Tăng lương, tăng thuế VAT: 2 nhát búa đập vào thị trường

21/08/2017 - 05:55

PNO - Trước khi có đề suất tăng thuế VAT từ 10% lên 12% từ ngày 1/1/2019 của Bộ Tài chính, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã chốt phương án tăng lương tối thiểu năm 2018 là 6,5%.

Lương không đủ sống, còn tăng thuế…

Theo Hội đồng Tiền lương Quốc gia, phương án chốt tăng lương tối thiểu năm 2018 là 6,5% chỉ đáp ứng được từ 92-96% mức sống tối thiểu của người lao động. Có nghĩa là, trong năm 2018, tình trạng đời sống của người lao động nói chung là “lương không đủ sống” ở mức tối thiểu. Theo Hội đồng, có khả năng phải đến năm 2020 thì việc tăng lương tối thiểu mới đáp ứng được mức sống tối thiểu.

Trong khi khoản khuyết từ 4-8% đối với mức sống tối thiểu chưa biết lấy đâu đập vào thì đề xuất tăng thuế VAT tất nhiên càng làm cho mức sống tối thiểu của người lao động càng khó được đáp ứng.

Tang luong, tang thue VAT: 2 nhat bua dap vao thi truong
Đề xuất tăng thuế VAT càng làm cho mức sống tối thiểu của người lao động càng khó được đáp ứng.

Bởi về bản chất, thuế VAT nhằm đánh vào người tiêu dùng. Nói không ngoa rằng, loại thuế này đánh vào cả đứa trẻ mới sinh ra được vài giờ tuổi từ khi biết bú cho đến những người khuất núi. Là bởi, khi đứa trẻ sơ sinh biết bú thì mẹ của nó phải ăn uống bồi bổ nhiều hơn để có sữa cho con; người ta mất đi cũng phải tốn nhiều thứ để lo đám…

Tất cả những tiêu dùng ấy, đều phải chịu thuế VAT. Và khi tăng thuế VAT, cũng đồng nghĩa đánh thuế tăng lên tất cả các tiêu dùng ấy. Nghĩa là về nguyên tắc, chỉ có không khí là chưa bị đánh thuế VAT. Nhưng oái oăm là không có ai trong số những con người ta có thể sống được chỉ bằng nhờ vào việc hít khí trời.

Như vậy, thời điểm “khả năng tăng lương tối thiểu chỉ có thể đáp ứng được mức sống tối thiểu vào năm 2020” sẽ càng có nguy cơ khó thành hiện thực nếu đề suất tăng thuế VAT lên 12% từ đầu năm 2019 được Quốc hội chấp thuận. Loại thuế tiêu dùng này, được cho rằng sẽ ảnh hưởng tới khoảng 500.000 mặt hàng trên thị trường.

Bộ Tài chính cho rằng thuế suất VAT tại Việt Nam “thấp” là vì bộ này mang ra so sánh với các khu vực giàu có như Bắc Mỹ, Tây Âu thì ở những nơi đó người dân cũng đồng thời chịu mức thuế suất tiêu dùng VAT cao hơn Việt Nam. Tuy nhiên so sánh này quá khập khiễng. 

Doanh nghiệp không phải chịu loại thuế này, mà chỉ là “thu hộ” cho nhà nước, nhưng sẽ ảnh hưởng rất nặng nề bởi thuế VAT tăng khiến giá cả hàng hoá, dịch vụ tăng  ảnh hưởng đến sức mua. Việt Nam hiện có khoảng 500.000 doanh nghiệp với hàng chục triệu lao động từ trình độ thấp đến cao đang làm việc, mưu sinh. Khi hàng hoá, dịch vụ của doanh nghiệp khó bán thì cũng ảnh hưởng đến công việc và nguồn sống của mỗi người lao động.

Thuế suất VAT tại Việt Nam thấp hay cao?

Bộ Tài chính khi đưa ra đề suất tăng thuế VAT đã lập luận rằng mức thuế VAT tại Việt Nam hiện thấp hơn mặt bằng thế giới, cần phải tăng cho ngang bằng với mặt bằng chung, cho chuẩn theo thông lệ quốc tế, và đặc biệt là nhằm giải quyết món nợ công đã lên đến 2,6 triệu tỉ đồng.

Trên thực tế bằng những con số từ nghiên cứu và được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, thì trong khu vực Đông Nam Á, mức thuế suất VAT của Việt Nam thuộc loại cao. Cụ thể: Việt nam là quốc gia có GDP/người đứng thứ 6 trong khu vực, chỉ hơn được Lào, Campuchia, Myanmar và Timor Leste nhưng lại kém xa Singapore, Brunei, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines.

Thế nhưng, như Singapore thu nhập/người dân cao trong Top 10 thế giới nhưng mức thuế suất VAT chỉ có  7%, ngang với Thái Lan, trong khi Malaysia có GDP/người cao gấp 5 lần Việt Nam nhưng thuế suất VAT cũng chỉ 6%, Myanmar kém phát triển hơn Việt Nam thì thuế VAT chỉ có 5%...

Bộ Tài chính cho rằng thuế suất VAT tại Việt Nam “thấp” là vì bộ này mang ra so sánh với các khu vực giàu có như Bắc Mỹ, Tây Âu thì ở những nơi đó người dân cũng đồng thời chịu mức thuế suất tiêu dùng VAT cao hơn Việt Nam. Tuy nhiên so sánh này quá khập khiễng.

Khả dĩ hơn thì chỉ nên so sánh Việt Nam với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á cùng trong hiệp hội Asean và cùng bị chi phối bởi hiệp định AFTA như đề cập ở trên, thì thấy rõ ngay bất hợp lí là Việt Nam nghèo hơn nhưng người dân phải chịu thuế suất VAT cao hơn, và có khả năng còn phải chịu mức cao hơn nữa từ ngày 1.1.2019.

Với “Mr.Double Tăng” (tăng lương tối thiểu và đề xuất tăng thuế VAT) chẳng khác nào 2 nhát búa đập vào thị trường. Nhát thứ nhất mức tăng lương tối thiểu 6,5% vẫn không đủ sống thì người lao động và công chức viên chức phải chắt bóp chi tiêu tác động tiêu cực đến sức mua. Nhát thứ hai nếu tăng thuế VAT thì hàng hoá, dịch vụ tăng giá, nhu cầu tiêu dùng cũng sẽ theo đó bị tiết giảm, hệ luỵ sức cầu giảm tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Hai sự tăng này sẽ có cùng một tác động, đó là kéo giảm mức sống của người dân.

Thuỵ Du

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI