Càng cận tết, các dòng sản phẩm trên càng về dồn dập, với đủ chủng loại hàng hóa gia dụng, thời trang, thực phẩm, mỹ phẩm...
“Đón đầu” tết Việt
Nhiều người bán cho biết, các sản phẩm (SP) này “xâm chiếm” mạnh ở phân khúc khách hàng trung - cao cấp. Trên đường Nguyễn Kiệm, Q. Gò Vấp, TP.HCM, có hẳn một cửa hàng tên Thái Lan chuyên bày bán hàng Thái Lan.
Hàng loạt chuỗi cửa hàng Nhật Bản, Hàn Quốc cũng “phủ sóng” khắp các tuyến đường lớn và trong các trung tâm thương mại, bày bán hàng “đồng giá” thu hút sự quan tâm của nhiều người tiêu dùng (NTD). Tại đây, hễ thấy hàng Việt có SP nào, hàng Thái, Nhật, Hàn đều có SP ấy.
Đặc biệt, giới kinh doanh những dòng hàng này rất biết cách kinh doanh theo mùa và theo thế mạnh thương hiệu. Ngay dịp tết này, NTD dễ dàng tìm thấy các SP thường dùng trong ngày tết, từ nông sản đến gia vị.
Ví dụ: SP Thái có gạo nếp, miến đậu xanh, bột ngọt, dầu hào, bột gia vị, nước tương, nướt xốt, tương ớt; SP Nhật có dầu gạo cao cấp, nước tương ít muối; SP Hàn Quốc có kim chi, củ cải muối vàng dùng để làm kimbap, sushi, phổ tai, tương ớt, đường nâu, chả cá, phô mai sợi, nước gạo, sữa chuối…
Đặc biệt, trong mùa làm ăn tết, giới kinh doanh SP Thái, Hàn, Nhật đang tập trung “đánh mạnh” vào mặt hàng trái cây tươi, trái cây sấy, mứt và đặc biệt là bánh kẹo - mặt hàng được cho là tiêu thụ rất mạnh.
Hàn Quốc có nho đen, nho mẫu đơn, nho muru, lê, hồng đông lạnh, hồng dẻo, hồng giòn, dâu tây, dưa lê; Nhật có cherry, dâu, dưa hấu, đào, biwa, quýt, tắc, táo, xoài đỏ... Giá đắt nhất thuộc dòng trái cây từ Nhật, từ 400.000-1,8 triệu đồng/kg, kế đến là Hàn Quốc (450.000-850.000 đồng/kg), sau cùng là Thái Lan (100.000-350.000 đồng/kg tùy loại).
Về bánh, kẹo, mứt, NTD có thể thấy các dòng SP này “phủ sóng” khắp nơi. Mứt Thái Lan có đủ loại xoài, cam, vỏ bưởi, cà chua bi, chanh vàng, nhãn... Kẹo Thái Lan hấp dẫn người mua ở khâu thiết kế SP lạ mắt, gây tò mò với đủ thứ hình dạng từ hình sỏi, bàn chân và bao bì là chiếc rương vàng.
Kết quả khảo sát Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2017 cho thấy, trước đây, lượng người mua SP ngoại nhập từ Thái, Nhật, Hàn chỉ chiếm dưới 3% thì nay đã tăng lên 8-10%.
Đặc biệt, với SP bánh kẹo, đồ uống, tỷ lệ mua đã tăng vọt lên 12-17%.
Hiện nay, SP Việt vẫn giành quyền chủ động, chiếm 51-60% thị phần trên cả nước, nhưng tỷ lệ này đã giảm đáng kể (giảm 27-32%) so với kết quả khảo sát năm 2016.
|
Đặc biệt, để cạnh tranh với cà phê Việt, doanh nghiệp (DN) Thái Lan còn tung ra cà phê có vị sầu riêng, xoài, dừa. Bánh kẹo Nhật, Hàn cao cấp hơn và có giá cao hơn so với bánh kẹo Việt, Thái; đặc biệt, có bánh nếp, bánh giầy Nhật với giá 170.000 đồng/gói 400g.
Nhiều NTD vẫn chọn mua các dòng SP ngoại nhập vì tin tưởng chất lượng, hàng hóa, lại được trưng bày đẹp mắt, dễ chọn, nhiều mức giá, phù hợp túi tiền, không gian mua sắm tiện lợi, thư giãn, đặc biệt là có nhiều mặt hàng mà giá chỉ nhỉnh hơn hàng nội 10.000-20.000 đồng/SP.
Khai thác tốt hệ thống bán lẻ
Một số thương hiệu lớn của Việt Nam làm ăn không minh bạch, cộng với nạn làm hàng giả, hàng nhái các SP uy tín của Việt Nam đã giáng mạnh vào niềm tin của NTD về chất lượng, uy tín của hàng Việt. Điều này sẽ càng tạo ra những “lỗ hổng” cho hàng ngoại xâm nhập.
Kết quả khảo sát Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2017 cho thấy, trước đây, lượng người mua SP ngoại nhập từ Thái, Nhật, Hàn chỉ chiếm dưới 3% thì nay đã tăng lên 8-10%. Đặc biệt, với SP bánh kẹo, đồ uống, tỷ lệ mua đã tăng vọt lên 12-17%.
Hiện nay, SP Việt vẫn giành quyền chủ động, chiếm 51-60% thị phần trên cả nước, nhưng tỷ lệ này đã giảm đáng kể (giảm 27-32%) so với kết quả khảo sát năm 2016.
Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu về xuất khẩu SP nông sản, thủy sản, nhưng các dòng SP chế biến sẵn, đặc biệt là SP được chế biến an toàn và tinh tế vẫn chưa được khai thác hiệu quả. |
Các doanh nghiệp Thái, Nhật, Hàn khai thác tâm lý “sính hàng ngoại” của NTD Việt, đánh vào tâm lý tẩy chay hàng Trung Quốc kém chất lượng để đưa ra mức giá chỉ cao hơn hàng Việt và hàng Trung Quốc cùng chủng loại không nhiều. Điều này khiến người mua sẵn sàng chọn SP của họ.
Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội DN Hàng Việt Nam chất lượng cao - cho rằng: “Các DN Thái, Nhật, Hàn đã khai thác tốt hệ thống bán lẻ. Đây là yếu tố quan trọng tạo không gian để SP chinh phục NTD. Bên cạnh đó, các DN này còn chủ động có nhiều chương trình đánh động xúc cảm để thu hút. Có thể thấy trong cuộc đua trên thị trường, SP của DN, quốc gia nào chinh phục được niềm tin của NTD thì SP của DN, quốc gia đó dần thắng thế”.
NTD sẵn sàng chi tiêu ở mức cao hơn nhưng đồng thời cũng quan tâm hơn về chất lượng, giá trị của SP.
“Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu về xuất khẩu SP nông sản, thủy sản, nhưng các dòng SP chế biến sẵn, đặc biệt là SP được chế biến an toàn và tinh tế vẫn chưa được khai thác hiệu quả. Một trong những nguyên nhân chính là do chênh lệch về trình độ công nghệ, trang thiết bị và nguồn nhân lực. Ðây là một trong những điểm yếu cần được cộng đồng DN Việt quan tâm cải thiện khi cạnh tranh với các DN nước ngoài trong xu thế hội nhập hiện nay”, bà Hạnh nêu ý kiến.
Theo ghi nhận của phóng viên, ngoại trừ SP tiêu thụ ở các kênh siêu thị, trung tâm thương mại thì phần lớn hàng bán ở chợ, trên mạng thường không có nhãn phụ tiếng Việt thể hiện rõ đơn vị nhập khẩu, phân phối.
Trong tuần qua, Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM thu giữ lượng lớn thực phẩm ngoại nhập lậu, hàng hóa không hóa đơn, chứng từ, không rõ nguồn gốc. Cơ quan này đã tạm giữ 1.250kg đường cát, 9.188 đơn vị sản phẩm rượu, bia, nước giải khát, sữa và 5.455 đơn vị sản phẩm kẹo, rượu vang, nước trái cây.
|
Nguyễn Cẩm