy của giáo viên.
|
Chương trình GDPT 2018 đề cao việc đánh giá quá trình học tập của học sinh, ghi nhận sự tiến bộ của các em. |
Giải pháp thay thế khi chưa có một trung tâm kiểm định chất lượng độc lập, theo nhà nghiên cứu Hoàng Anh Đức, đó là cần một đơn vị khảo thí và kiểm tra độc lập. Đơn vị này sẽ giải quyết câu chuyện học sinh chuyển cấp từ bậc THCS lên bậc THPT qua tuyển sinh vào lớp 10. Điều này sẽ càng có ý nghĩa hơn khi theo ông, với chương trình GDPT 2018 thì hình thức thi tuyển sẽ không còn phù hợp trong tuyển sinh vào lớp 10.
Ông phân tích: Chương trình GDPT 2018 đề cao việc đánh giá quá trình học tập của học sinh, ghi nhận sự tiến bộ của các em. Vì thế, không thể chỉ dựa vào kết quả của 1 kỳ thi mà phản ánh hết năng lực học sinh. Nếu vẫn áp dụng hình thức thi tuyển trong tuyển sinh vào lớp 10 thì kết quả này chỉ nên chiếm một tỉ lệ nhất định; bên cạnh đó còn là tỉ lệ về đánh giá quá trình học tập của học sinh, để cân bằng giữa kiểm tra, đánh giá quá trình theo đúng mục tiêu, yêu cầu của chương trình.
"Ví dụ, kết quả thi tuyển có thể chỉ chiếm từ 50-60% trong tổng số điểm tuyển sinh vào lớp 10, số % còn lại là từ việc đánh giá kết quả, quá trình học tập của học sinh. Như vậy lại quay về việc đánh giá quá trình học tập của học sinh, làm sao phải tạo ra sự đồng nhất trong đánh giá học sinh giữa các đơn vị trường học trong cùng một tỉnh thành, địa phương. Điều này đòi hỏi sự điều tiết của sở giáo dục, phòng giáo dục, mang đến sự khách quan nhất trong sử dụng kết quả học tập của học sinh. Và như vậy về lâu dài, để khách quan nhất thì vẫn cần phải có một đơn vị đánh giá, khảo thí độc lập” - ông nhấn mạnh.
Trường chuẩn quốc gia nên là tiêu chuẩn tối thiểu hơn là để vinh danh Theo nhà nghiên cứu giáo dục Hoàng Anh Đức, việc đánh giá độc lập đã được các trường phổ thông quốc tế, song ngữ thực hiện từ rất lâu thông qua việc tự tìm đến cơ quan đánh giá ngoài, tổ chức kiểm định độc lập. Đây được xem là yếu tố sống còn, để tự cải tiến chất lượng của đơn vị. Bên cạnh đó, hệ thống giáo dục quốc tế cũng áp dụng xu hướng khác để kiểm chứng hoạt động chương trình nhà trường, đó là nhà trường lựa chọn ký kết hợp tác với trường học/đối tác của nước ngoài. Trong quá trình hợp tác, đối tác sẽ tự tiến hành các công tác kiểm định nhà trường, mặc dù chỉ mang tính nội bộ. Đối với hệ thống trường công lập, ông cho biết, hiện nay Bộ GD-ĐT vẫn có các đánh giá xét duyệt về tiêu chuẩn nhà trường theo tiêu chuẩn trường quốc gia với các tiêu chí khác nhau. Thế nhưng, chương trình nhà trường và tiêu chuẩn nhà trường đôi khi còn kém hơn tiêu chuẩn quốc gia do nhiều rào cản về cơ sở vật chất khi điều kiện đô thị chưa đáp ứng được. |
Quốc Trung