Thị trường đồ second-hand: Dư địa lớn, thách thức nhiều

20/10/2024 - 13:28

PNO - Từ IKEA đến Vinted, từ Zara đến Lego đều đã có động thái “nhảy vào” nền kinh tế “second-hand” khi người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến các món đồ đã qua sử dụng, gồm quần áo, đồ chơi, đồ nội thất...

Ngày càng nhiều người trẻ chọn quần áo đã qua sử dụng
Ngày càng nhiều người trẻ chọn quần áo đã qua sử dụng

Cuộc đổ bộ của các "ông lớn"

Suy thoái kinh tế khiến người tiêu dùng toàn cầu ngày càng thắt chặt chi tiêu. Ngay cả tầng lớp trung lưu và tầng lớp giàu có mới nổi cũng tập trung vào việc gia tăng tài sản thay vì thoải mái tiêu dùng như trước. Các món hàng đã qua sử dụng vì thế ngày càng được ưa chuộng. Càng đặc biệt hơn khi người ưa chuộng chúng là thế hệ trẻ. Khảo sát của Euromonitor cho thấy, hơn 40% người tiêu dùng thế hệ Z và Millennials cứ vài tháng sẽ chọn mua một vài sản phẩm cũ. Tỉ lệ này ở thế hệ Baby Boomer là 20%.

“Trước đây, quần áo đã qua sử dụng bị kỳ thị. Nhưng, với thế hệ trẻ hơn, điều họ quan tâm là môi trường và giá trị sử dụng thực sự của món đồ thay vì sự hào nhoáng được biểu thị ở giá cả. Đây là cơ hội đầu tư tuyệt vời” - một giám đốc điều hành quỹ đầu tư tư nhân châu Âu cho biết.

Điều này lý giải tại sao các thương hiệu sản xuất hàng tiêu dùng ở các lĩnh vực, từ thời trang đến nội thất, đều mong muốn nhanh chóng gia nhập nền kinh tế đồ cũ. Zara, H&M, Lego, thậm chí là Shein đều tăng cường hợp tác hoặc rót vốn đầu tư vào các công ty khởi nghiệp đồ cũ như Vinted, Depop, ThredUp, Vestiare Collective. Điển hình nhất là câu chuyện của IKEA khi thương hiệu này ra mắt nền tảng IKEA Preowned để người mua có thể bán lại đồ nội thất đã qua sử dụng trực tiếp cho người khác.

IKEA đã ra mắt nền tảng mạng ngang hàng P2P để người bán và người mua trực tiếp trao đổi các sản phẩm nội thất đã qua sử dụng
IKEA đã ra mắt nền tảng mạng ngang hàng P2P để người bán và người mua trực tiếp trao đổi các sản phẩm nội thất đã qua sử dụng

Được thiết kế để cạnh tranh với eBay, Craigslist và Gumtree, IKEA Preowned đang ra mắt thử nghiệm đầu tiên tại Madrid (Tây Ban Nha) và Oslo (Na Uy), trước khi tiến tới quyết định triển khai trên toàn cầu dịp cuối năm. Ông Jesper Brodin - Giám đốc điều hành của Ingka, đơn vị điều hành chính các cửa hàng IKEA - cho biết thị phần đồ cũ của tập đoàn còn cao hơn sản phẩm mới. “Chúng tôi nghĩ rằng đây sẽ là một bài học bổ ích để xem loại sản phẩm nào bán chạy” - Brodin nói.

Bản thân các nền tảng “mua đi bán lại” đồ cũ cũng không ngừng đổi mới trải nghiệm cho người dùng cũng như nỗ lực tìm kiếm thêm các mặt hàng đã qua sử dụng. ThredUp - một nền tảng bán lại tại Mỹ - ước tính rằng thị trường quần áo cũ toàn cầu đã tăng từ 141 tỉ USD vào năm 2021 lên 230 tỉ USD trong năm nay và dự kiến đạt 350 tỉ USD vào năm 2028 với tốc độ tăng trưởng ước tính gấp 3 lần so với quần áo mới. Bain & Company ước tính doanh số bán hàng xa xỉ đã qua sử dụng tăng 125% từ năm 2017-2023 so với tỉ lệ 43% hàng mới.

Có dễ hốt bạc?

Dù các con số khả quan nhưng không có miếng bánh nào miễn phí. Thực tế đã chứng minh chi phí vận hành loại hình kinh doanh đồ cũ là rất lớn. Chưa kể còn rất nhiều rào cản và những câu chuyện dở khóc dở cười trong quá trình thu mua vì tư duy của người dùng. Bên cạnh đó là những lo ngại về động cơ của một số thương hiệu khi họ sản xuất sản phẩm mới vượt nhu cầu của thị trường. Việc tái sử dụng sản phẩm ở thị trường đồ cũ thực sự là để giảm tác động lên môi trường hay lại là “chiêu trò” để họ bán sản phẩm tồn kho và tiếp thị hình ảnh?

