Đến Long Khánh mùa hè đừng quên ghé mộ đá cổ Cự Thạch Hàng Gòn 2.000 năm tuổi

21/05/2019 - 07:21

PNO - Hè là mùa thu hoạch của hàng trăm ha trái cây ở Long Khánh, nhưng chuyến ghé thăm vùng đất này sẽ lý thú hơn nếu bạn viếng Thạch cự Hàng Gòn hơn 2.000 tuổi để tìm hiểu những bí ẩn của nó.

Ở xã Hàng Gòn, cách thị xã Long Khánh (Đồng Nai) 8 km về phía Nam, trên trục quốc lộ 56 hướng đi về Bà Rịa-Vũng Tàu, có một khu mộ cổ được kết cấu bởi những phiến đá hoa cương lớn và những trụ đá dài và rất nặng có niên đại gần 2.000 năm tuổi - mộ Cự Thạch Hàng Gòn hay người dân địa phương còn gọi là “Mã Ông Đá”.

Dưới thời Pháp thuộc, mộ nằm trên phần đất của công ty cao su Xuân Lộc, tổng Bình Lâm Thượng, tỉnh Biên Hòa, nay thuộc xã Hàng Gòn, H.Long Khánh, tỉnh Đồng Nai, cách Biên Hòa 50 km.

Den Long Khanh mua he dung quen ghe mo da co Cu Thach Hang Gon 2.000 nam tuoi
Cổng chào khu mộ Cự Thạch Hàng Gòn
Den Long Khanh mua he dung quen ghe mo da co Cu Thach Hang Gon 2.000 nam tuoi
Nhà trùm khu mộ đá vừa có chức năng bảo vệ vừa tạo thuận tiện cho khách tham quan

Năm 1927, khi mở con đường số 2 (nay là quốc lộ 56), một kỹ sư người Pháp - ông Jean Bouchot tình cờ phát hiện một tảng đá nhô thẳng lên từ gốc cây cổ thụ. Nhận được tin báo, Pháp đã cung cấp nhân công để Bouchot khai quật nơi đây. Cuộc khai quật chính thức bắt đầu từ ngày 14/4 – 16/5 năm 1927 trong điều kiện thiếu thốn về dụng cụ.

Khi cung cấp nhân công, Pháp hy vọng cuộc khai quật sẽ tìm thấy vàng. Tuy nhiên, kết quả lại là một ngôi mộ cổ bằng đá có niên đại vài ngàn năm tuổi. 

Den Long Khanh mua he dung quen ghe mo da co Cu Thach Hang Gon 2.000 nam tuoi
Den Long Khanh mua he dung quen ghe mo da co Cu Thach Hang Gon 2.000 nam tuoi

Mộ Cự Thạch Hàng Gòn là một dạng hầm mộ, được cấu tạo bởi những tấm đá hoa cương lớn và những trụ đá dài, nặng khoảng 30 - 40 tấn. Ngôi mộ có hình chữ nhật dài 4,2m, ngang 2,7 mét, cao 1,6 mét được ghép bởi 6 tấm đá hoa cương bào nhẵn ở mặt ngoài. 4 tấm đá thẳng đứng dùng làm vách, 2 tấm nằm ngang dùng làm mặt đáy và nắp đậy. Các khối đá này liên kết với nhau nhờ hệ thống rãnh dọc chắc chắn. Xung quanh mộ có nhiều trụ đá hoa cương cao 7,5 mét. Phần lớn các đầu trụ được khoét lõm hình yên ngựa. 

Ngay khi Bouchot công bố kết quả khai quật, H. Parmentier-Chủ sự Sở khảo cổ Đông Dương Service Archéologie de L, Indochine đã bày tỏ sự quan tâm cũng như đến viếng thăm ngôi mộ cổ 3 lần. 

Den Long Khanh mua he dung quen ghe mo da co Cu Thach Hang Gon 2.000 nam tuoi
Den Long Khanh mua he dung quen ghe mo da co Cu Thach Hang Gon 2.000 nam tuoi

Sau mô tả của Parmentier (1929), khu mộ Cự Thạch Hàng Gòn được nhiều người biết đến và ‘hấp dẫn’ nhiều nhà khảo cổ trên thế giới. Rất nhiều cái tên nổi tiếng trong giới khảo cổ lúc đó như H. Gaspardone trên tờ báo Ấn Độ (Journal Greater InDia Social Caltutta N.1955), H. Loffs (1961), L. Malleret (1963) đã đến Hàng Gòn. Sau khi tham quan, tìm hiểu, các vấn đề như niên đại xây dựng, kiến trúc và ngôi mộ này chôn ai cũng được đưa ra tranh luận sôi nổi. 

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, chủ nhân của mộ Cự Thạch là một nhân vật quyền uy. Có thể là thủ lĩnh của một bộ lạc hay liên minh các bộ lạc hùng mạnh về kinh tế và quân sự. Niên đại của di tích được xác định trong khoảng thời gian 150 trước Công nguyên đến 240 năm sau Công nguyên.

Điều bất ngờ là hầu hết các tảng đá tại đây đều có nguồn gốc từ Tây Nguyên và Nam Trung Bộ. Điều này đã đặt ra một câu hỏi lớn cho các nhà nghiên cứu về việc những khối đá này được vận chuyển như thế nào trong điều kiện không có đường xá, phương tiện vận chuyển tiên tiến?

Den Long Khanh mua he dung quen ghe mo da co Cu Thach Hang Gon 2.000 nam tuoi

Theo ông Lê Trí Dũng, Giám đốc Ban Quản lý di tích và danh thắng tỉnh Đồng Nai: Đã gần 100 năm, từ khi phát hiện Cự Thạch Hàng Gòn nhưng các vấn đề như cư dân nào đã xây dựng kiến trúc này? Bằng cách nào mà người cổ vận chuyển được những tấm đá, trụ đá hoa cương nặng hàng chục tấn từ các địa điểm khác đến Hàng Gòn? Thao tác cắt, gọt, bào như thế nào? Hay cư dân cổ đã sử dụng kỹ thuật gì để trồng các trụ đá, nâng hạ các tấm đan to lớn, ghép thành một dạng hầm mộ độc đáo? Tại sao là hình khối chữ nhật mà không phải dạng thức khác? ...

Tuy nhiên, đó là chuyện của các nhà chuyên môn, còn bạn, nếu có kế hoạch lang thang vườn trái cây Long Khánh dịp hè, đừng quên viếng thăm, tham quan công trình kiến trúc có một không hai của khu vực Đông Nam bộ nói chung và Đồng Nai nói riêng. Bạn có thể đi bộ theo cầu thang xuống mộ cổ, dùng tay ‘mân mê’ từng khối trụ, từng mặt đá, hình dung những vất vả và tài hoa mà cư dân cổ đã từng có. Đôi lúc, bạn sẽ tròn mắt về kỹ thuật tinh xảo của người cổ khi chạm khắc những chi tiết nhằm mục đích nối các tảng/khối đá với nhau.

Den Long Khanh mua he dung quen ghe mo da co Cu Thach Hang Gon 2.000 nam tuoi

Bạn cũng có thể tạt vào miếu Ông Đá, miếu Thổ Thần tìm hiểu các họa tiết, kiến trúc của đền miếu Việt xưa. Cuối cùng, đừng quên tạt ngang vào nhà trưng bày, tìm hiểu các cổ vật trưng bày, nghe thuyết minh để hiểu nhiều hơn về điểm tham quan này.

Ngoài ra, nếu thích lễ hội, bạn đừng quên chú thích 13.9 âm lịch. Ngày này hàng năm đều có Lễ hội vía Ông Đá (tên gọi trong dân gian về mộ Cự Thạch) để  cho mưa thuận gió hòa.

Khu di tích Cự Thạch Hàng Gòn gồm khu hầm mộ, khu chế tác, miếu Ông Đá, miếu Thổ thần, các công trình phụ trợ khác như  nhà bao che, nhà đón tiếp - trưng bày, nhà điều hành…  

Den Long Khanh mua he dung quen ghe mo da co Cu Thach Hang Gon 2.000 nam tuoi
Hướng đi Cự thạch Hàng Gòn từ ngã tư Hàng Xanh, quận Bình Thạnh, TP.HCM

Cự Thạch Hàng Gòn nằm gần TX.Long Khánh theo đường QL56 đi Bà Rịa-Vũng Tàu. Từ ngã tư Hàng Xanh, bạn đi xe về hướng đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây, hướng ra ở Long Thành, đi tiếp về hướng quốc lộ 56 là đến. Quảng đường dài khoảng 77 km.

Đình Nhật 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI