PNO - Thuế nhập khẩu linh kiện máy móc, phụ tùng phục vụ cho ngành cơ khí, nguyên phụ liệu ngành may và nhiều ngành khác lên tới 25%, trong khi nhập khẩu thành phẩm thì thuế suất chỉ 0%.
Đây là một nghịch lý lớn, dẫn đến tình trạng không ít doanh nghiệp đã nhập “nguyên con” về cho rẻ, khiến các doanh nghiệp tự sản xuất phải chịu thiệt thòi.
Tại hội nghị đối thoại về chính sách, thủ tục hành chính thuế và hải quan năm 2019 (Bộ Tài chính phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức tại TP.HCM ngày 28/11), ông Nguyễn Văn Trí - Giám đốc Công ty TNHH Lập Phúc (Q.7, TP.HCM) - cho biết, tất cả các vật dụng trong đời sống hiện nay đều cần đến khuôn mẫu.
Nhiều doanh nghiệp nội đang làm tốt ở lĩnh vực này nên sản phẩm có giá rẻ, chất lượng cao, xuất đi Mỹ, Nhật, châu Âu. Hiện nay, trong chế tạo khuôn mẫu, có những chi tiết, phụ tùng, nếu doanh nghiệp tự sản xuất từ A đến Z thì giá thành sẽ rất cao, nếu nhập thêm phụ tùng khuôn mẫu về sản xuất thì giá thành rẻ hơn. Tuy nhiên, nhiều phụ tùng đơn giản như phích cắm điện trong hệ thống điều nhiệt của khuôn phải chịu thuế nhập khẩu là 25%. Trong khi đó, nếu nhập nguyên khuôn mẫu về thì thuế 0%.
Ngoài ra, hiện nay thuế suất nhập khẩu máy công cụ phục vụ ngành cơ khí như máy khoan, máy tiện, máy bào… cũng 0% nhưng thuế suất nhập khẩu phụ tụng sửa chữa các thiết bị đó lại rất cao, có những chi tiết phải đóng thuế nhập khẩu 25%. Theo ông Trí, do vốn không mạnh, các doanh nghiệp cơ khí thường mua những máy đã qua sử dụng của Nhật về sửa chữa để dùng. Khi các bộ phận trong hệ điều hành như mô-tơ, server… bị hư, thị trường trong nước không có, doanh nghiệp buộc phải nhập các bộ phận này về thay thế và phải chịu thuế suất nhập khẩu đến 25%.
Nguyên phụ liệu may mặc nhập khẩu chịu thuế 25% trong khi nhiều sản phẩm may mặc thành phẩm nhập về chỉ có thuế 0%
Do thuế cao nên nhiều doanh nghiệp trong nước lười sản xuất, nhập “nguyên con” của nước ngoài về, cụ thể là hàng Trung Quốc, giá vừa rẻ, vừa khỏi chịu thuế nhập khẩu.
“Thuế phụ tùng cao, chúng tôi và các doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn về tiêu thụ sản phẩm, giảm tính cạnh tranh. Chúng tôi luôn sẵn sàng đóng thuế, nhưng nếu thuế phụ tùng 25% thì tôi đề nghị thuế khuôn mẫu hoặc thành phẩm phải 30%, mới công bằng. Bởi thuế nhập khẩu khuôn mẫu từ Trung Quốc qua Mỹ là 28%, từ các nước khác vào Trung Quốc là 30% thì tại sao lại cho khuôn mẫu của các nước khác nhập vào Việt Nam chỉ 0%” - ông Trí nói.
Nguyên phụ liệu nhập khẩu chịu thuế cao hơn thành phẩm không chỉ diễn ra ở ngành cơ khí, khoa học công nghệ mà còn ở lĩnh vực may mặc. Trao đổi riêng với chúng tôi bên lề hội nghị, đại diện Công ty TNHH Dệt may Thanh Bình (Q.Tân Phú, TP.HCM) cho biết, các loại vải trong nước đều khô, cứng, mẫu mã kém đa dạng, không có màu chuẩn và không bền màu, nguyên phụ liệu cũng thiếu thốn nên tất cả phải nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Hồng Kông.
Cúc đính bằng nhựa, bằng sắt, cúc bấm bằng kim loại, logo gắn lên áo… có thuế suất nhập khẩu 25%; các phụ kiện khác như thẻ treo bằng giấy, khóa kéo răng kim loại, chốt chặn bằng nhựa, dây thun… có thuế suất nhập khẩu 20%. Trong khi đó, các sản phẩm dệt đã hoàn thiện, quần áo, các loại nón… nhập về Việt Nam lại có thuế suất 0%.
“Một số doanh nghiệp dệt may đang lười sản xuất do cạnh trạnh không lại những doanh nghiệp nhập thành phẩm hưởng thuế 0%” - ông Lý Thành Sinh, Tổng giám đốc Công ty May thêu Minh Long Hưng, chua chát.
Đại diện một số doanh nghiệp sản xuất bóng đèn cho biết, chưa bao giờ doanh nghiệp sản xuất đèn led lại nở rộ như hiện nay, nhưng hầu hết không có sự đầu tư nghiêm túc do họ nhập thành phẩm, hưởng thuế suất 0%. Trong khi đó, nếu nhập nguyên phụ liệu để sản xuất bóng đèn compact, huỳnh quang đang bị đánh thuế 25%.
Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hưng - Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Tổng cục Thuế - thừa nhận nghịch lý mà các doanh nghiệp nêu, tức thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng, nguyên phụ liệu cao hơn thuế nhập khẩu sản phẩm. Nguyên nhân xuất phát từ ba lý do.
Thứ nhất, một số linh kiện, phụ tùng nhập khẩu từ các nước có mối quan hệ đặc biệt với Việt Nam thì có thuế nhập khẩu rẻ, chẳng hạn với các nước trong khối ASEAN và Trung Quốc, Hàn Quốc thì có thuế nhập khẩu thấp, nhưng đối với các nước trong khối Liên minh châu Âu thì có thuế nhập khẩu cao.
Thứ hai, một số loại linh kiện, phụ tùng, nguyên vật liệu có sức hấp dẫn, không chỉ nhập khẩu để sản xuất đúng cái doanh nghiệp mong muốn mà có thể sản xuất ra sản phẩm khác nên mới có thuế nhập khẩu cao.
Thứ ba, nhiều linh kiện, phụ tùng là đầu vào để sản xuất thiết bị máy móc, sản phẩm này nhưng lại là đầu ra của một sản phẩm khác.
“Hằng năm, Bộ Tài chính đều ra soát các nghị định, tham mưu để ban hành thêm nghị định về thuế xuất nhập khẩu ưu đãi để hỗ trợ doanh nghiệp. Chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát để hạn chế đến mức thấp nhất những vướng mắc mà các doanh nghiệp đang gặp phải” - ông Nguyễn Quốc Hưng hứa hẹn.
Đại diện nhiều doanh nghiệp cho rằng, do thuế suất nhập khẩu thành phẩm 0% nên thời gian qua, có không ít doanh nghiệp làm ăn gian dối, nhập nguyên sản phẩm từ Trung Quốc về thay nhãn mác “made in Việt Nam” để đánh lừa người tiêu dùng. Họ mong Bộ Tài chính sẽ tiếp tục khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ ban hành các nghị định hoặc sửa đổi các thông tư, văn bản để tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh chính đáng của doanh nghiệp.
Các ứng dụng (app) 88 Credit, Artemis Dong ra sức quảng cáo các gói vay trên YouTube bằng những thước phim ngắn được đầu tư bài bản, diễn viên chuyên nghiệp.
Giá heo hơi tại nhiều địa phương trên cả nước đang dao động từ 65.000-70.000 đồng/kg (tùy theo chất lượng, khu vực…), tăng từ 3.000-6.000 đồng/kg so với 3 tuần trước.
Mở đầu năm 2025, Nhà máy Hà Nam của FrieslandCampina Việt Nam vinh dự là một trong 18 doanh nghiệp được trao bằng chứng nhận “Vì Môi trường Xanh Quốc gia”...