Thị trường lao động ở các thành phố lớn sau tết ra sao?

09/02/2022 - 07:11

PNO - Giáo sư - tiến sĩ Andreas Stoffers - Giám đốc quốc gia của Viện Friedrich Naumann Foundation Việt Nam - cho rằng thị trường lao động năm Nhâm Dần sẽ phụ thuộc nhiều vào sự hồi phục của nền kinh tế.

Khối sản xuất sẽ tuyển dụng nhiều

Trong đỉnh điểm của đại dịch, nhiều công ty ngưng sản xuất và kinh doanh, thậm chí phải đóng cửa vĩnh viễn nên có một lượng lao động khá lớn dôi ra. Theo Tổng cục Thống kê, hơn 2,2 triệu người đã bỏ về quê do mất việc vào năm ngoái. Giáo sư Andreas Stoffers cho rằng, người lao động nghèo ở các tỉnh chưa phát triển là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch. Rất nhiều người vượt qua được khủng hoảng nhờ vào các gói hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng. Họ sẽ sẵn sàng quay trở lại TPHCM và các thành phố lớn khác để làm việc. 

Ông nói: “Cuộc sống của người lao động đã bị đảo lộn, đói nghèo đeo bám và họ đã rơi nhiều nước mắt. Người lao động còn ở lại quê rất nhiều, có người vẫn còn sốc do thời gian dài giãn cách. Khi kinh tế phục hồi, nhu cầu tuyển dụng theo đó sẽ tăng cao. Nhà tuyển dụng tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, ngành thương mại và dịch vụ ở các thành phố lớn sẽ gặp khó khăn trong việc thu hút lao động lành nghề sau tết. Vì vậy, lương, thưởng và phụ cấp đi lại sẽ là các biện pháp thu hút người lao động quan trọng nhất ở thời điểm này. Tôi tin rằng, doanh nghiệp (DN) trong ngành sản xuất, thương mại, dịch vụ sẽ nâng chế độ lương, thưởng lên cao hơn trước để tuyển dụng thành công và để bù đắp mức trượt giá do lạm phát. Hơn nữa, DN cũng cần đầu tư vào việc đào tạo để người lao động có khả năng thích ứng cao hơn và trung thành với công ty hơn”.

 

Người lao động quê miền Tây trở lại TP.HCM sau tết Nguyên đán 2022 - ẢNH: TAM NGUYÊN
Người lao động quê miền Tây trở lại TPHCM sau tết Nguyên đán 2022 - Ảnh: Tam Nguyên

Giáo sư Andreas nhận định, kinh tế Việt Nam năm ngoái tăng trưởng thấp nhưng vẫn khá hơn nhiều nước nhờ vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Chính phủ đã tạo chính sách thông thoáng để bảo hộ đầu tư, hội nhập thương mại với các nước. Bên cạnh đó, chính sách tài khóa tiền tệ thận trọng cũng góp phần giúp kinh tế phục hồi tuy chậm mà chắc. Tuy chưa thể quay lại mức như trước khi bùng phát dịch COVID-19 nhưng đà phát triển cuối năm ngoái sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu tuyển dụng lao động sau tết ở tất cả các ngành nghề, đặc biệt ở ngành sản xuất công nghiệp và thương mại. Cùng với sự phục hồi kinh tế của các nước, các DN đầu tư nước ngoài cũng sẽ cần thêm nguồn lao động, từ đó đẩy nhu cầu tuyển dụng tại các khu vực sản xuất tăng cao. Ngược lại, nhu cầu tuyển dụng của ngành dịch vụ du lịch sẽ chậm hơn do các biện pháp phòng, chống dịch vẫn chưa được cởi bỏ hoàn toàn. Tuy nhiên, ông tin rằng, du khách nước ngoài sẽ sớm tìm đến Việt Nam trong năm nay.

Dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê, giáo sư Andreas cho biết, trong năm 2021, Việt Nam có 119.800 DN rút lui khỏi thị trường nhưng vẫn có 116.800 DN đăng ký thành lập mới với tổng số lao động gần 854.000 người. Chính phủ Việt Nam đang chống dịch bằng phương pháp tích cực, cân bằng giữa việc bảo vệ sức khỏe của người dân và nền kinh tế. Ông cho rằng, ngay từ lúc này, DN dù lớn hay nhỏ cũng nên chuẩn bị kế hoạch phòng, chống rủi ro (ORM - operational risk management, MRM - market risk management) trong trường hợp khủng hoảng xảy ra một lần nữa. Người lao động cũng cần được biết kế hoạch này để tin tưởng hơn vào nhà tuyển dụng. “Bình thường mới” sẽ là thời kỳ mà người lao động và nhà tuyển dụng gắn bó như là các đối tác. DN cũng nên mở rộng danh mục kinh doanh để đối phó khi khủng hoảng xảy ra bất ngờ. Còn người lao động nên học thêm những kỹ năng mới để linh động đón lấy cơ hội trong khủng hoảng. Điều này cũng sẽ nâng giá trị của họ trong mắt các nhà tuyển dụng. 

Phải thích ứng với thay đổi liên tục

TPHCM dự kiến cần tuyển khoảng 44.800 - 55.600 người lao động sau tết Nguyên đán, theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM. Các nhóm nghề có nhu cầu tuyển dụng cao là thương mại, dịch vụ, bảo vệ, tư vấn - nghiên cứu khoa học và phát triển, công nghệ thông tin, dệt may - giày da, dịch vụ du lịch - lưu trú và ăn uống, công nghệ lương thực - thực phẩm, dịch vụ vận tải - kho bãi - cảng, kỹ thuật điện - điện lạnh - điện công nghiệp - điện tử… Nhu cầu nhân lực đã qua đào tạo chiếm 86,39%, trong đó trình độ đại học trở lên chiếm 21,58%, cao đẳng chiếm 19,13%, trung cấp chiếm 25,08%, sơ cấp chiếm 20,6%.

Theo báo cáo Chỉ số môi trường kinh doanh (Business Climate Index - BCI) của Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam, 43% DN châu Âu sẽ tăng đầu tư trong quý I/2022 và 38,5% trong số này sẽ tuyển dụng thêm nhân viên. Ông Hoàng Văn Nam - Tổng Giám đốc Công ty Nhân Sự Việt - cho rằng người lao động sẽ sớm trở lại làm việc ngay sau tết bởi sau đợt dịch kéo dài, phần đông đã không còn thu nhập để dành. Tuy nhiên, nhà tuyển dụng sẽ tuyển lựa gắt gao hơn, họ đòi hỏi ứng viên phải thích ứng linh hoạt với những thay đổi liên tục của công việc. Tại TPHCM, các ngành thương mại điện tử, logistics, vận tải, kho bãi, phân tích dữ liệu sẽ tăng nhu cầu tuyển dụng. 

Do nhu cầu tuyển dụng tăng mạnh nên ngoài chính sách lương, phụ cấp thỏa đáng, DN còn tạo ra cơ hội thăng tiến cho người lao động giỏi, có nhiều cống hiến. Hiện nhiều công ty vẫn duy trì mức thưởng năm gần tương đương với những năm trước dù đã gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh. 

Mỹ Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI