Kem Nhật bị tố là… kem trộn
Mới đây, Công ty TNHH Sakura Beauty Vietnam (Q.1, TP.HCM) đã công bố thông tin doanh nghiệp (DN) này bị nói xấu, bôi nhọ trên mạng xã hội, ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu. Bà Trương Thị Nguyệt, Giám đốc công ty này cho biết, đã gửi đơn đến các ban ngành, tố cáo hành vi vu khống của người dùng Facebook có tên Diệp Xuân Hạ.
Trong đơn, bà Nguyệt cho biết, nickname Diệp Xuân Hạ đã đăng tải những thông tin sai sự thật về xuất xứ của dược mỹ phẩm Sakura và các thông tin bôi nhọ doanh nghiệp. Nội dung bài viết cho rằng, sản phẩm Sakura là “kem trộn” và việc sản phẩm này được bán trong siêu thị Aeon Mall không có nghĩa đây là hàng Nhật.
Cùng với việc đăng trên trang Facebook cá nhân, Diệp Xuân Hạ cùng các thành viên còn lập các hội nhóm kín như Beauty World, Hội Bốc Phốt Beauty House nhằm phát tán thông tin sai sự thật. Sau khi phát hiện sự việc, phía công ty đã lập các vi bằng đối với các hành vi vi phạm nêu trên và gửi đơn tố cáo đến cơ quan chức năng.
Bà Nguyệt khẳng định, Công ty Sakura Beauty Vietnam là đơn vị tiếp thị và phân phối sản phẩm dược mỹ phẩm Sakura Nhật Bản. Sản phẩm có xuất xứ và các chứng nhận y tế, chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm rõ ràng.
“Để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công ty, chúng tôi tố cáo Diệp Xuân Hạ về các hành vi vu khống, bôi nhọ, nói xấu, gây thiệt hại cho DN chúng tôi, làm ảnh hưởng đến công việc kinh doanh hiện tại của công ty và ảnh hưởng đến các đối tác mà chúng tôi đang hợp tác”, bà Nguyệt bức xúc.
Tuy nhiên, dù đã gửi đơn cầu cứu đến rất nhiều ban, ngành nhưng theo bà Nguyệt, cơ quan chức năng vẫn chưa có hướng xử lý. Facebook Diệp Xuân Hạ hoàn toàn không có thông tin cá nhân nào nên khó truy tìm. Công ty đã nhiều lần liên hệ với Facebook Singapore và gửi kèm tài liệu, bằng chứng nhưng cũng chưa biết được người đứng tên Facebook Diệp Xuân Hạ là ai.
Các cơ quan chức năng ở Việt Nam trả lời, họ cũng chưa biết xử lý thế nào vì Luật An ninh mạng (có hiệu lực từ ngày 1/1/2019) chưa có thông tư hướng dẫn việc xử lý cá nhân trên mạng nói xấu, bôi nhọ doanh nghiệp.
Không chỉ các DN tư nhân, những tập đoàn lớn cũng phải lao đao vì thông tin bị bôi nhọ trên Facebook.
Đại diện Công ty Pepsi Việt Nam cho biết, khoảng tháng 7/2018, tài khoản Facebook Nguyễn Công Minh tung ra thông tin: anh bị suy thận nặng là do có thời gian dài đều đặn uống ba chai nước tăng lực Sting mỗi ngày. Mặc dù chưa nhận sự phản hồi của Pepsi Việt Nam nhưng ngay sau đó, thông tin này nhanh chóng được phát tán với tốc độ chóng mặt. Chỉ sau sáu ngày đăng tải, bài viết đã nhận được 93.600 lượt xem và 65.114 lượt chia sẻ.
Đây không phải lần đầu Pepsi Việt Nam bị vu khống, phát tán thông tin giả. Năm 2016, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin, do nước uống Sting chứa nhiều chất độc nên 15 học sinh ở Tuyên Quang bị ngộ độc, trong đó hai em tử vong, 13 em còn lại có biểu hiện bất thường, phải nhập viện.
Qua thực tế xác minh, Pepsi phát hiện hình ảnh bệnh nhân đang nằm viện đăng trên Facebook được lấy từ một trang web ở Pakistan, hình ảnh đám tang hai học sinh tử vong cũng là giả mạo. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Tuyên Quang cũng kiểm tra tất cả bệnh viện trong tỉnh; kết quả, không tiếp nhận hay cấp cứu bất cứ trường hợp nào bị ngộ độc do uống nước Sting.
Được vạ thì má đã sưng
Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena cho biết, đã gặp rất nhiều trường hợp doanh nghiệp bị nói xấu, vu khống, bôi nhọ nhưng chờ cơ quan chức năng xử lý rất lâu. Nếu doanh nghiệp chỉ ngồi chờ cơ quan chức năng vào cuộc thì thông tin bất lợi cho doanh nghiệp lan truyền trên mạng xã hội đã kịp phát tán, khiến doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng trước khi có kết luận của cơ quan chức năng.
Theo ông Thắng, khi bị nói xấu, bôi nhọ trên mạng xã hội, doanh nghiệp phải chủ động cung cấp thông tin cho các đơn vị xử lý khủng hoảng thông tin; họ nắm được nguồn thông tin từ đâu phát tán và sẽ có giải pháp xử lý, hạn chế thông tin xấu lan truyền. Đồng thời, doanh nghiệp phải nhanh chóng lập các vi bằng ghi lại bằng chứng về các hành vi nói xấu, bôi nhọ và gửi đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng, đề nghị xử lý.
“Nhiều trường hợp doanh nghiệp bị nói xấu, bôi nhọ nhưng Facebook Việt Nam và cả Facebook Singapore đều không giải quyết được mà phải phối hợp với Facebook Mỹ mới ngăn chặn được thông tin phát tán. Luật An ninh mạng chỉ áp dụng tại Việt Nam, còn Facebook là mạng toàn cầu nên phải có sự phối hợp mới xử lý được”, ông Thắng nói.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại, thuộc Hội Luật gia Việt Nam - cho rằng, Bộ Công an cũng ghi nhận tình trạng nói xấu trên mạng xã hội và họ cũng phối hợp với Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) để xử lý tình trạng này.
Nếu hệ thống máy chủ đặt ở Việt Nam thì việc truy tìm danh tính người vi phạm không khó, nhưng nếu máy chủ đặt ở nước ngoài thì việc truy tìm tương đối khó khăn. Tuy nhiên, không nên vì khó mà không vào cuộc và răn đe vì đây là hành vi vi phạm pháp luật, được quy định rất rõ trong Luật An ninh mạng.
Dưới luật, có Nghị định 147 nêu rõ, người cung cấp thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của tổ chức, cá nhân trên mạng xã hội sẽ bị phạt từ 20-50 triệu đồng. “Thực tế, việc đăng thông tin nói xấu, bôi nhọ vẫn nhan nhản trên Facebook. Bộ Thông tin và Truyền thông cần có các biện pháp để buộc Facebook phải tuân thủ pháp luật của Việt Nam”, luật sư Nguyễn Văn Hậu đề xuất.
|
Doanh nghiệp lập vi bằng về hành vi nói xấu, bôi nhọ của facebooker Diệp Xuân Hạ, gửi đơn tố cáo đến cơ quan chức năng |
Các ngân hàng cũng từng lao đao vì tin giả trên Facebook
Đại diện Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, tháng 10/2018, một facebooker ở xã Quảng Đông, H.Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình phát đi tin đồn: phòng giao dịch Hòn La thuộc chi nhánh BIDV Bắc Quảng Bình bị phá sản, sắp giải thể.
Sau khi tin đồn được phát đi, có 12 cá nhân ở H.Quảng Trạch đến phòng giao dịch yêu cầu được thanh toán các sổ tiết kiệm trong khi số tiền gửi chưa đến hạn. Sau đó, thêm hàng chục trường hợp đến phòng giao dịch yêu cầu được rút tiền với tổng tiền yêu cầu rút trước thời hạn hơn 6 tỷ đồng.
BIDV cho biết, theo Luật Các tổ chức tín dụng và các văn bản hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước, phòng giao dịch, chi nhánh của các ngân hàng thương mại là đơn vị thành viên, hạch toán phụ thuộc; do vậy, không thể có việc phá sản phòng giao dịch hay chi nhánh như thông tin đồn thổi. Thông tin này nhằm mục đích xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của BIDV.
Ngân hàng Việt Á cũng bị kẻ xấu lập ra một trang fanpage để đăng thông tin vu khống rằng, ngân hàng này đã chiếm đoạt hơn 20 tỷ đồng của một khách hàng, khi khách hàng phản ánh thì bị bảo vệ ngân hàng đánh đuổi. Những thông tin không đúng sự thật này đã gây thiệt hại rất lớn cho ngành ngân hàng.
Nguyễn Cẩm - Hoa Lài