Thi trượt không có nghĩa là chấm hết

18/08/2024 - 06:48

PNO - Thi trượt không có nghĩa là chấm hết nếu tôi không từ bỏ ước mơ, không đánh mất hy vọng và không ngừng nỗ lực.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tôi tốt nghiệp cấp III năm 1997. Mùa hè năm đó, một số bạn trong lớp ra Hà Nội ôn thi. Còn tôi cùng một số khác ở nhà cũng cặm cụi ôn luyện, đến ngày thì hăm hở vác ba lô ra Hà Nội thi đại học.

Ngày ấy, điện thoại di dộng chưa có sẵn như bây giờ. Thi xong, chúng tôi nín thở chờ giấy báo điểm. Chiều xuống, tôi đứng ở cửa ngóng, thấy chú phát bưu thư là khấp khởi mừng nhưng rồi thấy chú đi vèo qua nhà mình lại lủi thủi quay vào. Vài bạn cạnh nhà lần lượt có giấy báo điểm nhưng tôi thì không. Sau đó thì tôi cũng nhận được giấy báo điểm, nhưng không trúng tuyển.

Tôi không nói gì với bố mẹ, nhưng sự lặng thinh của tôi cũng là một cách thông báo ngầm. Bố mẹ không hỏi han gì về điểm thi và cũng không động viên tôi. Duy chỉ có một lần trong bữa cơm tối, bố tôi kể chuyện anh Kiên, anh họ của tôi sắp sửa xây nhà to.

Hoàn cảnh anh Kiên thì tôi biết rõ. Anh mới học xong cấp II thì bố mất, anh phải nghỉ học đi làm phụ hồ giúp mẹ nuôi 4 đứa em lít nhít.

Sau một thời gian đi làm thuê, anh về quê mở xưởng mộc. Anh khéo tay, cần mẫn, làm đồ cho ai cũng đẹp và giá cả vừa phải nên đông khách. Mình anh làm không xuể, anh còn tuyển thêm mấy chú có nghề và mấy thanh niên trong làng vào làm cùng. Khi mẹ anh mất, anh cũng đã lo xong cho 4 đứa em ăn học. Bố tôi khen anh Kiên chăm chỉ và có chí hướng.

Tôi hiểu ẩn ý trong lời của bố. Nhưng lời an ủi xa xôi đó không làm nguôi được nỗi buồn trong trong tôi. Mấy ngày, tôi không đi đâu ra khỏi nhà. Tôi ngại gặp mọi người, ngại nhất là gặp những đứa đã đỗ đại học. Nhưng ngồi mãi trong nhà cũng chán, một chiều bố mẹ không có nhà, tôi đạp xe lên bờ mương ngồi. Dưới mương nước trong veo có mấy đứa trẻ con vừa tắm vừa nô đùa. Bỗng tôi thấp em tôi thập thò gần đó. Tôi quát em vì mẹ tôi đã cấm em ra đây sau vụ em suýt bị cuốn vào cống nước. Con bé xị mặt: "Em có muốn ra đây đâu tại mẹ dặn phải để ý đến anh nên em đi theo".

Chiều tối, con bé đi chơi bên nhà hàng xóm về, bô bô kể: "Chị Lan đỗ đại học Sư phạm, sau này học xong chị ấy sẽ về trường làng mình dạy đấy mẹ ạ. Ít hôm nữa nhà chị ấy sẽ tổ chức liên hoan… Cái Bình nó khoe với con thế".

Mẹ tôi nghe vậy mắng con bé: "Bé cái miệng thôi kẻo anh con buồn thêm".

Lúc bố về, mẹ cũng nói lại với bố chuyện đó với giọng buồn buồn: "Con mình bao năm học có thua kém gì ai đâu, giá mà nhà mình có điều kiện cho con ôn thi đầy đủ thì có khi nó cũng đỗ rồi. Mấy hôm nay, nhìn con thất thần, tôi xót hết cả ruột..."

Bố trấn an mẹ: "Thằng Đức là đứa không dễ dàng từ bỏ mục tiêu đâu. Cứ tin ở con…"

Đêm đó, giấc ngủ đến với tôi thật khó khăn và nhọc nhằn khi trong đầu cứ nghĩ đến tiếng loa đài hát, tiếng cười nói rôm rả của buổi liên hoan bên nhà Lan.

Lan học cùng lớp và là hàng xóm của tôi. Em nó chơi thân với em tôi. Tôi cũng không biết Lan có giấy báo điểm từ lúc nào. Hồi chiều đạp xe qua tôi có gặp và hỏi, nhưng Lan vẫn giấu kín bưng. Giờ biết tin vậy, trong lòng tôi vừa khó chịu vừa tức tối. Từ nhỏ đến lớn, tôi rất ít khi khóc mà tối đó quẹt nước mắt ướt ống tay áo.

Nhưng chẳng có buổi liên hoan nào diễn ra như trong tưởng tượng của tôi. Lan ra Hà Nội học cũng không sang chào tôi. Tất nhiên tôi cũng chẳng dễ chịu chút nào nếu Lan sang chào. Cảm giác thất bại khiến tôi mặc cảm và ái ngại. Sau này, tôi mới biết Lan đã không tổ chức liên hoan vì không muốn tôi chạnh lòng.

Vượt qua những ngày buồn bã, chán nản vì thi trượt, tôi đã lấy lại tinh thần và xác định sẽ ôn thi tiếp. Khi đó, mẹ mới đưa cho tôi một chồng sách, tài liệu Lan gửi trước ngày lên đường nhập học. Tôi giở trong đó kẹp sẵn nửa trang giấy có chữ viết của Lan: "Đây là tài liệu tớ ôn ở Hà Nội, gửi cậu tham khảo. Bọn tớ chờ đón cậu ra vào năm sau…"

Tôi đã dày công ôn luyện để thi đỗ vào trường đại học tôi mơ ước. Ngày đó, với tôi thi trượt là một điều thật tồi tệ. Nhưng thất bại đã cho tôi nhiều trải nghiệm và ngộ ra nhiều điều quý giá: Thi trượt không có nghĩa là chấm hết nếu như tôi không từ bỏ ước mơ, không đánh mất hy vọng và không ngừng nỗ lực mỗi ngày. Cánh cửa trước mặt đóng lại không có nghĩa là cùng đường, mà vẫn có những lối đi khác, miễn là mình không bất lực đứng nhìn. Hơn hết, tôi nhận ra những sự quan tâm, yêu thương không lời nhưng có sức mạnh vô biên, giúp tôi mạnh mẽ đứng dậy từ cú vấp ngã.

Thu Đức

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI