Doanh nghiệp Việt 'đánh mạnh' thị trường Thái

23/08/2017 - 11:00

PNO - Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam (VN), bảy tháng đầu năm nay, hàng hóa VN xuất khẩu vào Thái Lan (TL) đạt 2,64 tỷ USD, chủ yếu là hàng điện - điện tử, dầu thô, kim loại, xe máy và phụ tùng, cà phê, trà, hóa chất…

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp (DN) còn đẩy mạnh gạo, nước mắm, trái cây sấy dẻo, giày dép… thâm nhập thị trường này.

Doanh nghiep Viet  'danh manh' thi truong Thai
Doanh nghiệp Việt Nam tự tin cạnh tranh tại thị trường Thái Lan


Cùng mua, cùng bán

Mới đây, Bộ trưởng Thương mại TL cho biết, nước này đặt mục tiêu gia tăng thương mại song phương với VN lên 20 tỷ USD trong vòng 3 năm tới. Hai bên cùng thực hiện mục tiêu đưa tổng giá trị thương mại song phương lên 20 tỷ USD vào năm 2020, tăng 44% so với năm 2016.

Hiện nay, VN là đối tác thương mại lớn thứ 7 của TL trong quan hệ thương mại với thế giới và thứ 4 trong ASEAN. Theo số liệu của Hội đồng Thương mại TL-VN, thương mại song phương VN - TL từ 9 tỷ USD năm 2012 tăng lên 13,85 tỷ USD năm 2016. 

Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng VN chất lượng cao - cho biết, các DN VN đang ra sức tập trung tìm đường xuất hàng sang TL, thị trường này còn có đối tác Ấn Độ. “Tại các buổi kết nối cung cầu mới đây ở Thái, nhiều DN VN đã có kinh nghiệm chinh chiến thương trường, chào hàng thật chuyên nghiệp như: nhân viên giới thiệu sản phẩm (SP) bằng tiếng Anh lưu loát, video giới thiệu SP hấp dẫn...”, bà Hạnh đánh giá. 

Những  thương hiệu  Thiên Long, Biti’s, Vinamit đã tìm hiểu xu hướng, sở thích tiêu dùng của người Thái rất bài bản. Biti’s đã nghiên cứu thị hiếu của người Thái để hiểu giới trẻ ở đây thích mẫu mã hiện đại, trẻ trung; về chất lượng thì các đối tác TL rất tin tưởng vào tay nghề công nhân VN.

Theo các DN, trong kinh doanh hội nhập hiện nay là tính chuyện cùng mua cùng bán, chứ không nên chỉ nhắm một chiều là bán hàng.

Ông Cường Nguyễn  -  Giám đốc nhãn hàng Bitis Hunter và phụ trách thị trường quốc tế cho biết, hiện có 7 nhà phân phối sỉ- lẻ tại TL đặt vấn đề ký hợp đồng với Biti’s. Các đối tác Thái nhận định VN và TL khá giống nhau về phân khúc thị trường. Tức là SP chất lượng tốt, giá cao hiện đang do các thương hiệu quốc tế thống lĩnh. Phân khúc giá thấp ở TL cũng như VN vẫn đầy rẫy hàng nhái, hàng kém chất lượng. Vì vậy, TL chính là thị trường tiềm năng của Biti’s bởi người Thái  cần giá cả hợp lý, chất lượng tốt như những gì Biti’s đang theo đuổi tại VN.

Đặc biệt, theo các DN, trong kinh doanh hội nhập hiện nay là tính chuyện cùng mua cùng bán, chứ không nên chỉ nhắm một chiều là bán hàng. Ông Phạm Minh Thiện  - Tổng giám đốc Công ty (CT) Cỏ May - cho rằng: “Tôi thấy giao thương có tính đối lưu hàng hóa và hàng hóa có tính bổ túc cho nhau sẽ hấp dẫn các bên tham gia, vì DN cảm thấy khả năng thành công sẽ cao hơn”.

Tương tự, anh Trần Văn Liêng - Tổng giám đốc Vinacacao - cũng đồng quan điểm: “Chúng ta có thể hợp tác với các siêu thị lớn bên Thái thông qua làm hàng nhãn riêng hay co-branding, như chúng tôi đang làm với Lotte hay với Starbucks”. Đại diện CT Công Bình cũng cho biết, “DN Thái đòi mua gạo rẻ và cũng muốn mình bán gạo của họ, việc mua qua bán lại là bình thường”.

Sáng tạo để cạnh tranh

Theo bà Kim Hạnh, các mặt hàng mới lạ, sáng tạo, từ thiên nhiên sẽ có lợi thế hơn khi thâm nhập thị trường Thái. Điển hình như tinh dầu chưng cất thủ công, không chứa hóa chất của chị Đoan Thùy, một doanh nhân trẻ mới khởi nghiệp của Đồng Tháp, đã được doanh nhân Thái mua và ngỏ ý muốn đầu tư hợp tác. Hay CT Cửu Long Bến Tre với mặt nạ dừa tiếp nhận tới sáu thương nhân Thái mua thử. 

Hiệu quả “kép” khi chiếm được thị trường Thái  là chính từ thị trường này DN VN sẽ đến với các thị trường khác. Đại diện CT chế biến thực phẩm Bích Chi cho biết, “qua giới thiệu hàng tại Thái, CT đã bán được bốn container hàng cho khách Ấn Độ và một khách Ấn khác sẵn sàng mua bánh tráng, bột thực phẩm… DN Ấn Độ đang muốn chuyển từ mua SP Trung Quốc sang mua SP ngon, an toàn, giá hợp lý của VN”. 

Hay CT Cỏ May mời khách Thái thưởng thức cơm từ gạo đặc sản VN. Sau đó, sáu CT đã quyết định mua thử hàng trước khi tiến tới ký kết hợp đồng lớn. “Đặc biệt, một thương nhân chuyên bán nước mắm Phú Quốc của Thái, sau khi nếm nước mắm của CT Thanh Quốc ở Phú Quốc đã công nhận: tôi chưa bao giờ được nếm thứ nước mắm ngon, có mùi thơm đặc trưng như thế này”, bà Kim Hạnh kể.

Doanh nghiep Viet  'danh manh' thi truong Thai
Hiệu quả "kép" Khi chiếm được thị trường Thái Lan là chính từ thị trường này DN VN sẽ đến với các thị trường khác

“Chúng tôi quyết định xâm nhập thị trường Thái vì tự tin chất lượng SP chế biến hơn hẳn hàng nội địa nước này. Người tiêu dùng Thái đánh giá cao vị thơm, ngọt, giòn tự nhiên của SP trái cây sấy dẻo được chứng nhận hữu cơ của USDA, không có đường, hóa chất hay phẩm màu.  Kể cả món xoài sấy dẻo của VN cũng có nhiều lợi thế cạnh tranh do giữ được hương vị ngọt tự nhiên, khác hẳn với SP cùng loại của Thái”, đại diện CT Vinamit, chia sẻ. 

Thực tế, thị trường TL mang tính cạnh tranh cao vì thế mạnh của hàng Thái cũng là thế mạnh của hàng Việt như nông sản, hàng tiêu dùng, thực phẩm đóng gói… Tuy nhiên, đại diện Tập đoàn Central Group VN, cho biết quan trọng hơn là khả năng đeo bám của DN VN. Bỏ qua những thế mạnh tương đồng, nếu DN Việt biết nhìn ra lợi thế, sự khác biệt SP thì cơ hội vẫn rất lớn. 

Nhiều ý kiến cho rằng, hàng Việt khi xuất qua Thái vẫn còn có điểm yếu. Đại diện Biti’s, ông Cường Nguyễn đưa ra hai lời khuyên cho các DN: “Thứ nhất cần có bao bì bắt mắt. Thứ hai, vì nhà bán lẻ thường nhập với số lượng nhỏ nên để thuận lợi bán hàng, DN cần phải tổ chức nhà phân phối tại thị trường nước ngoài”. 

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI