Thị trường ứng dụng đặt xe ngày càng sôi động

18/09/2018 - 06:00

PNO - Ngày 12/9 vừa qua, Go-Viet chính thức ra mắt tại Việt Nam cũng đồng nghĩa với một thông điệp được truyền tải: Cú “bán mình” của Uber để cho Grab “một mình một chợ” tại thị trường Việt Nam là chuyện đã xưa rồi.

Tưởng rằng… đã yên

Sau khi Grab thâu tóm xong Uber khu vực Đông Nam Á cứ tưởng rằng thị trường ứng dụng dịch vụ đặt xe qua smartphone khu vực đã được Grab “thôn tính” xong. Khi đó tại Việt Nam, chỉ có VATO là còn ít nhiều được nhắc đến trong tháng 4-5/2018. Nhưng sau đó, ứng dụng này đã rơi vào im lặng. Và thêm một lần nữa, tưởng rằng Grab đã “thôn tính” xong thị trường ứng dụng đặt xe tại Việt Nam nói riêng.

Thi truong ung dung dat xe ngay cang soi dong
Nhiều tháng nay, Grab đã không còn "một mình một chợ"

Nhưng tình hình đã thay đổi từ tháng 6/2018 trở lại đây khi các thông tin về Go-Jek (Indonesia) và FastGo (Việt Nam) liên tục được tung ra cho thấy hai ứng dụng này đang rậm rịch “chào sân” thị trường Việt Nam. Và cuối cùng, đến tháng 8/2018, cả Go-Viet với sự hậu thuẫn về tài chính và công nghệ từ Go-Jek và FastGo đều chính thức cung cấp dịch vụ. Thị trường ứng dụng dịch vụ đặt xe tưởng rằng đã yên, nhưng giờ lại không yên một chút nào.

Bởi sau lễ khai trương hoành tráng của Go-Viet có cả sự tham dự của Tổng thống Indonesia Joko Widodo, thì tại TP.HCM, một ứng dụng đặt xe khác là Go-iXe cũng tuyên bố chính thức gia nhập thị trường. Go-iXe cho biết cung cấp dịch vụ tại TP.HCM từ ngày 12/9 sau khi đã có mặt tại 8 tỉnh, thành trước đó.

Thị trường ứng dụng đặt xe càng sôi động thì càng có lợi cho người tiêu dùng. Bởi như vậy, Grab và tài xế Grab không thể tiếp tục cậy thế một mình một chợ để tăng cước hoặc có thái độ phục vụ thiếu chu đáo đối với khách hàng như trước vì đã có sự cạnh tranh từ các đối thủ, đặc biệt là Go-Viet. 

Xanh, đỏ, và phần còn lại…

Trong họp báo sau sự kiện ra mắt chính thức Go-Viet tại Hà Nội, CEO của Go-Jek cho biết, sau hai tháng cung cấp dịch vụ tại TP.HCM, Go-Viet đã có 25.000 đối tác lái xe ôm và chiếm 35% thị phần. Trong bốn tháng tới, Go-Viet sẽ cố gắng ra mắt chính thức 4 dịch vụ cốt lõi là xe ôm và xe ôtô công nghệ, giao thức ăn và ví điện tử Go-Pay.

Thi truong ung dung dat xe ngay cang soi dong
Lãnh đạo Go-Viet thông tin, sau hai tháng cung cấp dịch vụ tại TP.HCM, Go-Viet đã có 25.000 đối tác lái xe ôm và chiếm 35% thị phần

Để có được 35% thị phần, ai cũng biết là Go-Viet đã phải “đốt” tiền không ít bằng chính sách cước giá rẻ chỉ 5.000 đồng/cuốc từ 8km trở xuống mà mới đây đã nâng lên 9.000 đồng, đồng thời là chính sách thưởng theo chỉ tiêu số cuốc cho các tài xế lên đến hàng trăm ngàn đồng/suất.…

Tất nhiên không thể khoanh tay đứng nhìn, Grab sau đó cũng phải tung ra các chính sách cước rẻ cho khách hàng và thưởng theo chỉ tiêu chuyến cho tài xế xe ôm để đối phó lại. Như vậy hiện nay, thị trường ứng dụng dịch vụ đặt xe chủ yếu nằm trong tay Grab (xanh) và Go-Viet (đỏ).

Tham gia cuộc đấu này còn có FastGo, vừa được quỹ VinaCapital đầu tư số tiền được cho là khoảng 2 triệu USD. Tuy nhiên, chỉ với số vốn huy động được khiêm tốn như vậy và nếu chậm gọi thêm được nguồn vốn lớn hơn nhiều lần như thế thì hãy coi chừng FastGo bị biến thành “kẻ lót đường”. Bởi dù muốn hay không, cũng phải chấp nhận một thực tế thị trường ứng dụng dịch vụ đặt xe tại Việt Nam hiện nay đang rơi vào cuộc “đại chiến kim tiền” không có chỗ cho những ứng dụng lưng túi chỉ có vài triệu USD.

Nhưng “phần còn lại” dù yếu tiền, yếu thế hơn Grab và Go-Viet song có thể góp phần cùng với Go-Viet khiến Grab không thể “rảnh rang” như họ từng nghĩ sau khi thâu tóm xong Uber Đông Nam Á. Và mặt tích cực là, khi Grab buộc phải điều chỉnh lại chính sách kinh doanh cũng như thái độ phục vụ hành khách để cạnh tranh, thì thị trường sẽ phát triển lành mạnh hơn và người tiêu dùng được lợi hơn.

Thụy Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI