Thực tế trước nay, hầu như các ngân hàng đều lấy lý do "người khiếm thị thiếu hành vi năng lực" để từ chối cung cấp các dịch vụ thanh toán điện tử, thẻ ngân hàng cho đối tượng này. Họ có lý của mình khi lo xảy ra những nguy hiểm tổn hại tiền bạc cho cả nạn nhân lẫn ngân hàng. Ngay người sáng mắt còn liên tục để xảy ra những sự cố ngân hàng mất bạc tỷ thì nói chi tới người khiếm thị.
Có một số ngân hàng đồng ý mở thẻ và cung cấp dịch vụ Internet Banking cho người khiếm thị với điều kiện có người giám hộ chịu trách nhiệm.
Thật ra, có lẽ nguyên nhân chính là các ngân hàng ngại đầu tư cho việc phục vụ đối tượng đặc biệt này. Bởi lẽ, số lượng người dùng không nhiều nhưng cần phải có công nghệ và hạ tầng chuyên dụng, không rẻ tiền. Chẳng hạn như các phím bấm trên máy ATM phải có thêm ký hiệu chữ nổi Braille cho người khiếm thị và hỗ trợ điều khiển bằng giọng nói.
|
Một người khiếm thị ở Mỹ đang sử dụng máy Talkiing ATM. Nguồn: AFB |
Chuyện cung cấp các dịch vụ ngân hàng, thanh toán điện tử cho người khuyết tật - đặc biệt là người khiếm thị đã được thực hiện từ lâu ở nhiều nước trên thế giới, nhất là các nước phát triển. Đó không chỉ là văn hóa mà còn là luật định, không cho phép phân biệt đối xử giữa các công dân. Bên cạnh đó, tính nhân văn còn khiến người ta phải chu đáo hơn, luôn tìm cách phục vụ tốt nhất cho những người khiếm khuyết hơn mình.
Chẳng hạn như ở Mỹ, theo Quỹ cho người khiếm thị Mỹ (AFB), hầu hết các ngân hàng và tổ chức thanh toán đều có những dịch vụ thanh toán đầy đủ cho người khiếm thị, tương tự như người bình thường, như máy rút tiền ATM, ngân hàng trực tuyến (banking online), thanh toán hóa đơn trực tuyến (online bill pay),…
Ngày 15/9/2010, Bộ Tư pháp Mỹ đã đưa ra những hướng dẫn mới để thực hiện Luật Người Mỹ khuyết tật (Americans with Disabilities Act), trong đó có các yêu cầu về máy ATM hỗ trợ người khiếm thị.
Hiện có hơn 100.000 máy ATM trên khắp nước Mỹ được thiết kế có thể phục vụ cho người khiếm thị gọi là máy "Accessible ATM" (máy ATM dễ dàng sử dụng).
Hầu hết các ngân hàng lớn như Bank of America, Wells Fargo, Chase, Citibank,… đều có gắn loại ATM này. Ngoài chức năng bình thường như mọi máy ATM, các máy ATM này còn có tính năng hỗ trợ điều khiển bằng tiếng nói – nên còn gọi là Talking ATM (ATM biết nói).
Đầu tiên, người khiếm thị gắn tai nghe có đầu cắm chuẩn 3,5mm vào lỗ tai nghe trên máy. Máy ATM sẽ tự động chuyển sang chế độ điều khiển bằng giọng nói.
Máy sẽ phát tiếng nói hướng dẫn người dùng từng bước một để tiếp cận với khu vực có các phím bấm, rồi các bước để có thể thực hiện các dịch vụ ngân hàng một cách an toàn. Người khiếm thị có thể tự mình rút tiền hay nạp tiền vào tài khoản từ máy ATM.
|
Trên các dịch vụ thanh toán và ngân hàng online cũng có tính năng hỗ trợ người khiếm thị với sự trợ giúp của những ứng dụng đọc màn hình, điều khiển bằng giọng nói,…
Cũng có những ứng dụng chuyên dùng, thường là phải trả tiền, giúp người dùng có thể thực hiện các dịch vụ ngân hàng và thanh toán điện tử bằng bàn phím và các nút trên màn hình cảm ứng của thiết bị di động.
Ngày 24/10/2016, Bank of America, ngân hàng lớn thứ 2 ở Mỹ (sau JP Morgan Chase) đã làm một cuộc cách mạng trong lĩnh vực ngân hàng điện tử khi giới thiệu nhân viên thu ngân ảo (virtual teller) Erica ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) với tính năng máy học (machine learning) để trợ giúp người dùng bằng giọng nói.
Nàng "thu ngân ảo" này không chỉ trợ giúp người dùng trên các dịch vụ online của ngân hàng mà còn có mặt trên những máy ATM thế hệ mới. Và tất nhiên, nàng Erica trở thành một người trợ thủ cho người khiếm thị khi làm các dịch vụ ngân hàng điện tử.
Các công nghệ bảo mật sinh trắc học ngày nay có thể giúp ích nhiều hơn cho người khiếm thị khi thực hiện các dịch vụ ngân hàng. Chẳng hạn như người ta có thể ứng dụng công nghệ quét vân tay, nhận diện giọng nói, nhận diện khuôn mặt,… để xác thực người sử dụng.
Không thể phủ nhận thực tế là đối tượng khách hàng ngân hàng là người khiếm thị hay có những khiếm khuyết về sức nhìn không nhiều để có thể bù đắp cho chi phí đầu tư của các ngân hàng.
|
Ngân hàng Nhà nước đã "bật đèn xanh" cho các tổ chức cung cấp dịch vụ thanh toán mở tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng cho những người khiếm thị có yêu cầu. Ảnh minh họa |
Nhưng cũng thực tế là chẳng cần phải cầu toàn, chờ đợi cơ sở hạ tầng hoàn thiện. Người khiếm thị có mọi quyền công dân và quyền con người, nên không thể bị phân biệt đối xử. Mấu chốt đầu tiên và cũng là nền tảng là việc ngân hàng mở tài khoản và cấp thẻ ATM cho người khiếm thị.
Trong khi chờ đợi có những thiết bị hỗ trợ, hay có ứng dụng hỗ trợ, người khiếm thị vẫn có thể thực hiện các giao dịch, thanh toán điện tử bình thường hoặc tại quầy ngân hàng, hoặc ở nhà với sự trợ giúp của ai đó mà họ tin tưởng.
Để bảo đảm an toàn cho tất cả, ngân hàng có thể cấp loại tài khoản đặc biệt mà khi giao dịch, hệ thống sẽ tự động nhận biết đó là của người khiếm thị để có những cơ chế thích hợp.
Nhìn chung, có rất nhiều chuyện - thậm chí không đơn giản, để làm, nhưng miễn là ngân hàng chịu làm. Và cũng miễn là người khiếm thị phải được mở tài khoản và có thẻ ATM.
Tháng 4/2013, Bank of America cũng đã đi tiên phong đưa ra thế hệ máy ATM mới tích hợp Teller Assist để thực hiện các cuộc video chat trên màn hình trực tuyến giữa người dùng và nhân viên ngân hàng.
Từ tháng 4/2017, sau đợt thử nghiệm năm 2016, hệ thống ngân hàng DBS Bank của Singapore cũng lần đầu tiên triển khai loại máy ATM mới gọi là VTM (video teller machine) có nhân viên ngân hàng xuất hiện trên màn hình tương tác với người dùng tương tự như máy ATM Teller Assist của Bank of America.
Ở Ấn Độ, nước đông dân thứ nhì thế giới (hơn 1,3 tỷ dân), ngày 6/6/2012 đã dưa vào sử dụng máy Talking ATM đầu tiên của nước Nam Á này có tính năng hỗ trợ người khiếm thị. Chiếc máy do ngân hàng Union Bank of India lắp đặt tại bang Ahmedabad cho phép khoảng 20.000 người khiếm thị ở bang này có thể thực hiện các dịch vụ ATM như người bình thường. Thậm chí, ngân hàng còn chu đáo khi thiết kế máy ATM này có thể phục vụ cho cả người ngồi xe lăn.
|
Phạm Hồng Phước