PNO - Mấy chục năm trước, xà bông cô Ba rất được ưa chuộng. Thế hệ 4X, 5X biết đã đành, ngay cả người chưa chạm tay hay thấy cục xà bông đó ngoài đời cũng nghe nhắc đến. Bởi, cục xà bông ấy là cả nghệ thuật kinh doanh.
LTS: Họ là người đã gầy dựng nên những thương hiệu, sản phẩm gắn bó một thời với người dân Việt Nam, đến nỗi mà giờ đây mỗi khi nhắc đến xà bông cô Ba, kem đánh răng Hynos, dầu khuynh diệp bác sĩ Tín, dầu gió Nhị Thiên Đường, dầu cù là Mac Phsu, bia BGI hay ngân hàng Tín Nghĩa rất nhiều người vẫn còn nhớ...
Thành công đó có được không hề dễ dàng, càng không chỉ dựa vào may mắn, mà chính từ ý chí, nghị lực, cùng tư duy kinh doanh nhạy bén biết nắm bắt cơ hội làm giàu của những con người dám nghĩ, dám làm.
Nói như "Vua ngân hàng" Nguyễn Tấn Đời trong hồi ký của mình, rằng muốn có sự thành công, chúng ta phải tự thân vận động, lao động bằng chính bàn tay khối óc của mình. Và phải biết tận dụng mọi cơ hội nhưng phải có tâm, phải ngay thẳng. Còn sự may mắn là một cơn mưa cho tất cả mọi người, nếu ai biết chuẩn bị kịp thời được đồ chứa tốt và lớn thì hứng được nhiều nước trời cho…
Đến chợ Kim Biên bây giờ, nhìn về bên phải thấy một dãy nhà cũ kỹ. Phía trước, ở trên cao có biển quảng cáo hình một phụ nữ được đắp bằng xi măng đã hoen ố bởi thời gian. Nơi đây từ năm 1930 là cơ sở sản xuất xà bông Việt Nam lừng danh của ông Trương Văn Bền và logo trên là biểu tượng "cô Ba" nên xà bông của ông còn được gọi là xà bông cô Ba…
Trụ sở, xưởng sản xuất xà bông cô Ba, 20 rue de Cambodge nay là đường Kim Biên (P.13 Q.5, TP.HCM). Trên cao vẫn còn logo hình một phụ nữ được cho là cô Ba. Ảnh: Trần Chánh Nghĩa.
Không hài lòng với những gì mình đạt được
Ông Bền sinh năm 1883 tại Chợ Lớn trong một gia đình khá giả và có học thức. Thuở nhỏ, ông được hưởng nền giáo dục Hán học pha trộn với giáo dục Pháp phổ biến thời bấy giờ.
Từ năm 1896, ông bắt đầu học ở các trường Pháp École Municipale de Cholon, Collège de My Tho, Lycée Chasseloup-Laubat. Năm 1889, chính quyền thuộc địa Pháp tổ chức lần đầu tiên kỳ thi cao đẳng tiểu học (Brevet élémentaire), ông ghi tên, thi đậu và được bổ nhiệm làm ký lục.
Làm công chức chưa được 2 năm, ông xin nghỉ trở về theo nghiệp buôn bán của cha. Khởi nghiệp, ông có một cửa tiệm nhỏ ở 40 rue du Cambodge (bây giờ là đường Kim Biên) bán đậu phộng, đậu xanh, đường...
Rồi cứ thế lớn dần. Ông mua hàng sỉ từ các thương gia người Hoa rồi bỏ mối lại cho các tiệm bán lẻ ở Chợ Lớn.
Công việc làm ăn của ông ngày càng thuận lợi. Không hài lòng với những gì mình đạt được, ông tiếp tục mở rộng kinh doanh.
Từ năm 1905 đến năm 1918, chỉ vỏn vẹn 13 năm, ông mở liên tiếp xưởng sản xuất và tinh luyện dầu ở Thủ Đức, hai nhà máy xay lúa, một ở Chợ Lớn và một ở Rạch Cát. Ông cũng có một khách sạn và một tiệm mỹ phẩm. Cơ sở ép dầu ở Thủ Đức nhờ dùng máy ép bằng hơi do Mỹ sản xuất nên sản phẩm bán có hiệu quả hơn các cơ sở khác.
Sau đó, ông mở thêm một cơ sở sản xuất dầu nữa ở Chợ Lớn. Xưởng này sản xuất đủ loại dầu từ dầu nấu ăn, dầu salat, đến dầu dừa, dầu castor, dầu cao su và các loại dầu dùng trong công nghiệp.
Ông Trương Văn Bền. Ảnh tư liệu.
Những hoạt động của ông Bền trên thương trường đã làm cho nhiều người ngưỡng mộ. Chính quyền và các đoàn thể xã hội đã mời ông tham gia vào các hoạt động kinh tế, xã hội. Ông là người Việt đầu tiên được bầu làm phó chủ tịch Phòng Thương mại và giữ chức này trong suốt 9 năm từ 1932 đến 1941. Trước đó, ông đã từng là nghị viên phòng thương mại, thành viên Hội đồng quản hạt Nam kỳ.
Chưa dừng lại, ông tiếp tục lấn sâu vào lãnh vực nông nghiệp. Trong 10 năm từ 1920, ông làm Tổng giám đốc công ty Canh nông Tháp Mười. Ông đã góp 300ha ruộng tại Mỹ Tho cùng các thân hữu hình thành công ty với tổng diện tích 10.000ha nuôi sống và tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn nông dân nghèo trong vùng. Năm 1941 ông thành lập hai nhà máy xay lúa sản xuất hơn 100 tấn gạo mỗi ngày.
Tầm nhìn của ông không dừng ở cây lúa. Ông biết, cây dừa là loại cây có thể dùng trong nhiều lĩnh vực và ông đã nghĩ ngay đến việc tinh luyện dầu dừa. Từ dầu dừa, ông mở thêm nhà máy chế biến ra xà bông. Mấy ai biết, sự nghiệp của ông đã tỏa sáng giờ lại bùng lên khi xà bông cô Ba bắt đầu xuất hiện.
Lợi nhuận từ các hoạt động kinh doanh đã góp lại cho ông có một tài sản khá lớn. Mức thuế ông phải đóng cho chính phủ theo tính toán của phủ toàn quyền Đông Dương ở Hà Nội, lên tới 107.000 đồng/năm, tương đương gần 1.800 lượng vàng.
Làm nên xà bông cô Ba vang bóng
Công cuộc làm ăn của ông Trương Văn Bền ngày càng phát triển. Ông vốn là người nhìn xa, trông rộng. Ngay từ đầu thế kỷ 20, người dân Bến Tre đã biết ép dừa thành dầu để cung cấp cho các nhà sản xuất tại Sài Gòn. Ông Trương Văn Bền là một trong những khách hàng tiêu thụ lượng dầu dừa khá lớn. Ông mua dầu thô và cả cơm dừa để chế biến thành dầu. Từ dầu ông làm ra xà bông để sau đó, thương hiệu xà bông của ông đã “làm mưa, làm gió” trên thị trường trong suốt vài chục năm...
Vỏ hộp và cục xà bông cô Ba. Ảnh tư liệu.
Chính thức được thành lập vào năm 1932, hãng xà bông Trương Văn Bền ban đầu có tên Công ty Trương Văn Bền và các con - Dầu và Xà bông Việt Nam (Truong Van Ben & fils - Huilerie et Savonnerie Vietnam). Trụ sở, xưởng sản xuất được đặt tại số 40 Quai de Cambodge (đường Kim Biên, trước chợ Kim Biên bây giờ). Mỗi tháng, hãng của ông Bền cho ra 600 tấn xà bông loại thường để giặt quần áo.
Lúc bấy giờ, trên thị trường cũng có nhiều loại xà bông, có điều loạt tốt của Pháp thì quá đắt, loại rẻ do các lò nấu nhỏ ở Chợ Lớn sản xuất thì chất lượng kém, không dùng được. Nhìn ra cơ hội vàng, nhưng ông Bền không nôn nóng, hấp tấp. Ban đầu ông chỉ cho ra loại xà bông đá để thăm dò. Từ xà bông đá, ông nghiền ngẫm tìm cách đáp ứng thị hiếu người dùng để sau đó, xà bông thơm cô Ba ra đời.
Xà bông cô Ba không những rẻ mà chất lượng còn rất tốt, mùi thơm lâu nên được người tiêu dùng đón nhận, đẩy lùi được tất cả các loại xà bông sản xuất trong nước cũng như nhập từ Pháp (xà bông thơm Marseille).
Không lâu sau, xà bông thơm cô Ba nhanh chóng được biết tới trên toàn Đông Dương, thậm chí còn xuất sang Hương Cảng, qua châu Phi và Tân Đảo. Ai ai cũng biết đến xà bông cô Ba có in hình nổi trên cục xà bông thơm, trong một hình oval. Ngoài hộp xà bông bằng giấy carton cũng có in hình người đàn bà đẹp.
Trong quyển hồi ký của mình, ông Bền kể lại: “Thấy xà bông bán chạy tôi làm thêm một chảo nữa. Nay nhiều thêm thì phải làm quảng cáo dữ mới bán được. Một mặt phải kiếm thế ép mấy hàng tạp hóa mua xà bông Việt Nam về bán, vì tiệm tạp hóa hầu hết của khách trú, chúng xấu bụng không mấy khi chịu mua đồ của người Việt Nam chế tạo về bán, chỉ trừ khi nào món đồ ấy đã được thông dụng đem cho chúng một mối lợi hàng ngày thì chúng mới chịu mua.
Tôi bèn huy động một tốp người cứ lần lượt hàng ngày đi hết các tiệm tạp hóa hỏi có xà bông Việt Nam bán không? Hễ có thì mua một, hai xu, bằng không thì đi chỗ khác, trước khi bước chân ra khỏi tiệm nói với lại một câu “Sao không buôn xà bông Việt Nam về bán? Thứ đó tốt hơn xà bông khác nhiều”.
Hết người này tới người khác, thét rồi chủ tiệm cũng phải để ý lấy làm lạ, phải hỏi lại chỗ bán xà bông Việt Nam, cho người mua thử về bán. Tốp thì ôm đờn ca vọng cổ tán dương tính chất của xà bông Việt Nam, tốp thì đi đánh võ rao hàng, rồi đá banh tôi cũng cho mặc áo thêu xà bông Việt Nam. Nói tóm lại tôi không bỏ lỡ một dịp nào mà không làm quảng cáo, nên xà bông Việt Nam bán chạy lắm”.
Vợ chồng ông Trương Văn Bền.
Nhờ đầu óc nhạy bén của ông Bền như thế, xà bông cô Ba có mặt hầu như trên khắp mọi miền đất nước. Không riêng tại các thành phố lớn, cô Ba còn có mặt tận hang cùng ngõ hẹp, nơi những người dân nghèo sinh sống.
Thấy xà bông cô Ba thành công như vậy, nhiều người khác cũng lao vào kinh doanh nhưng đều không cạnh tranh lại. Có thể kể đến như bà đốc phủ Mầu ra xà bông Con Cọp, ông Balet ra xà bông Nam-Kỳ cũng có biểu tượng người đàn bà Việt Nam như xà bông cô Ba, ông Nguyễn Phú Hữu ra xà bông “3 sao” ở Cần Thơ…
Thậm chí, kỹ sư hóa học Nguyễn Thành Nam (ông Đạo Dừa khi chưa đi tu) vừa du học ở Rouen (Pháp) về Bến Tre cũng mở hãng xà bông Thiên Nam để cạnh tranh với xà bông cô Ba, sau cùng vẫn là phải chịu thua.
Ông Bền đã áp dụng triệt để và thành công cách làm: lãi không nhiều nhưng lãi ít mà nhiều người mua vẫn hơn lãi nhiều mà ít người ngó đến. Thêm vào đó, ông áp dụng một chiêu thức quảng cáo rất thân thiện và gần gũi. Câu nói, người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, những hình ảnh cục xà bông cô Ba trên áo cầu thủ, trên xe đò đã làm cho nhiều người chú ý.
Trong các chương trình ca nhạc, cải lương chèn thêm vở diễn về xà bông cô Ba đã ghi sâu vào tiềm thức người dân. Thành ra, sản phẩm bán đặc biệt chạy, lên như diều gặp gió, phủ khắp nơi. Trong mấy chục năm liền từ khi ra đời năm 1932, xà phòng Cô Ba tung hoành trên thị trường với mức tiêu thụ “khủng”, không có đối thủ.
Một cửa hiệu trên đường Hàm Nghi quảng cáo xà bông Việt Nam (tức xà bông cô Ba).
Mai một thương hiệu
Có thể nói, nhờ hãng xà bông Trương Văn Bền ra đời năm 1932, Việt Nam hãnh diện được một xưởng công nghệ quy mô, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế trong thời kỳ phôi thai. Hàng trăm công nhân đã có công ăn việc làm tại các xưởng ép dầu, xưởng làm xà bông.
Năm 1948, ông Trương Văn Bền rời Việt Nam sang Pháp, sống tại Paris. Ông trở thành hội viên của phòng thương mại Quốc tế, đi chu du khắp nơi trên thế giới. Các con ông vẫn tiếp tục duy trì sản xuất của hãng xà bông, trong đó có xà bông thơm hiệu cô Ba. Năm 1956, ông Bền mất, thọ 73 tuổi.
Có một chi tiết khá thú vị, hầu như ai cũng đặt câu hỏi về người con gái đẹp xuất hiện trên vỏ hộp xà bông của ông Trương Văn Bền là ai? Chắc có lẽ chỉ có ông Bền mới biết được thôi.
Nhiều giai thoại đồn đãi về hình ảnh cô Ba. Có giai thoại cho rằng cô Ba chính là cô Ba Thiệu con gái thầy Thông Chánh (tên thật Nguyễn Văn Chánh, còn gọi Nguyễn Trung Chánh) ở Trà Vinh, người đã đánh bật 100 cô gái khác dành chiến thắng trong cuộc thi sắc đẹp vào năm 1865 tại Sài Gòn.
Những năm này, lịch sử Việt Nam có nhiều biến động. Xà bông Việt Nam của hãng Trương Văn Bền vẫn chiếm lĩnh phần lớn thị trường cho đến khoảng giữa thập niên 1960, khi hàng hóa, xà bông, bột giặt Mỹ bắt đầu tràn ngập miền Nam.
Không còn xà bông Pháp, xà bông Cô Ba bắt đầu cạnh tranh với xà bông Mỹ, trong đó đáng kể nhất là xà bông Lifebuoy được lính Mỹ tuồn ra bán với giá rất rẻ. Tuy vậy, xà bông Cô Ba vẫn giữ được thị phần lớn.
Rồi các công ty mới ở Việt Nam cũng thành lập sản xuất bột giặt thay thế phần lớn nhu cầu dùng xà bông để giặt giũ. Công ty Trương Văn Bền và các con, lúc đó đã đổi thành Hãng xà bông Việt Nam, vẫn nỗ lực cạnh tranh, sản xuất thêm sản phẩm bột giặt Việt Nam cạnh tranh với các loại bột giăt Mỹ và bột giặt Viso của ông Trương Văn Khôi.
Xà bông cô Ba bày bán trên kệ siêu thị cùng nhiều thương hiệu khác.
Sau năm 1975, Hãng xà bông Việt Nam hoạt động theo mô hình doanh nghiệp nhà nước với tên gọi Nhà máy công tư hợp doanh xà bông Việt Nam thuộc Bộ Công nghiệp nhẹ. Năm 1995, đơn vị này trở thành công ty Phương Đông thuộc Bộ Công nghiệp. Tháng 7/1995, công ty Phương Đông liên doanh với tập đoàn Proter & Gamble lập một nhà máy mới ở Bình Dương, vẫn duy trì ngành sản xuất và thương mại với các loại hóa chất như mỹ phẩm, xà phòng, chất tẩy rửa, chế phẩm vệ sinh…
Thương hiệu xà bông Cô Ba được sử dụng lại nhưng số lượng bán ra đã giảm đáng kể. Bởi, sau quãng thời gian dài hàng chục năm đứt quãng, trong thời gian này thị trường xà bông, sữa tắm và dầu gội đã có sự chuyển biến mạnh mẽ - đặc biệt là sự xuất hiện của gã khổng lồ trong ngành tiêu dùng nhanh (FCMG), đủ để một thương hiệu mai một trong tiềm thức người tiêu dùng.
Năm 2017, CTCP Đầu tư Thương mại Bất động sản An Dương Thảo Điền (mã HAR) công bố quyết định đầu tư ít nhất 35% cổ phần và được quyền mua thêm 20% cổ phần của CTCP Sản xuất Thương mại Phương Đông. Doanh nghiệp này đang lên kế hoạch để đưa xà bông cô Ba trở lại thị trường.
“Ở xứ mình, trong giới kỹ nghệ còn trống chỗ nhiều, muốn lập kỹ nghệ nào cũng dễ lắm. Không cần phải có vốn nhiều. Vốn ít, càng tốt hơn. Ban đầu không nên làm rình rang, đã vô ích mà còn có hại, cứ khởi sự nho nhỏ, đi lần lần từng bước.
Cần nhất phải có chí nhẫn nại. Như tôi đây bị thất bại đã mấy phen, nhưng có thất bại mới có thêm kinh nghiệm. Thứ nhất là bền chí. Thứ hai là phải có sức khỏe, làm gì thì làm mỗi buổi sáng tôi cũng dậy sớm tập nửa giờ thể dục.
Không có sức khỏe, hay đau ốm thì dẫu tài giỏi đến bực nào cũng thành vô dụng. Tóm lại sức khỏe, sự học hỏi, sự bền chí là những điều kiện của sự thành công”.
Cú bứt tốc ngoạn mục vươn lên vị trí dẫn đầu thị trường của VinFast đã truyền cảm hứng để ngày càng nhiều khách hàng tin tưởng, chuyển đổi sang xe điện...
Đón Black Friday, 800 điểm bán trên toàn quốc của Saigon Co.op gồm Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smile, Cheers, Finelife, Sense City, SenseMarket… thực hiện giảm giá từ 50% trở lên.