Tranh giả ngang nhiên tồn tại
Bao nhiều năm và bao nhiều lần giới mỹ thuật Việt Nam ngồi lại, cùng lên tiếng, cùng bức xúc... nhưng rồi ở ngoài kia, trên những phố tranh và các phòng tranh, tranh giả vẫn cứ được bán-mua nhộn nhịp.
Chất xám của hội hoạ Việt Nam bị coi rẻ, luật định của Việt Nam bỏ trống hay thật ra chính các nhà quản lý cũng thiếu đi khả năng thẩm định lẫn quản lý, để rồi nền mỹ thuật Việt gần như "tự bơi" trong bối cảnh tranh sáng tranh tối của cái gọi là thị trường tranh?
Bài 1: Tranh giả như rươi vào mùa
|
Người Việt chỉ thích mua tranh rẻ!
Theo hoạ sĩ Đào Anh Khánh, phòng tranh Việt Nam hiện không ít, các địa điểm bán tranh không ít, người mua cũng không ít nhưng điều đó không hề cấu tạo nên một thị trường tranh như bao lĩnh vực khác. Bởi, với một thị trường đúng nghĩa, ngoài người bán – người mua còn phải có những chuyên gia thẩm định và được đặt trong một hệ thống quản lý, từ tổ chức nghề nghiệp đến quản lý nhà nước. Mỹ thuật Việt Nam là vùng trắng về thẩm định và quản lý.
|
Bức tranh Phố đêm (trái) của họa sĩ Đào Hải Phong và bức tranh giả được treo tại một nhà hàng |
“Việt Nam rất nhiều người chơi tranh, nhưng chỉ chơi tranh theo kiểu “làm sang”, nghĩa là họ chỉ muốn mua tranh giả, tranh sao chép với giá rẻ mạt”- một hoạ sĩ thẳng thắn kết luận.
“Cầu” đó đã dẫn đến “cung”: nhiều phòng tranh, cửa háng bán tranh sao chép mọc lên như nấm. Các ông chủ của các gallery cũng không cần phải là người am hiểu về tranh, họ bán tranh như một thứ hàng hoá có nhiều phiên bản, và điều quan tâm duy nhất là lợi nhuận. Các sinh viên mỹ thuật cũng chấp nhận kiếm sống bằng việc sao chép tranh cho các địa điểm này, như thể đó là bất kỳ công việc làm thêm để kiếm sống nào của cuộc đời sinh viên. Chưa kể, có hoạ sĩ, vì lợi nhuận cũng chấp nhận sao chép cả tranh của chính mình!
“Vấn nạn tranh giả đã làm những người thật sự chơi tranh ít ỏi còn lại cũng mất lòng tin vào sản phẩm nghệ thuật mà họ sưu tầm”- nhà sưu tập Phan Minh Thông nhận định.
Trong giới hội hoạ, hoạ sĩ Lê Kinh Tài từng khiến nhiều người kinh ngạc khi một bức tranh của ông bán được hơn 4 tỷ đồng. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất, ông khẳng định được thương hiệu qua việc mở hẳn một phòng tranh riêng, định vị được cho giới yêu tranh biết rằng muốn mua tranh Lê Kinh Tài thì nên đến đâu. Điều đó xác lập được giá trị sản phẩm mà người mua bỏ tiền mua được, cũng như khiến các phòng tranh khác e dè với ý định sao chép tranh Lê Kinh Tài.
Nhưng, dĩ nhiên, ông là trường hợp hiếm hoi có điều kiện làm điều đó. Cho nên, nếu như tranh Việt Nam, với lịch sử là đất nước có trường mỹ thuật đầu tiên của khu vực Đông Dương cùng những tên tuổi chịu ảnh hưởng của hội hoạ Pháp, càng ngày càng có giá trị trên các sàn đấu giá quốc tế, được nhiều chuyên gia quốc tế đánh giá cao thì ngay trong nước, cái gọi là thị trường tranh chỉ là một mớ lộn xộn và thiếu chuyên nghiệp, thiếu kiến thức.
|
Một tác phẩm của hoạ sĩ Lê Kinh Tài |
Thẩm định tranh: Giải pháp tối ưu
Mới đây nhất, khi nói về giải pháp cho thị trường tranh hiện tại, ông Vi Kiến Thành – cục trưởng Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm cho biết sắp tới sẽ có một Trung tâm Giám định tác phẩm mỹ thuật nhiếp ảnh, do Bộ VH-TT&DL chủ trì.
Đây cũng chính là điều mà giới mỹ thuật Việt đã mong chờ từ rất nhiều năm qua, sau những tranh cãi không hề có hồi kết. Tại triển lãm Những bức tranh trở về từ châu Âu, ngay cả khi hoạ sĩ Thành Chương tuyên bố bức đề tên hoạ sĩ Tạ Tỵ là của mình và trưng ra nhiều bằng chứng để xác thực điều đó, sự việc cuối cùng cũng đi vào quên lãng mà không hề có kết luận nào về tính giả - thật, dù tranh được bày tại chính Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Khi được hỏi về vấn đề này, đại diện bảo tàng cho biết không hề có cơ sở khoa học nào để đưa ra kết luận bức tranh đó là giả!
Câu trả lời tưởng vô lý nhưng đó lại là câu trả lời thật, về một kỹ năng mà Việt Nam còn trống hoác. Theo giới hội hoạ, ở các nước nơi một thị trường tranh được bảo hộ bởi rất nhiều tổ chức chức tài chính, phương pháp xác định tranh bằng khoa học như xác định đồng vị, chụp cắt lớp… đã được tiến hành từ lâu, khiến những tranh cãi luôn có đáp án bằng những chứng cứ khoa học. Trong khi đó, tại Việt Nam, tranh cãi ấy chỉ kéo dài bằng những ý kiến cảm tính, hoặc với những “nhân chứng” như ảnh chụp, người chứng kiến…
Nếu như tiến độ thành lập Trung tâm giám định mỹ thuật nhiếp ảnh được đảm bảo, năm 2019, trung tâm này sẽ ra đời. Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả những điều kiện để mang đến một thị trường tranh đúng nghĩa.
Để một bức tranh đến được với giới sưu tầm, lịch sử bức tranh ấy, lịch sử tác giả ấy cũng phải được cung cấp một cách bài bản, bởi một chuyên gia hoặc một hội đồng uy tín.
|
Các cửa hàng tranh trên phố Hàng Trống (Hà Nội). Ảnh: Bùi Dũng |
Đó là chưa kể, muốn có thị trường thì phải có quản lý thị trường, với những chế tài một cách hữu hiệu. Xưa nay, thực trạng tranh giả dường như nằm ngoài vòng kiểm soát của quản lý nhà nước. 17 bức tranh giả trong triển lãm Những bức tranh trở về từ châu Âu, sau vài ngày bị niêm phong, đã được nhà sưu tầm mang ra khỏi bảo tàng (và có thông tin là tranh sau đó được mang ra nước ngoài) mà cơ quan quản lý không hề có biện pháp nào giải quyết.
Thực tế, bản quyền mỹ thuật hay bản quyền các lĩnh vực sáng tác khác đều đã được bảo hộ bởi Luật Sở hữu trí tuệ. Trong đó, hành vi sao chép nào sẽ bị xử phạt hành chính, hành vi nào sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự… đều đã được quy định trong các Nghị định xử phạt. “Tuy nhiên, dù tranh giả nhan nhản trên phố, dù các hoạ sĩ ngày đêm kêu cứu, cho tới nay vẫn chưa có hành vi nào bị cơ quan nhà nước xử phạt cả”- một hoạ sĩ ca thán.
Vẫn còn rất lâu để thị trường tranh được vận hành một cách đúng nghĩa, ngay cả khi Trung tâm thẩm định ra đời. Tuy nhiên, sự tồn tại trong hàng chục năm qua là quá đủ cho những chất xám bị ăn cắp.
Nguyễn Vấn
Bài 3: Nỗi đau đáu của người làm nghề