Lego đang thử nghiệm dịch vụ tiếp nhận và tái sử dụng đồ cũ
Lego đang thử nghiệm dịch vụ tiếp nhận và tái sử dụng đồ cũ

Có những dấu hiệu cho thấy sự xuất hiện của các thương hiệu lớn trong lĩnh vực đồ second-hand đã thay đổi tư duy của người dùng trong việc chọn lọc và bán lại quần áo đã qua sử dụng. Thế nhưng, phần lớn người tiêu dùng vẫn mặc định việc bán lại đồ cũ là dành cho các tổ chức từ thiện. Vì thế, họ thường gửi đến các nền tảng những món đồ tả tơi hoặc không còn sử dụng được. Khi Lego bắt đầu thử nghiệm dịch vụ tiếp nhận và tái sử dụng đồ cũ, nhà sản xuất đồ chơi Đan Mạch này còn nhận kèm vô vàn thứ khác, từ lon soda, giày dép bỏ đi, thậm chí là… rất nhiều tóc trong những mảnh ghép lego.

Tương tự, Erikshjälpen - công ty điều hành các cửa hàng bán đồ cũ từ thiện ở Thụy Điển - cũng nhận về vô số món đồ bỏ đi và hiện họ phải trả tiền để tiêu hủy khoảng 70% quần áo nhận được.

Để giải quyết vấn đề trên, các thương hiệu và các nền tảng đã chọn cách thiết lập thị trường đơn thuần hơn. Tại đó, người tiêu dùng “gặp gỡ”, trao đổi, mua bán trực tiếp với nhau, công ty chỉ đóng vai trò trung gian. Chẳng hạn người bán hàng trên IKEA Preowned nhập tên sản phẩm của họ, nhận trợ giúp từ trí tuệ nhân tạo (AI) để chụp ảnh và xác định kích thước sản phẩm, ghi chú thêm bình luận về tình trạng sản phẩm, sau đó niêm yết giá. Bất kỳ người mua nào cũng phải tự sắp xếp việc giao nhận hàng và tự kiểm tra chất lượng.

Một động lực cho người bán là họ có thể được trả tiền mặt hoặc được thưởng thêm 15% nếu chọn phiếu mua hàng của IKEA. Ông Brodin cho biết: “Đây là cách khả quan để kết nối lại với khách hàng”. Nền tảng này hiện vẫn đang miễn phí cho người mua lẫn người bán. Trong tương lai, nếu có thu phí thì như nhà vận hành tiết lộ, cũng sẽ là mức phí cực kỳ khiêm tốn so với các nền tảng mua sắm khác. Điều này làm tăng thêm tính cạnh tranh giữa các nền tảng cũng như giảm chi phí cho người bán.

Bella Hadid được gọi là nữ hoàng thời trang cổ điển bởi sở thích “săn” các món đồ cũ  độc đáo trên các nền tảng như Depop
Bella Hadid được gọi là nữ hoàng thời trang cổ điển bởi sở thích “săn” các món đồ cũ độc đáo trên các nền tảng như Depop

Ở khía cạnh khác, điều này cũng cho thấy các nền tảng đồ cũ phải đầu tư công nghệ lớn đến mức nào và khó kiếm tiền ra sao. Theo tờ Financial Times, Vinted không tính phí người bán, là nền tảng thời trang cũ đầu tiên có lãi vào đầu năm nay khi thu được lợi nhuận ròng là 18 triệu euro trên doanh số 596 triệu euro. Ông Thomas Plantenga - Giám đốc điều hành startup Litva - cho biết: “Hàng cũ vẫn chỉ là muối bỏ bể. Thách thức chúng tôi thấy là phải chuyển đổi tư duy của mọi người sang việc nhìn vào hàng cũ trước khi nhìn vào hàng mới”.

Depop hay ThredUp khó có thể cạnh tranh với Goodwill - tổ chức bán đồ cũ lớn nhất thế giới, được điều hành như một tổ chức phi lợi nhuận.
Mua bán đồ cũ còn hàng tá vấn đề khác. Ví dụ như gian lận, đặc biệt là đối với quần áo cao cấp. Vestiaire Collective và Monogram đều sử dụng dịch vụ xác thực để kiểm tra. Vinted cũng thực hiện điều này đối với một số mặt hàng nhất định nhưng người mua phải trả một khoản phí.

Mặt khác, một số dịch vụ có thể có lỗ hổng, chẳng hạn trên IKEA Preowned, người bán có thể bán cho chính họ và bạn bè để nhận phiếu mua hàng miễn phí. Vì thế, một số công ty với sản phẩm đặc thù như Lego thường chọn tái chế hoặc tái sử dụng.
Nhu cầu sử dụng đồ cũ vẫn không ngừng hạ nhiệt trong bối cảnh người tiêu dùng hướng đến một thế giới bền vững hơn, các công ty giảm lượng khí thải và chú trọng đến kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, để vận hành trơn tru, có lẽ còn cần thêm thời gian và rất nhiều nỗ lực ở cả 2 phía.

Brodin rất ngạc nhiên khi mua lại chính chiếc cũi mà ông từng bán khi đứa con đầu lòng lớn lên với giá cả rẻ hơn: “Theo quan điểm về tính bền vững, việc mua đi bán lại những món đồ ít khi sử dụng là điều thông minh cần làm, đảm bảo bạn tái đầu tư đúng cách, cho đồ vật có cơ hội được tận dụng và tạo thêm khoảng không cho ngôi nhà”.

Thư Hiên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI