Thị trường ứng dụng đặt xe: Cạnh tranh từ giá đến hệ sinh thái

28/06/2018 - 09:14

PNO - Ứng dụng đặt xe số 1 Indonesia Go-Jek sẽ xâm nhập thị trường VN từ tháng 7/2018 qua ứng dụng Go-Viet do nhóm sáng lập viên người Việt điều hành, được sự hậu thuẫn của Go-Jek từ kinh nghiệm, chuyên môn đến công nghệ, tài chính.

Từ Go-Jek đến Go-Viet…

Go-Jek là ứng dụng đặt xe thống lĩnh tại thị trường Indonesia và đang tham vọng bành trướng ra thị trường Đông Nam Á.

Ngày 25/6 vừa qua, trong công bố mở rộng thị trường ra Thái Lan, Việt Nam và Philippines với gói giá trị đầu tư lên đến 500 triệu USD (nhận được từ Google, Warburg Pincus, KKR, Tencent, Meituan-Dianping và một số nhà đầu tư quốc tế khác), Go-Jek cho biết mở hai chi nhánh mới tại Việt Nam và Thái Lan.

Thi truong ung dung dat xe: Canh tranh tu gia den he sinh thai
Go-Jek sẽ xâm nhập thị trường VN từ tháng 7/2018 thông qua ứng dụng Go-Viet.

Go-Viet là ứng dụng đặt xe tại Việt Nam sẽ bắt đầu thử nghiệm với hai dịch vụ đặt xe ôm và giao hàng tại một số khu vực nội thành TP.HCM từ tháng 7, nhưng có thể hiểu đó là một sự Việt hóa của Go-Jek.

Có lẽ phải chờ đến khi Go-Viet được thử nghiệm mới có thể so sánh rõ ràng hơn với ứng dụng Go-Jek song về mặt thị trường, có thêm Go-Jek/Go-Viet sẽ khiến thị trường cạnh tranh quyết liệt hơn, người dùng có nhiều lựa chọn hơn đặc biệt là trong bối cảnh Grab đang quá mạnh sau khi thâu tóm Uber dẫn đến không ít tài xế Grab “đổ đốn” về cung cách phục vụ, mà điển hình nhất là nhận đặt xe xong nhưng hủy chuyến không thực hiện, hoặc không chịu nhận khách…

Trong khi đó, ứng dụng đặt xe Việt là VATO đến bây giờ cũng đã làm mài mòn thiện cảm và sự kiên nhẫn của giới truyền thông và người dùng. Họ không có một bộ máy điều hành kinh doanh trong lĩnh vực O2O (online to offline) đủ giỏi và cũng thiếu chiến lược đủ mạnh mẽ trên thị trường. Chính vì thế, Go-Jek/Go-Viet trở thành sự chờ đợi đầy mới mẻ đến với thị trường ứng dụng đặt xe tại Việt Nam.

… và cuộc đua về hệ sinh thái

Trong khi VATO đang mãi loay hoay với ứng dụng đặt xe về dịch vụ di chuyển của mình còn chưa xong thì Grab đã và đang liên tục đẩy mạnh hệ sinh thái. Ngoài dịch vụ di chuyển Grab còn có dịch vụ giao hàng, giao thức ăn, ví GrabPay, tích điểm GrabRewards… 

Thi truong ung dung dat xe: Canh tranh tu gia den he sinh thai
Grab đang liên tục đẩy mạnh hệ sinh thái.

Dịch vụ giao thức ăn đã được Grab khai trương và ngày 10/5/2018 vừa qua đã mở rộng địa bàn cung cấp dịch vụ GrabFood ra 10 quận tại TP.HCM. Trong khi đó, khách hàng tích điểm GrabRewards cũng có thể dùng để mua cuốc xe, hay các sản phẩm và dịch vụ về ẩm thực, mua sắm, du lịch, giải trí…

Phía Go-Viet trong thông cáo vừa phát đi cũng cho biết ứng dụng này là một ứng dụng đa dịch vụ, hay nói cách khác là Go-Viet tích hợp nhiều dịch vụ trong một ứng dụng và bước đầu sẽ cung cấp dịch vụ di chuyển và giao hàng.

Tuy nhiên cần biết  rằng, ứng dụng Go-Jek tại Indonesia hiện đang cung cấp lên đến hàng chục dịch vụ từ di chuyển, giao hàng, giao thức ăn đến ví điện tử, mua vé xem phim, massage, làm đẹp, lau dọn nhà cửa.v.v…

Có thể nói, hệ sinh thái của Go-Jek không hề thua kém Grab mà thậm chí còn nhiều và đa dạng hơn. Tất cả những thứ đó, lẽ dĩ nhiên là đều có thể chuyển giao cho Go-Viet tùy theo từng thời điểm thích hợp để triển khai tại thị trường Việt Nam.

Và cứ mỗi dịch vụ trong ứng dụng như vậy cũng sẽ mở rộng cơ hội kinh doanh mang về thêm doanh thu cho nhà cung cấp dịch vụ.

Thị trường Việt Nam luôn rất nhạy với những yếu tố về giá cả và liên quan tới giá cả sản phẩm và dịch vụ. Tuy nhiên nếu chỉ cạnh tranh về giá thì cũng sẽ khó giữ chân được khách hàng vì người dùng luôn có xu hướng chuyển dịch sang những nhà cung cấp có mức giá rẻ hơn.

Song nếu cạnh tranh bằng hệ sinh thái mang đến quyền lợi với những ưu đãi cũng như nhiều tiện ích tiện lợi cho người dùng thì họ sẽ ở lại với nhà cung cấp lâu hơn, hay nói cách khác là nhà cung cấp dịch vụ giữ chân được khách hàng lâu hơn. 

Diệu Tiên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI