Thị trường lồng tiếng phim "khát" nhân lực chất lượng cao

04/05/2022 - 17:59

PNO - Cùng với sự bùng nổ của các đơn vị OTT (các dịch vụ gia tăng cung cấp trên nền internet) hiện nay là nhu cầu xem phim ngoại có lồng tiếng Việt. Tiêu chuẩn lồng tiếng Việt ngày càng khắt khe dẫn đến “cơn khát” nguồn nhân sự chất lượng cao cho ngành này.

Thị trường tiềm năng

Tuần qua, sự kiện khởi động chuỗi hoạt động đào tạo những thí sinh xuất sắc nhất từ cuộc thi “Thanh âm diệu kỳ” do Netflix phối hợp với BHD tổ chức, đã diễn ra. Sự kiện có sự góp mặt của Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Lý Phương Dung, NSND Lan Hương, ông Dennis Chau - Giám đốc lồng tiếng khu vực châu Á Thái Bình Dương của Netflix, bà Bích Hiền - Phó Chủ tịch Công ty truyền thông BHD, cùng sáu thí sinh đã lọt vào đêm chung kết cuộc thi “Thanh âm diệu kỳ”.

Trọng tâm của chuỗi hoạt động đào tạo là khóa học lồng tiếng ba tháng, dự kiến khai giảng vào trung tuần tháng Năm. NSND Lan Hương được mời làm người hướng dẫn cho các thí sinh. Khóa học này là bước đi thể hiện nỗ lực và mong muốn của ê-kíp chương trình trong việc xây dựng và phát triển nguồn nhân lực cho ngành lồng tiếng Việt Nam, trong xu thế hội nhập và phát triển với điện ảnh thế giới.

Bản lồng tiếng Việt phim Thái Lan Lỗ sâu sự thật vừa xuất hiện trên Netfl ix nhận được thiện cảm từ người xem
Bản lồng tiếng Việt phim Thái Lan Lỗ sâu sự thật vừa xuất hiện trên Netfl ix nhận được thiện cảm từ người xem

Ông Dennis Chau cho biết: “Netflix có nội dung phát sóng đa dạng, ngoài phim lẻ còn có các series, các thí sinh sau khi học sẽ được lồng tiếng thử để xem hợp với vai nào, và họ sẽ có cơ hội tham gia lồng tiếng cho các dự án của Netflix. Với việc tiếp tục được đồng hành cùng sáu thí sinh trong chặng đường sắp tới, chúng tôi mong các bạn sẽ góp phần phát triển cộng đồng sáng tạo tại Việt Nam, và giúp khán giả Việt đánh giá đúng hơn tầm quan trọng của lĩnh vực lồng tiếng”.

Nhiều năm nay, khi lĩnh vực phim truyền hình, phim rạp trong nước đã dần chuyển sang hình thức thu tiếng trực tiếp, nhiều người tưởng rằng đất sống của những người lồng tiếng sẽ bị thu hẹp. Nhưng cánh cửa này đóng lại, cánh cửa khác sẽ mở ra. Hiện nay, ngoài các phim rạp Hollywood (chủ yếu là phim hoạt hình), các phim ngoại chiếu trên nền tảng OTT cũng bắt đầu được lồng tiếng Việt nhiều hơn. Netflix - OTT ngoại được nhiều khán giả Việt theo dõi - gần đây còn lập hẳn một mục riêng dành cho các phim quốc tế được lồng tiếng Việt.

Trước đây, chủ yếu có các phim Ghibli và phim Hàn Quốc, cũng như một vài phim Âu Mỹ. Tiếc là mục này không cập nhật đầy đủ tất cả các phim quốc tế đã được lồng tiếng. Bộ phim ngoại gần đây nhất có phiên bản lồng tiếng Việt nhận được nhiều sự chú ý là Lỗ sâu sự thật (Thái Lan). Bản lồng tiếng được làm khá tự nhiên, kể cả những đoạn nhân vật chửi thề cũng không bị sượng và biết cách tiết chế. Thoại khớp khẩu hình và giọng thoại đẹp.

Đòi hỏi cao

So với các phim hoạt hình chiếu rạp thường chọn các ngôi sao nổi tiếng để lồng tiếng, nhằm mục đích thu hút khán giả, việc lồng tiếng cho các sản phẩm trên các OTT thường không phải chú trọng tên tuổi diễn viên cho mượn giọng. Tuy vậy, chất lượng yêu cầu cũng khắt khe như nhau. Thông thường, đơn vị nhận lồng tiếng sẽ được giao phim và kịch bản để tiến hành thực hiện các công đoạn: dịch thuật, timing (biên tập đối thoại), tuyển diễn viên, lồng tiếng, thu âm và giao file âm thanh.

Các thí sinh đạt giải cao tại cuộc thi Thanh âm diệu kỳ
Các thí sinh bước ra từ cuộc thi thanh âm diệu kỳ sẽ được tham gia khoá học lồng tiếng của Netflix diễn ra vào tháng 5/2022

Nói về yêu cầu lồng tiếng cho Netflix, ông Denis Chau chia sẻ: “Ngoài khả năng nhái giọng, người lồng tiếng còn phải biết diễn xuất. Sắp tới, chúng tôi còn muốn tìm người biết hát, nên cuộc thi “Thanh âm diệu kỳ” mùa sau có thể có thêm cuộc thi hát”. Những yêu cầu này nghe qua tưởng đơn giản, nhưng có lắng nghe tiếng nói của người trong cuộc, mới thấy yêu cầu lồng tiếng của “ông lớn” này không hề dễ dàng. Đạo diễn lồng tiếng Đạt Phi - Giám đốc Đạt Phi Media, đơn vị lồng tiếng đầu tiên của Việt Nam vừa được Netflix chọn ký hợp đồng lồng tiếng cho các dự án của Netflix - chia sẻ: “Lồng tiếng cho Netflix tốn nhiều thời gian, vì họ đòi hỏi chất lượng rất cao. Thoại không chỉ khớp khẩu hình, mà còn phải chính xác với tiếng gốc khi đo bằng sóng âm. Bản thu phải được biên tập tạp âm trong phòng thu sạch sẽ. Sau đó còn mất thêm bốn đến năm ngày cho công đoạn mix âm thanh 5.1. Bộ phim đầu tiên hãng làm cho Netflix là Lỗ sâu sự thật dài hơn 100 phút phải mất hơn hai tuần mới xong, gấp đôi gấp ba thời gian lồng tiếng các phim thông thường”.

Vài năm trở lại đây, trong bối cảnh đại dịch, nhu cầu xem phim trực tuyến tăng cao, nhu cầu xem phim lồng tiếng cũng cấp thiết hơn. Bởi việc bản địa hóa giọng nói của nhân vật trong phim giúp khán giả dễ dàng tiếp cận và gần gũi hơn với câu chuyện phim. Lồng tiếng lâu nay tại Việt Nam vẫn là một nghề được đào tạo theo kiểu nghề dạy nghề. Vì không được đào tạo từ trường lớp chính quy, nên chất lượng nguồn nhân lực khó đạt chuẩn theo đòi hỏi của quốc tế.

Sự xuất hiện của cuộc thi “Thanh âm diệu kỳ”, đi kèm với khóa học được triển khai sau đó, có thể xem là những bước chuẩn bị cho ngành này có được đội ngũ nhân sự chất lượng cao hơn. Cái bắt tay đầu tiên giữa Netflix với đơn vị lồng tiếng trong nước Đạt Phi Media cũng cho thấy bước chuyển đáng kể của nguồn lực trong nước, trong việc bắt kịp nhu cầu thị trường. 

Hương Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI