Doanh nghiệp chạy nạn... giải thưởng, giấy chứng nhận

03/07/2017 - 11:00

PNO - Mới đây, facebook của bà Vũ Kim Hạnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) đã “dậy sóng” khi đăng thông tin liên quan đến việc doanh nghiệp (DN) kêu ca vì bị cưỡng ép “đóng tiền, nhận giải thưởng”

Các thông tin này chỉ sau một ngày đăng, đã có 500 lượt chia sẻ; hơn 2.200 người đồng quan điểm với ý kiến này, nhiều bình luận phẫn nộ vì có cùng cảnh ngộ. 

Rợp trời chợ danh hiệu giải thưởng

Đó không phải là những trường hợp cá biệt, báo Phụ Nữ TP.HCM cũng nhận được những phản hồi của nhiều DN về công cuộc chạy nạn… giải thưởng. Đại diện một bệnh viện quốc tế chia sẻ: “Trung bình, mỗi tháng chúng tôi nhận đến bốn-năm lời mời tham gia nhận lãnh các giải thưởng, các danh hiệu được tôn vinh.

Đặc biệt, mới đây một “nhà tổ chức” đã năm bảy lần liên hệ đề nghị tham gia giải “DN mạnh nhất khu vực châu Á” với “phí tài trợ” 40 triệu đồng”. Chúng tôi đã phải vất vả từ chối nhiều lần, rất mất thời gian và mệt mỏi”. 

Doanh nghiep chay nan... giai thuong, giay chung nhan
Doanh nghiệp tập trung đầu tư chất lượng sản phẩm, giá cả hợp lý, hậu mãi tốt mới là kế sách phát triển thương hiệu dài lâu


Không chỉ những DN tên tuổi mà ngay cả những đơn vị làm ăn nhỏ, các nhà tổ chức này cũng không… tha. Một cơ sở kinh doanh mật ong Gia Lai nhỏ lẻ ở Q.Gò Vấp, TP.HCM kể, chị từng nhận gần cả chục cuộc gọi điện thoại mời tham gia nhận danh hiệu “Đặc sản Việt Nam” từ một người tự xưng là ở Bộ.... “Họ cho biết, để nhận danh hiệu, tôi chỉ cần đóng 15 triệu đồng” - chị nói.

Những sự vụ thế này được đẩy lên đỉnh điểm khi bà Vũ Kim Hạnh dẫn chứng, một hiệp hội DN nhân sự kiện kỷ niệm ngày doanh nhân Việt Nam và hưởng ứng năm APEC 2017 đã triển khai chương trình “DN, doanh nhân hội nhập kinh tế APEC 2017” nhằm tôn vinh các DN và kêu gọi “kinh phí hỗ trợ truyền thông 40 triệu đồng”.

Nhiều DN khổ sở vì không có tiền tham gia, lại bị dọa bằng đủ tên ban ngành, thậm chí bằng cả tên của… lãnh đạo cao cấp trong thư mời khiến DN “muốn từ chối nhưng lại sợ…” (!?).

Điều đặc biệt là hiện nay các nhà tổ chức này ngày càng áp dụng trắng trợn công thức: “đóng tiền + tiếp kiến một vị lãnh đạo cao cấp, trực tiếp truyền hình (kênh truyền thông) + tặng danh hiệu” (thậm chí không cần hồ sơ xét duyệt). Vấn đề đặt ra: những nhà tổ chức đó là ai? Vì sao được quyền ban tặng danh hiệu vô tội vạ? Ai cho họ quyền nhân danh các cơ quan bảo trợ và thậm chí dám mượn tên của cả những người có vị thế trong xã hội?

Bà Vũ Kim Hạnh bức xúc: “Thủ tướng vừa ra lệnh “giải cứu” DN khỏi nạn thanh kiểm tra, nhưng DN vẫn bị những trò vòi tiền lộng hành, dưới danh nghĩa “tư vấn”, thu tiền “hỗ trợ truyền thông” chứ không làm tiền, trấn lột. Mấy năm trước, tôi đã nói về những chiêu trò này giữa hội nghị toàn quốc Bộ Công thương. Những nhà tổ chức các trò này cũng nhân danh bộ này, bộ kia; ban này, ban nọ, kể cả mượn danh Quốc hội, Ban tuyên giáo (?) với “quyền lợi” lớn trưng ra đầu tiên, nổi bật, là được tiếp kiến… lãnh đạo cao cấp. Sao không ai kiểm tra, xác thực tên các cơ quan bảo trợ và tổ chức này?”.

Tại anh hay tại ả, tại cả đôi bên?

Đại diện bệnh viện trên cho biết: “Mấy giải thưởng kiểu này chỉ là cái cớ để họ moi tiền DN. Nếu giải thưởng thật sự uy tín, nhà tổ chức không cần mời, DN cũng tự tìm hiểu và đăng ký tham gia. Những giải thưởng uy tín có tiêu chuẩn đánh giá rất khắt khe, minh bạch và lệ phí rất thấp, chứ không kêu gọi theo kiểu tài trợ”. 

Song thực tế, không phải DN nào cũng muốn khẳng định mình bằng chất lượng sản phẩm (SP) hay dịch vụ, vẫn có không ít DN chạy đua gắn đủ loại chứng nhận lên SP của mình để làm hoa mắt người tiêu dùng (NTD) như: “SP hiệu quả năng lượng tiêu biểu”, “SP an toàn được xác nhận”, “SP xanh”, “SP ưu tú hội nhập WTO”. Thậm chí, trên một SP mà có đến bốn-năm logo chứng nhận được in dán dày đặc, che cả phần thông tin nhãn SP mà NTD cần biết. Đáng nói hơn là nhiều NTD vẫn mê và bị thuyết phục bởi những logo như vậy chứ chưa quan tâm tâm đến chất lượng, giá trị thật sự của SP”.

Chuyên gia Vũ Thế Thành, thạc sĩ Quản trị chất lượng, cho biết: ở Việt Nam và cả ở nước ngoài, hầu hết các tổ chức cấp giải thưởng, giấy chứng nhận hoạt động dưới hình thức tư nhân, dân sự; tự thu, tự chi; tự cung, tự cấp và không chịu sự giám sát của bất kỳ cơ quan quản lý nhà nước nào. Do vậy, không có quy định bắt buộc nào đối với loại hình tổ chức này. So ra, các giải thưởng đó cũng “thượng vàng, hạ cám”, có hơn nhau chăng là ở uy tín của đơn vị cấp.

Thực tế, có không ít đơn vị “đầu voi, đuôi chuột”, “núp bóng” cơ quan nhà nước để củng cố niềm tin cho logo chứng nhận của họ. Trong nhiều trường hợp, việc trao giải thưởng, chứng nhận SP chẳng khác nào các tổ chức và DN tự khen nhau, chứ thực tế các chứng nhận này không có ý nghĩa. 

Trong bối cảnh hỗn loạn danh hiệu, giải thưởng như hiện nay, các cơ quan, ban ngành liên quan cần xiết chặt hơn nữa vấn đề quản lý các giải thưởng cũng như hoạt động của các hiệp hội DN, tránh để DN mất thời gian, tiền của vô bổ. Riêng vấn đề để các giải thưởng, danh hiệu “ất ơ” ấy  lan tỏa, các cơ quan truyền thông đã đứng ở đâu trong vai trò bảo trợ thông tin? 

Bị phạt vì bán danh hiệu Duyên dáng doanh nhân Việt 2016
Tình trạng loạn giải thưởng, danh hiệu xảy ra ở khắp các lĩnh vực, danh hiệu nào có thể bán được là… bán. Năm 2016, dư luận từng lùm xùm quanh vụ mua bán danh hiệu Duyên dáng doanh nhân Việt 2016. Giải thưởng trao cho 30/50 thí sinh dự thi, một danh hiệu nhưng trao cho nhiều người.

Ban tổ chức cuộc thi chào giá các giải thưởng với thí sinh lên đến 50 triệu đồng/giải với tin nhắn lý giải: “Chi phí quá lớn để đầu tư hoành tráng cho sân chơi... Phí truyền hình trực tiếp đài VTV9 quốc gia là 500 triệu đồng…”.

Thanh tra Bộ Văn hóa- Thể thao & Du lịch cho rằng, cuộc thi tổ chức trước khi được cấp giấy phép.

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI