Chỉ cần đóng phí, hàng 'đểu' cũng bán được trên Lazada, Shopee... (?)

26/06/2019 - 10:36

PNO - Bán hàng trên Lazada, Shopee, Sendo... không khó, dường như các trang thương mại điện tử này chỉ quan tâm đến thu phí người mở gian hàng, còn chất lượng hàng hóa ra sao thì tùy.

Chỉ cần trả phí 2% cho mỗi đơn hàng là có thể thoải mái đăng sản phẩm lên bán trên trang thương mại điện tử, từ hàng thời trang giả, nhái đến thực phẩm không rõ nguồn gốc. 

Có chứng minh thư, tài khoản là lên sàn

Liên hệ một số trang thương mại điện tử (TMĐT) để hỏi về thủ tục đăng ký bán hàng, chúng tôi được hướng dẫn các bước khá đơn giản. Nhân viên tư vấn qua điện thoại của trang lazada.vn cho biết, cá nhân kinh doanh chỉ cần cung cấp chứng minh nhân dân và số tài khoản ngân hàng là có thể mở gian hàng, đăng sản phẩm lên bán. Đơn vị này đang miễn phí thanh toán trong hai năm, chỉ tính phí chuyển khoản và phí cố định.

Theo nhân viên lazada.vn, sau khi mở gian hàng, cá nhân có thể bán tất cả các ngành hàng. Với sản phẩm thời trang thì không cần giấy tờ gì thêm, riêng với thực phẩm thì cần có thêm giấy ủy quyền thương hiệu, công bố sản phẩm, hóa đơn VAT gần nhất. Khi chúng tôi hỏi “bán mật ong, phấn hoa, sữa ong chúa… do nhà làm, không có nhãn hiệu, công bố chất lượng thì bán được trên lazada.vn không”, nhân viên tư vấn khẳng định “bán được, không cần có thương hiệu”.

Thực tế, trên lazada.vn, nhiều gian hàng đang chào bán mật ong hoa cà phê, hoa cao su Đắk Lắk đóng trong chai nhựa 1 lít với đủ mức giá từ 80.000- 290.000 đồng, không có thông tin nhãn mác theo quy định như tên thương hiệu, đơn vị sản xuất, phân phối, ngày sản xuất, hạn sử dụng, số công bố chất lượng sản phẩm… Người bán tự cam kết “đảm bảo nguyên chất, không pha trộn”. Shop còn giới thiệu tinh bột nghệ nhà làm nhưng cũng với tình trạng không nhãn, không thông tin sản phẩm. 

Ngoài ra, quần áo giả, nhái thương hiệu Nike cũng được bày bán công khai. Gõ từ khóa “áo nam Nike”, trang lazada.vn hiện ra hàng loạt áo hiệu Nike có giá trên 2 triệu đồng/cái, nhưng cũng có nguyên bộ áo, quần shorts in logo Nike bán chỉ 109.000 đồng/bộ. Nếu trước đây, shop giới thiệu quần áo Nike thì nay chỉ ghi chung chung “quần áo thể thao nam” nhưng trên ngực và mác áo vẫn in rõ logo và chữ Nike. 

Chi can dong phi, hang 'deu' cung ban duoc tren Lazada, Shopee... (?)
Chất lượng hàng hóa trên rất nhiều trang thương mại điện tử hiện đang bị thả nổi

Các bước đăng ký mở gian hàng trên trang shopee.vn càng đơn giản hơn. Chỉ cần tải ứng dụng (app) về điện thoại, đăng hình ảnh sản phẩm, điền các thông tin theo mẫu là có thể chào hàng. Theo trang web của Shopee, chủ sàn này đưa ra hàng loạt quy định về thông tin, chất lượng sản phẩm mà người bán phải tuân thủ như “chỉ được phép bán các loại hàng hóa mà khi giao đi phải còn ít nhất một nửa thời hạn sử dụng và còn ít nhất 30 ngày mới đến ngày hết hạn”. Thế nhưng, thực tế, hàng hóa bán trên trang này “thượng vàng hạ cám”. 

Một gian hàng chào bán combo sáu chai màu thực phẩm giá chỉ 19.000 đồng, các loại mật ong đóng chai nhựa, tinh bột nghệ, phấn hoa đóng túi ni-lông… hoàn toàn không có bất kỳ thông tin gì về sản phẩm. Đặc biệt, shop công khai bán hàng giả, nhái: một bộ đồ thể thao hiệu Adidas giá chỉ 120.000-150.000 đồng; túi Adidas giá 20.000 đồng, quần shorts, áo thun Adidas giá 50.000-80.000 đồng…

Quy định có nhưng... bó tay!

Chị Linh, ngụ tại quận Bình Thạnh, TP.HCM từng bán mỹ phẩm, quần áo, thực phẩm trên Shopee cho biết, đa số khách hàng mua qua Shopee thích hàng giá rẻ, càng rẻ càng tốt, ít để ý đến thương hiệu và các thông tin quan trọng như công bố chất lượng, ngày sản xuất, hạn sử dụng… ở nhóm hàng thực phẩm. 

“Hàng trên Shopee cứ giá rẻ là dễ bán, chủ sàn không kiểm duyệt chất lượng sản phẩm. Nhiều người chỉ cần trả phí 2%/đơn hàng và công khai bán hàng giả, nhái mà không hề bị xử lý vi phạm theo quy định sàn đưa ra. Các shop bán đúng quy định rất khó cạnh tranh và bị thiệt nhiều nhất là người mua” - chị Linh đánh giá.

Công ty Văn hóa sáng tạo Trí Việt (First News) mới đây cũng đã công bố bằng chứng các trang Shopee, Lazada, Sendo tiếp tay tiêu thụ sách giả, sách lậu và yêu cầu các sàn TMĐT phải làm đúng trách nhiệm của mình. 

Luật Thương mại, Luật Giao dịch điện tử đã nêu rõ trách nhiệm của sàn TMĐT trong việc để xảy ra hoạt động bán hàng lậu, hàng giả. Theo đó, tùy mức độ, sàn TMĐT phải có biện pháp gỡ bỏ, khóa tài khoản đối với các gian hàng sai phạm. Nhưng thực tế, nhiều gian hàng vẫn công khai chào bán sản phẩm giả, nhái, không rõ nguồn gốc mà không bị xử lý. 

Theo luật sư Bùi Quang Tín (Đoàn Luật sư TP.HCM), sàn giao dịch TMĐT cũng giống như trung tâm thương mại, siêu thị, chợ và chủ sàn đóng vai trò như ban quản lý, phải kiểm soát, quản lý được các hộ kinh doanh. Nếu cơ quan chức năng phát hiện các tiểu thương kinh doanh hàng giả, hàng nhái, họ sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật, đồng thời ban quản lý cũng phải chịu trách nhiệm. Vì vậy, các chủ sàn TMĐT phải có trách nhiệm kiểm soát, quản lý hàng hóa bày bán trên trang của mình.

Luật sư Tín cho biết, mức độ xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng tùy thuộc vào hành vi cụ thể của trang TMĐT, chủ yếu là phạt tiền. 

Tuy nhiên, mức phạt hiện nay quá nhẹ (chỉ vài triệu đến vài chục triệu đồng), không đủ sức răn đe đối tượng vi phạm nên tình trạng bán hàng giả, nhái, trôi nổi trên các sàn TMĐT vẫn tràn lan.

Bộ Công thương cho biết, sẽ công khai tên website TMĐT, ứng dụng di động cũng như tên và thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân sở hữu website, ứng dụng có các hành vi vi phạm. Nhưng theo luật sư Tín, cần tăng mức phạt cao hơn mới đủ sức răn đe và buộc các sàn TMĐT phải có trách nhiệm hơn. 

“Bên cạnh đó, các lực lượng công an kinh tế, quản lý thị trường phải thường xuyên có bộ phận kiểm tra, rà soát chất lượng hàng hóa và cần phối hợp với bộ, sở thông tin, truyền thông để ứng dụng các công nghệ vào kiểm soát hiệu quả như cách mà các nước trên thế giới đang áp dụng”, luật sư Tín kiến nghị. 

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI