Thị trường nhà, đất le lói tín hiệu hồi phục

27/10/2023 - 06:17

PNO - Việc các chủ dự án bất động sản đưa ra các chính sách ưu đãi cho người mua cộng với lãi suất cho vay của ngân hàng giảm đã giúp thị trường nhà, đất dần thoát cảnh “đóng băng”. Theo Công ty Nghiên cứu thị trường Savills Việt Nam, trong quý III/2023, ở TPHCM, đã có 2.003 căn hộ được giao dịch.

 

Khách hàng tìm hiểu mô hình, thông tin dự án căn hộ Bcons Polaris (TP Dĩ An, Bình Dương) ẢNH: BÍCH TRẦN
Khách hàng tìm hiểu mô hình, thông tin dự án căn hộ Bcons Polaris (TP Dĩ An, Bình Dương) - Ảnh: Bích Trần
Giao dịch nhà, đất đã thôi im ắng 

Đầu tháng 9/2023, TP Thủ Đức, TPHCM, xuất hiện cảnh nhiều người xếp hàng chờ đặt chỗ mua căn hộ dự án. Đây là cảnh hiếm thấy trong hơn 1 năm qua.   

Chủ dự án bất động sản (BĐS) này đưa ra các chính sách ưu đãi như trả góp trong 7 năm, liên kết ngân hàng để cho người mua nhà vay 70% giá trị căn hộ với lãi suất 0% trong 24 tháng đầu, người mua được nhận nhà sau 2-3 năm kể từ khi đặt cọc, kể cả khi chỉ mới thanh toán 20 - 40% giá trị căn hộ. Nhờ đó, chỉ sau 2 ngày mở bán, đã có 2.000 người đặt chỗ mua căn hộ.

 Anh Trần Văn Tân (TP Thủ Đức) cho hay, trước đây, giá nhà liên tục tăng, lãi suất vay ngân hàng lại cao nên vợ chồng anh không thể mua được nhà. Thời gian gần đây, thấy nhiều công ty mở bán căn hộ kèm nhiều chính sách ưu đãi, lãi suất vay mua nhà của nhiều ngân hàng cũng giảm nên vợ chồng anh bàn nhau so sánh giá cả, chính sách ưu đãi của các dự án BĐS để mua: “Tụi tui dự định mua căn hộ chung cư khoảng 2,5 tỉ đồng. Tụi tui đã dành dụm được khoảng 1,5 tỉ đồng, dự tính vay 1 tỉ đồng và đang cân nhắc chọn phương thức thanh toán”.

Khách hàng tìm hiểu mô hình, thông tin dự án căn hộ Fiato (TP Thủ Đức, TPHCM) vào tháng 9/2023
Khách hàng tìm hiểu mô hình, thông tin dự án căn hộ Fiato (TP Thủ Đức, TPHCM) vào tháng 9/2023

Theo báo cáo về thị trường BĐS của Công ty Nghiên cứu thị trường Savills Việt Nam, trong quý III/2023, ở TPHCM, có 7.722 căn hộ mới được chào bán ra thị trường, tăng 32% theo quý và 12% theo năm; lượng giao dịch đạt 2.003 căn, tăng 561% theo quý và 102% 

theo năm. 

Ông Nguyễn Quốc Anh - Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn - nhận định, năm 2023, việc Ngân hàng Nhà nước 2 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành đã giúp lãi suất cho vay của các ngân hàng giảm mạnh, tạo cơ hội cho nhiều người vay mua nhà.

Ông Trần Văn Bình - Phó chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) - nhận định, thời gian qua, Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt, giúp tháo gỡ vướng mắc cho hàng trăm dự án BĐS. Nhờ đó, thị trường BĐS đã có dấu hiệu khởi sắc hơn, tạo đà cho sự chuyển mình vào năm 2024. Theo ông, trong năm 2024, những địa phương, khu vực có quy hoạch đồng bộ, hạ tầng được chú trọng đầu tư, mặt bằng giá cả BĐS chưa cao sẽ là những nơi có sự giao dịch BĐS sôi động. 

Tiến sĩ Phạm Anh Khôi - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế, tài chính của Tập đoàn BĐS Đất Xanh - cho rằng, thị trường BĐS đang ấm dần lên nhưng vẫn trong giai đoạn tích lũy để phục hồi. Từ quý II/2024, khi các chính sách mới của Chính phủ phát huy tác dụng, giao dịch BĐS mới có sự tăng trưởng rõ ràng, thị trường BĐS mới dần hồi phục.

Ông Lê Nguyễn Minh Quang - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư căn hộ Nam Long - cho rằng, các chính sách của Chính phủ trong thời gian qua là nền tảng để phá băng thị trường BĐS; các doanh nghiệp BĐS cũng định hướng phát triển sản phẩm nhà ở vừa túi tiền, nhà ở giá rẻ phù hợp với chính sách của Chính phủ và nhu cầu về nhà ở của người dân. Từ đó, thị trường BĐS đã có nhiều điểm sáng, lượng giao dịch trong 6 tháng trở lại đây có dấu hiệu tăng, nhất là ở phân khúc nhà ở thương mại, nhà ở xã hội.

Cần khơi thông dòng tiền cho bất động sản

Thi công xây dựng chung cư Celesta Heights trên đường Nguyễn Hữu Thọ, huyện Nhà Bè, TPHCM
Thi công xây dựng chung cư Celesta Heights trên đường Nguyễn Hữu Thọ, huyện Nhà Bè, TPHCM

Ông Nguyễn Văn Hậu - Tổng giám đốc Công ty cổ phần BĐS Asian Holding - cho rằng, tình hình kinh tế thế giới và trong nước vẫn còn khó khăn, tâm lý khách hàng vẫn e dè, dòng tiền chưa được khơi thông, nên từ nay đến hết năm 2023, hoạt động giao dịch trên thị trường BĐS chỉ hồi phục nhẹ.

Theo ông, để thị trường BĐS phục hồi như năm 2019 trở về trước, Chính phủ cần tăng cường các biện pháp để giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh để lưu thông dòng tiền. Tiếp đến, Chính phủ cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp BĐS phát hành trái phiếu để có nguồn vốn. Các ngân hàng cũng cần tích cực giải quyết hồ sơ vay mua nhà.

Ông Trần Nguyên Đán - giảng viên Trường đại học Kinh tế TPHCM - nhận định, lãi suất ngân hàng có giảm nhưng vẫn rất khó vay, việc giải ngân vốn cho người mua nhà rất rụt rè: “Thị trường BĐS chỉ khởi sắc khi giá nhà ở giảm, hoạt động tín dụng từ ngân hàng dễ dàng hơn. Nếu thiếu 1 trong 2 điều kiện này thì BĐS vẫn sẽ “đóng băng”, bởi thị trường phải có giao dịch, bán mua mới gọi là hồi phục”. 

Do đó, theo ông, Chính phủ cần chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn cho các ngân hàng về hoạt động cho vay mua nhà, để các ngân hàng tránh được các rủi ro pháp lý, bớt rụt rè khi cho vay. “Hiện các ngân hàng muốn cho vay nhưng sợ sai quy định, gây nợ xấu. Họ cần được hướng dẫn để dễ giải ngân hơn” - ông Trần Nguyên Đán nói.

Theo ông Hà Nhật Tân - Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư BĐS Đức Hòa Land - các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, ngân hàng thời gian qua cũng đã tháo gỡ phần nào khó khăn cho lĩnh vực BĐS, nhưng tác động của các chính sách thường có độ trễ. Do đó, phải đến năm 2025, thị trường BĐS mới phục hồi tốt. Còn hiện nay, một số chủ đầu tư rục rịch ra hàng nhưng chỉ là bước thăm dò thị trường.

Ông cho rằng, cái khó nhất của thị trường BĐS hiện nay là dòng tiền. Rất nhiều doanh nghiệp đang “chết” trên đống tài sản. Trong khi đó, việc áp dụng các nghị định, thông tư vẫn mỗi nơi mỗi kiểu, gây khó khăn về thủ tục cho doanh nghiệp. Do đó, Chính phủ cần tiếp tục giám sát kỹ hơn về việc thực thi pháp luật. 

Ông Lê Nguyễn Minh Quang nhận định, các định chế tài chính đã chú trọng đến việc tạo tính thanh khoản cho lĩnh vực BĐS, như hạ lãi suất cho vay, ân hạn nợ nhưng các ngân hàng cần chi tiết hóa, đơn giản hóa điều kiện, trình tự, thủ tục để được giải ngân. Ông cũng kiến nghị rút ngắn thời gian, đơn giản hóa trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận, định giá đất làm cơ sở đóng lệ phí trước bạ. Theo ông, các đơn vị nhà nước cần tham gia dự án nhà ở xã hội với tư cách chủ đầu tư, để góp phần tăng tính thanh khoản cho thị trường BĐS. 

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục gỡ khó cho lĩnh vực bất động sản

Ngày 24/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 993/CĐ-TTg về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển thị trường BĐS an toàn, lành mạnh, bền vững, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội.

Theo công điện, thị trường BĐS vẫn gặp khó khăn, còn nhiều vướng mắc liên quan đến pháp lý, giao đất, định giá, vốn; các thủ tục hành chính, tiếp cận tín dụng, sự phân cấp, phân quyền vẫn chưa thuận lợi. Công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải xem việc tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy hoạt động của thị trường BĐS là một trong những nhiệm vụ quan trọng; vướng mắc thuộc thẩm quyền cấp nào thì cấp đó phải xử lý, không né tránh, đùn đẩy, sợ sai, sợ trách nhiệm.

Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Xây dựng - cũng là tổ trưởng tổ công tác của Thủ tướng chuyên tháo gỡ các khó khăn trong lĩnh vực BĐS - kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ các khó khăn của thị trường, doanh nghiệp, thúc đẩy nhanh tiến độ các dự án, nhất là dự án nhà ở, khu đô thị, khu công nghiệp lớn có tác động lan tỏa.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng có giải pháp để đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền, cắt giảm thủ tục hành chính, loại bỏ các rào cản, hoàn thiện các dự thảo về Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS và các quy định liên quan đến việc triển khai dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội.
Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thúc đẩy việc cho vay vốn đối với lĩnh vực BĐS, trong đó có gói tín dụng 120.000 tỉ đồng cho nhà ở xã hội; tiếp tục tìm cách giảm mặt bằng lãi suất; tiếp tục cắt giảm các thủ tục hành chính không phù hợp, gây phiền hà, tốn kém, giúp doanh nghiệp, người mua nhà tiếp cận được nguồn vốn tín dụng thuận lợi.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương thống kê, phân loại các dự án gặp vướng mắc, chủ động tìm nguyên nhân để tháo gỡ; sớm báo cáo với tổ công tác của Thủ tướng những vấn đề vượt thẩm quyền; đẩy nhanh việc lập, phê duyệt các quy hoạch, công khai danh mục dự án đấu thầu để doanh nghiệp tham gia.

Theo báo cáo vừa gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Xây dựng cho biết, thị trường BĐS vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn, nguồn cung bị thiếu, cơ cấu hàng hóa chưa phù hợp nhu cầu. Số lượng dự án hoàn thành trong quý II chỉ bằng nửa quý I và bằng khoảng 29% so với quý II/2022. Nhiều dự án bị dừng, chậm triển khai do gặp vướng về pháp lý, vốn. Gói tín dụng 120.000 tỉ đồng hiện mới giải ngân được 83 tỉ trong tổng số 1.095 tỉ đồng đã ký hợp đồng vay vốn, tức chưa đến 0,07%.

Mỹ Uyên

Bích Trần

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI