Đại dịch COVID-19 khiến nhu cầu giải trí trực tuyến tăng cao, và giờ đây, khi bước sang thời “hậu” giãn cách xã hội, các đơn vị trong nước sở hữu nền tảng giải trí trực tuyến bắt đầu tăng tốc trong cuộc chạy đua cung cấp những nội dung độc quyền để giữ chân khách hàng.
Ba bên cùng có lợi
Ngày 19/5 vừa qua, dịch vụ giải trí trực tuyến POPS đã ra mắt chuyên mục Truyện tranh/POPS Comic giới thiệu hàng trăm tác phẩm truyện tranh, webtoon hàng đầu Việt Nam, cùng những bộ webtoon nổi tiếng thế giới. Những ngày đầu ra mắt, có rất nhiều tựa truyện tranh Việt Nam của POPS mua độc quyền được cho xem miễn phí.
|
Phim Cha và con và... |
Cũng trong ngày 19/5, bộ phim Cha và con và… của đạo diễn Phan Đăng Di sau 5 năm chu du khắp thế giới đã ra mắt khán giả Việt trên nền tảng xem phim trực tuyến nhờ được đơn vị Danet mua bản quyền. Nếu Cha và con và… là phim điện ảnh hiếm hoi của Việt Nam bỏ qua việc chiếu rạp, tiến thẳng đến thị trường trực tuyến, thì Thiên linh cái: chuyện chưa kể ra mắt trên Galaxy Play ngày 15/5 cũng ở vào trường hợp “có một không hai”, khi tận dụng những cảnh bị cắt vì kiểm duyệt của phim Thiên linh cái để tập hợp thành 5 tập phim chiếu trên mạng.
Tại thị trường Việt Nam từ trước đến nay, doanh thu của một tác phẩm điện ảnh trong nước hoàn toàn trông chờ vào việc bán vé, tiền kiếm thêm từ các hình thức phát hành khác như DVD, internet, bán bản quyền cho nước ngoài vẫn có nhưng không đáng kể. Tuy nhiên, với thực tế giải trí trực tuyến đang trở thành xu hướng toàn cầu như hiện nay, các nhà làm phim đã không thể lơ là với thị trường này nữa.
Việc đưa phim lên mạng không chỉ giúp nhà sản xuất tận dụng tối đa sản phẩm như trong trường hợp Thiên linh cái: chuyện chưa kể mà còn là “đầu ra” hữu hiệu, nhất là với những phim biết trước sẽ kén khách ở rạp như trường hợp phim độc lập Cha và con và…
Về phía nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến, hình thức này như cánh tay nối dài của hệ thống phát hành, chẳng hạn Danet thuộc sở hữu Công ty BHD chiếu trực tuyến các phim do BHD phát hành, hay Galaxy Play có sẵn nguồn cung là những phim trong và ngoài nước do Galaxy phát hành. Nhờ vậy, khán giả cũng được hưởng lợi vì khoảng cách thời gian ra rạp đến khi chiếu trên mạng của một bộ phim được rút ngắn đáng kể.
Thách thức và cơ hội dành cho ai?
Giai đoạn giãn cách xã hội khiến nhu cầu giải trí qua mạng tăng cao như vừa qua làm lộ rõ sự khan hiếm của phim Việt. Lướt qua kho phim Việt trên các nền tảng giải trí phổ biến tại Việt Nam như FPT Play, Galaxy Play, Danet, VieOn… đa phần là sản phẩm cũ, đã chiếu rạp. Dòng phim ảnh được sản xuất riêng cho thị trường giải trí trực tuyến của các doanh nghiệp nội địa lâu nay vốn đếm trên đầu ngón tay, nên dạng “hàng độc quyền” như Phượng khấu, Tháng năm dữ dội thu hút nhiều người xem khi trình chiếu.
|
Phim Tháng năm dữ dội phát độc quyền trên POPS |
Trước yêu cầu này, các đơn vị kinh doanh trực tuyến bắt đầu tăng cường hợp tác với những người sáng tạo nội dung cho ra đời những sản phẩm riêng, mang tính bản địa nhằm thu hút, giữ chân khách hàng. Thiên linh cái: chuyện chưa kể được Galaxy Play tuyên bố là bộ phim khởi động cho dự án phát hành phim bộ độc quyền của Galaxy Play. Sau Phượng khấu, Tháng năm dữ dội, tháng Sáu tới POPS sẽ cho ra mắt xê-ri phim Bánh bèo hữu dụng (ngày 11/6), Tỷ phú Idol (ngày 19/6), cùng mùa 2 phim Nhà trọ có quá trời phòng và một số nội dung xê-ri hài khác.
Không chỉ hợp tác sản xuất phim, POPS còn tấn công lĩnh vực truyện tranh bằng cách hợp tác với nhóm họa sĩ truyện tranh ở Việt Nam Comicola ra mắt nhánh nội dung Comic.
Chị Trương Tú Ngân, Giám đốc truyền thông POPS cho biết: “Truyện tranh là thị trường đầy tiềm năng, cộng đồng comic cũng có sân chơi riêng, nhưng khá nhỏ lẻ, tự phát. Comic trên POPS là sân chơi lớn đầu tiên dành cho họ, và POPS hy vọng khi Comic chính thức ra mắt vào tháng Sáu tới sẽ mang đến cảm hứng kích thích sáng tạo cho các họa sĩ trong nước, cũng như nhiều truyện tranh mới lạ độc đáo dưới nhiều hình thức khác nhau cho những người hâm mộ truyện tranh”.
Tôn trọng, đề cao sáng tạo cũng là lợi thế của thị trường trực tuyến khi lôi kéo những người làm nội dung hợp tác. Nhìn lại những phim trực tuyến đã ra mắt có thể thấy, tuy vẫn chịu sự kiểm duyệt, nhưng sự can thiệp đó ở những phim trực tuyến không “mạnh tay” như với một sản phẩm chiếu rạp, do đó, người làm phim được tự do sáng tạo.
Đơn cử Thiên linh cái, bản chiếu rạp bị cắt đến mức khó hiểu thì xem 5 tập Thiên linh cái: chuyện chưa kể, những “điểm mờ” trong bản điện ảnh được làm sáng tỏ. Chẳng hạn vai trò của nhân vật Múi trong quá trình phạm tội của thầy lang Huỳnh, hay sự mất tích khó hiểu cô em họ của Sỏi - bé Gùi. Những hình ảnh nhạy cảm cũng xuất hiện trong bản phim dài tập mà không bị cắt như khi chiếu rạp.
|
Một cảnh gây sốc trong phim dài tập Thiên linh cái: chuyện chưa kể vốn là cảnh bị cắt trong bản điện ảnh Thiên linh cái |
Cuộc đua giành khán giả trên thị trường trực tuyến mở ra cơ hội cho những người làm nội dung, nhưng đem đến thách thức cho các đơn vị kinh doanh nội địa. Anh Nguyễn Tuấn, phụ trách tiếp thị và phát hành của Danet cho biết: “Các doanh nghiệp trong nước như BHD và Danet không chỉ đối diện với sự cạnh tranh từ các hãng streaming nước ngoài có vốn lớn (như Netflix) mà còn với hàng trăm website phát phim lậu”.
Câu chuyện bản quyền chính là thách thức lớn nhất trong phát triển hiện nay của thị trường trực tuyến tại Việt Nam. Đáng chú ý, tình trạng xâm phạm bản quyền không chỉ có ở các trang phim lậu, mà còn diễn ra ngay ở những “ông lớn”. Như năm ngoái, POPS kiện FPT vi phạm bản quyền với hơn 1.800 nội dung của POPS, nhưng vụ kiện chưa được giải quyết thì vừa qua, POPS phát hiện phim Phượng khấu lại bị FPT Play ngang nhiên chiếu lậu.
Đại diện POPS cũng cho biết: “Cần lắm sự chung tay và quyết liệt của các “ông lớn” trong vấn đề bản quyền, để thay đổi thói quen của thị trường, cũng như từng bước xác lập những quy tắc kinh doanh mới, chuẩn mực cho thị trường này trong vấn đề bản quyền”.
Hương Nhu