Cơn lốc tăng giá đá xoáy người tiêu dùng
"Giá tại gốc (chợ đầu mối) đã bắt đầu tăng đến vài chục phần trăm cho từng loại trái cây, cộng thêm chi phí vận chuyển cũng tăng nên tôi buộc phải tăng giá bán", bà Hằng - Chủ một cửa hàng trái cây tại quận Thủ Đức cho biết.
Không chỉ mặt hàng trái cây mà nhiều mặt hàng khác đã tăng giá. Nhiều bà nội trợ đang thấm đòn vì các mức chi tiêu "nhảy cóc". Chị Bích Nga (quận Bình Thạnh) cho biết, giá thịt, rau củ tại chợ đã tăng từ đầu tháng Tư. Trước đây, khoảng 100.000 đồng là chị có thể lo bữa ăn cho gia đình 4 người. Song, vài tuần trở lại, mỗi lần đi chợ, vẫn mua những món ấy nhưng chị phải chi thêm vài chục ngàn đồng.
Giá xăng biến động từ đầu năm đến nay
|
“Một bó rau tầm 5.000 đồng nay lên 7.000 đồng/bó. Rau ngon như đọt su, đọt bí thì 15.000 đồng mới đủ ăn một bữa. Còn cá thì tăng giá ít nhất 5.000 đồng/kg so với trước đây. Người bán bảo giá vận chuyển tăng nên chi phí cũng đội lên”, chị than thở.
Chú Dần (quận 1, TP.HCM), người chạy xe ôm tại góc đường Võ Thị Sáu giao với Nguyễn Phi Khanh (quận 1, TP.HCM) đã hơn 20 năm nay. Chú cho biết, xăng tăng khiến vật giá khác cũng theo đà đẩy cao. Vợ đi chợ về đã than giá cả tăng vọt nhưng chú cũng không thể kiếm thêm tiền để cho vợ rộng chi. Ngược lại, chú còn đem tiền về... ít hơn. Lý do là vì, chi phí xăng tăng, nhưng chú không thể tăng giá với khách. Đời sống càng vất vả. Gia đình chú với 1 vợ và 3 người con trai càng nặng gánh.
Chú Dần kể, mỗi tháng chi phí tiền xăng khoảng 1,5 triệu đồng, nay con số này tăng lên 1,9 triệu - 2 triệu đồng. Với 400.000 - 500.000 đồng là số tiền lớn đối với dân lao động. Con số này cộng gộp với giá cả chi phí hàng ngày khác cũng đang tăng, sắp tới tôi không biết thu xếp ra sao.
Đòn tăng giá đã lan đến túi người tiêu dùng. Song thực tế, đây chỉ là làn sóng ban đầu. Có vẻ như thị trường còn đón nhận các đợt sóng tiếp theo.
Phải tăng giá vì... kiệt sức
Doanh nghiệp đang gặp nhiều áp lực trong sản xuất, kinh doanh. Đợt tăng giá xăng lần này là “giọt nước tràn ly” khiến doanh nghiệp không thể gồng gánh nổi. Không chỉ tăng mà việc tăng xoành xoạch khiến doanh nghiệp lâm vào thế bị động.
Nhiều doanh nghiệp cho hay đang lên kế hoạch tăng giá để cân đối chi phí, dù việc tăng giá này sẽ phải vất vả để giữ thị trường. Ông Lý Thành Sinh - Giám đốc Công ty TNHH Minh Long Hưng - cho biết, tháng 5 tới, công ty buộc phải tăng giá sản phẩm lên 15% mới có thể tồn tại, vì mọi chi phí đầu vào đều đồng loạt tăng giá.
Trong bối cảnh có nhiều đối thủ cạnh tranh, giá xăng tăng nhưng tài xế chạy xe ôm gánh gồng, chưa dám tăng giá 'cuốc' vì sợ mất khách
|
|
Đặc biệt, đối với những doanh nghiệp bao chi phí ăn, ở cho công nhân, thì đợt tăng giá lần này khiến họ chịu hệ lụy kép. “Giá xăng, điện tăng tác động đến chi phí sản xuất đầu vào là điều có thể nhìn thấy. Đồng thời, diễn biến này cũng khiến doanh nghiệp vất vả gấp bội khi con số chi phí ăn ở, sinh hoạt cho hơn 50 công nhân tại công ty cũng nhảy lên chóng mặt. Trước đây, trừ hết chi phí, công ty tôi có lợi nhuận khoảngp 15%. Bây giờ, tỷ lệ này giảm chỉ còn một con số”, ông Sinh chia sẻ. Theo ông Sinh, các chi phí đầu vào như giá vải, nguyên phụ liệu đã tăng 20% nhưng ba năm nay công ty vẫn không tăng giá đầu ra để giữ thị trường. Hiện nay, không chỉ xăng mà cả điện cùng tăng giá dồn dập khiến doanh nghiệp này không thể gồng nổi nữa, buộc phải tăng giá.
Tương tự, bà Lê Thanh Lâm – Phó TGĐ Công ty SaigonFood, thông tin, mới đây công ty cũng đã nhận được báo giá mới của các sản phẩm nguyên phụ liệu như bao bì, nguyên liệu nhập khẩu... đều tăng. Họ nêu lý do là giá chi phí sản xuất đầu vào tăng cao, đặc biệt là xăng, dầu đang là gánh nặng. Những chi phí đẩy này buộc SaigonFood phải tính đến mức tăng giá sản phẩm.
Thực tế, bài toán tăng giá 5 – 10% cho các sản phẩm đã được Saigon Food lên kế hoạch từ tháng 3, đợt tăng giá nhiên liệu lần trước rồi nhưng chưa áp dụng. Bây giờ, chi phí xăng, điện, nguyên phụ liệu tăng tiếp nữa, doanh nghiệp không gồng nổi, phải nâng giá sản phẩm tăng hơn 10%.
Tuy nhiên các doanh nghiệp cân nhắc bài toán tăng giá để không ảnh hưởng thị phần. Các doanh nghiệp chọn phương án thông báo tăng giá đến các đại lý và chỉ dám tăng giá 15% ở một số dòng sản phẩm bán chạy, còn lại chỉ tăng từ từ 5%, 10%. Vì nếu tăng đều đồng loạt, người tiêu dùng khó thông cảm, chấp nhận bởi chính họ cũng đang phải gánh thêm nhiều chi phí ăn uống, sinh hoạt bị tác động bởi giá xăng, điện.
|
Chi phí đầu vào, như khâu vận chuyển, đối diện áp lực giá xăng tăng |
Giá xăng, điện tăng đẩy giá nhiều ngành hàng khác tăng theo là thực tế khó tránh khỏi vì xăng, điện là một trong những chi phí đầu vào của nhà sản xuất. Theo TS.Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia kinh tế, hiện nay, doanh nghiệp chỉ có hai cách: một là rà soát, tính toán cắt giảm những chi phí có thể kiểm soát được như chi phí quản trị, marketing...; hai là phải tăng giá thành sản phẩm để bù trừ các chi phí đầu vào tăng.
Nếu tăng giá thành, doanh nghiệp nên tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng , chỉ có thể tăng khoảng 4% theo mức lạm phát hiện nay thì người tiêu dùng dễ chấp nhận. Nếu doanh nghiệp tăng cao hơn mức này thì có thể gặp khó khăn trong việc giữ thị phần.
Những động thái này cho thấy thị trường tiêu dùng sắp tới sẽ có nhiều biến động về giá. Doanh nghiệp mong quản lý nhà nước có những chính sách ổn định, kiểm soát giá xăng, điện nhằm không để tình trạng tăng giá liên tục gây nhiều khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; đặc biệt cần sự đồng thuận cao giữa các bộ ngành. Chính Phủ đã chỉ đạo tinh giảm các thủ tục kinh doanh hỗ trợ DN vừa và nhỏ nhưng thực tế các chính sách này chưa đến với doanh nghiệp, những cá thể này vẫn còn khổ bởi nhiều giấy phép con.
Ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát, doanh nghiệp vận tải có quy mô lớn ở miền Bắc cho biết giá xăng dầu liên tiếp tăng mạnh trong bối cảnh kinh doanh vận tải hiện cạnh tranh rất gay gắt. Vì vậy, tăng giá cước để cân đối chi phí là một bài toán khó đối với doanh nghiệp. Lý do là nếu tăng vé ngay, khách hàng sẽ phản ứng. Trước mắt, doanh nghiệp đang phải cố gắng cân đối các chi phí, cắt giảm một số khoản khác để bù đắp. “Nếu giá nhiên liệu tiếp đà tăng, doanh nghiệp sẽ cân nhắc phương án điều chỉnh giá dịch vụ vận tải cho phù hợp”- ông Bằng nói.
Đại diện một siêu thị lớn tại TP.HCM cho biết, hiện siêu thị chưa nhận được thông báo tăng giá nào từ nhà cung cấp sau khi giá xăng, điện tăng. Thông thường, nhà cung cấp phải gửi thông báo nêu rõ nguyên nhân và mức tăng giá cụ thể. Từ đó, siêu thị sẽ thẩm định, nếu lý do tăng giá có hợp lý không thì mới chấp nhận và phải sau 1 – 3 tháng mới được áp dụng giá mới.
Nhóm hàng thường bị tác động trước là thực phẩm tươi sống, sau đó mới đến hóa mỹ phẩm, quần áo thời trang…
|
Nguyễn Cẩm-Quốc Thái