Thị trường sẽ quyết định việc Google và Facebook đặt máy chủ ở đâu

27/11/2017 - 00:05

PNO - Quốc hội đã có phiên thảo luận sôi nổi mà trong đó, ngay cả ý kiến của các đại biểu cũng trái chiều về việc buộc Google và Facebook đặt máy chủ tại Việt Nam. Song vấn đề đặt văn phòng đại diện thì ít được chú ý.

Nên có chế tài việc đặt văn phòng đại diện

Trong làn sóng dư luận đặt ra giả thiết “Google, Facebook có rút khỏi Việt Nam hay không?” nếu bị “ép” phải đặt máy chủ tại Việt Nam, vấn đề quan trọng thứ hai dường như bị để quên: Dự thảo Luật An ninh mạng qui định các công ty Internet nước ngoài – như Google và Facebook – muốn hoạt động tại Việt Nam phải có văn phòng đại diện.

Vậy chế tài này có nên hay không? Có.

Đơn cử như trường hợp tin giả (fake news), tin bịa (false news) trên YouTube và Facebook thời gian qua, khi các cơ quan chức năng Việt Nam muốn hai công ty này giải quyết, xử lí thì dường như chỉ có thể liên lạc qua kênh truyền thông số khá “tù mù” chứ khó có cơ hội trao đổi trực tiếp.

Chỉ thỉnh thoảng một vài người đại diện của Google và Facebook sang Việt Nam và gặp, trao đổi với quan chức Bộ TT&TT, nhưng đó cũng chỉ là chào xã giao, tiếp tân là chính chứ không phải đi vào xử lí công việc cụ thể.

Thi truong se quyet dinh viec Google va Facebook dat may chu o dau
Tin giả (fake news), tin bịa (false news) trên YouTube và Facebook thời gian qua xuất hiện tràn lan, khó kiểm soát.

Văn phòng đại diện của Facebook và Google, chưa hẳn cần cho mối quan hệ kinh doanh của họ tại thị trường Việt Nam (vì các công ty này kinh doanh quảng cáo trực tiếp và thông qua các đại lí là doanh nghiệp tại Việt Nam), nhưng rất cần để thiết lập cầu nối kịp thời để các cơ quan chức năng khi cần có thể trao đổi trực tiếp giải quyết những vấn đề phát sinh; đồng thời cũng có điều kiện hơn để sớm nắm bắt, cập nhật tình hình tại thị trường Việt Nam để có hướng xử lí.

Cần nhớ rằng, hàng loạt clip có nội dung xuyên tạc, bịa đặt, vu khống dựng chuyện, trái thuần phong mỹ tục.v.v… trên YouTube trong thời gian qua tồn tại rất lâu, xử lí rất chậm vì phía Google không hề có văn phòng đại diện tại Việt Nam. Với Facebook cũng thế, khi xảy ra chuyện, người dùng và các nạn nhân của “Face độc” không biết kêu ai.

Cho dù Facebook, Google cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, nhưng các trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ thì không thể cứ giải quyết xuyên biên giới một cách ì ạch, chậm chạp, làm cũng được không làm cũng chẳng có ràng buộc gì… trong khi lại đều đặn thu về vài trăm triệu USD mỗi năm từ thị trường Việt Nam.

Đặt máy chủ: Có ép thành được không?

Câu hỏi đặt ra ngay là: Nếu thông qua dự thảo qui định Facebook, Google phải đặt máy chủ, nhưng họ không thực hiện, thì liệu có cách nào chế tài? Không lẽ chặn những dịch vụ xuyên biên giới này khi chính doanh nghiệp và người dùng Việt Nam rất cần để phục vụ cho công việc kinh doanh, làm ăn, sáng tạo, học tập và giải trí…

Có một điều không nhiều người biết rằng, hiện nay Google đã đặt máy chủ tại Việt Nam bằng cách thuê của một số nhà cung cấp dịch vụ trong nước. Đó là cách đây vài năm, khi họ thấy xu thế xem video trên YouTube tại Việt Nam gia tăng mạnh (tỉ lệ người dùng Internet tại Việt Nam xem YouTube nhiều thứ 3 Châu Á), nếu đặt máy chủ ở Singapore hay các quốc gia Đông Nam Á khác thì sẽ ảnh hưởng tới tốc độ cũng như thời gian download/upload từ đó chất lượng video khó bảo đảm được chất lượng.

Khi họ chuyển sang đặt một phần máy chủ tại Việt Nam, tốc độ tải YouTube tại Việt Nam nhanh hơn. Qua đó cho thấy, cho dù không bị ép về qui định hay chính sách, nhưng từ thị trường và thương trường trong những bối cảnh nhất định sẽ tạo nên sự thúc ép mà các doanh nghiệp nước ngoài không thể bỏ qua.

Thi truong se quyet dinh viec Google va Facebook dat may chu o dau
Hiện Google đã đặt máy chủ tại Việt Nam bằng cách thuê của một số nhà cung cấp dịch vụ trong nước.

Hay ở các thị trường lớn như Ấn Độ, Châu Âu…, có thể Google không chỉ đặt máy chủ ở một khu vực mà còn đặt ở nhiều khu vực khác khi nhu cầu thị trường và thúc bách từ người dùng, họ buộc phải đáp ứng vì đó chính là điều sống còn.

Trong một lần gặp gỡ báo chí tại TP.HCM vào tháng 9/2017, đại diện của công ty Amazon Web Services chuyên về cung cấp dịch vụ điện toán đám mây cho biết, họ đã đặt máy chủ tại một số quốc gia và thị trường, tuy nhiên trong tương lai có đặt tại Việt Nam hay không hoàn toàn phụ thuộc vào nhu cầu thị trường và chiến lược phát triển kinh doanh.

Dân số Việt Nam hiện nhiều thứ ba trong các nước Đông Nam Á (sau Indonesia và Philippines) nhưng về thị trường thì sau Indonesia và Thái Lan. Cần biết rằng, trong số các thị trường mà Google và Facebook cung cấp dịch vụ xuyên biên giới trên thế giới, không phải quốc gia nào cũng có máy chủ của hai công ty này.

Ở khu vực Đông Nam Á cũng thế. Việc định hướng và định hình các chiến lược phát triển cũng như dựa trên đánh giá tiềm năng người dùng sẽ là chìa khóa để trả lời câu hỏi có nên đặt máy chủ hay không?

Thụy Du

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI