Thị trường điện lạnh hút khách mùa nắng, tính năng sản phẩm bị ‘thổi phồng’

19/03/2018 - 00:00

PNO - TP.HCM đang bước vào cao điểm nắng nóng, với nhiệt độ luôn ở mức từ 36 – 39 độ C kéo theo lượng người tìm mua máy lạnh, máy quạt hơi nước, tủ lạnh tăng cao.

Tại các siêu thị điện máy, không ít sản phẩm là máy lạnh, quạt hơi nước nhưng được “nổ” công dụng ngất trời như lọc không khí, diệt virus, làm trắng da, chống say tàu xe… Ngoài lựa chọn những sản phẩm điện lạnh thông thường, một bộ phận người tiêu dùng có xu hướng sử dụng sản phẩm điện lạnh nội địa Nhật, Nhật, Đức, Mỹ, Ý, Hàn, Singapore…

Quảng cáo “lố” tính năng để bán hàng

Ghé vào siêu thị điện máy Nguyễn Kim (Phan Văn Hớn, Q.12) vào những ngày này, lượng khách tại các gian hàng máy lạnh, quạt hơi nước luôn đông khách tham quan hơn các gian hàng còn lại. Theo nhân viên bán hàng tại đây, vào mùa nóng lượng sản phẩm bán ra tăng khoảng 60% so với thời điểm khác. Còn theo một chủ cửa hàng điện máy trên đường Trường Chinh (Q.12), lượng khách mùa này nhiều nhưng so với cùng kỳ năm ngoái thì có xu hướng giảm hơn do nhiều người tiết kiệm chi tiêu hoặc đã sắm từ năm trước.

Cũng như mọi năm, vào mùa cao điểm, giá máy lạnh thường sẽ tăng từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/sản phẩm. Phân khúc mua nhiều nhất là ở tầm trung từ 9 – 13 triệu đồng/sản phẩm.

Thi truong dien lanh hut khach mua nang, tinh nang san pham bi ‘thoi phong’
Lượng người tìm mua máy lạnh, máy quạt hơi nước, tủ lạnh tăng cao mùa nắng nóng. Ảnh minh họa.

Theo tìm hiểu, hiện các nhà sản xuất vẫn chưa tung ra các dòng sản phẩm mới, vẫn xoay quanh các công nghệ chính như inverter – tiết kiệm điện, làm lạnh nhanh, gas thân thiện với môi trường…

Trong khi các nhà sản xuất vẫn chưa tung ra sản phẩm mới thì tại một số cửa hàng điện máy, người bán “nổ” hàng tá công dụng chữa bệnh, phòng bệnh để thu hút người mua. Tại một cửa hàng trên đường Hồ Văn Huê (Q.Phú Nhuận), nhân viên giới thiệu một sản phẩm máy lạnh hiệu Samsung rồi khẳng định vừa khử được mùi, đuổi muỗi, vô hiệu hóa vi khuẩn, tiêu diệt đến 99,99% virus cúm A/H1N1 bằng công nghệ tạo ion diệt khuẩn MPI.

Đối với dòng máy lạnh Toshiba ở phân khúc cao cấp, còn có công nghệ Ion Plasma – lọc không khí. Theo quảng cáo, màng lọc có thể lọc được 99% phân tử gây dị ứng, 95% vi khuẩn độc hại, 85% khỏi các loại virút, cùng các mùi hôi như khói thuốc lá, mùi thức ăn. Để thuyết phục người mua, nhân viên khẳng định rằng tỷ lệ trẻ em mắc hen suyễn nhiều là do không khí ô nhiễm, nếu sử dụng dòng máy lạnh này có thể phòng ngừa được bệnh cho trẻ.

Trong khi đó, BS Nguyễn Xuân Mai – Nguyên Phó viện tưởng Viện Vệ sinh y tế công cộng khẳng định: một máy điều hòa không thể lọc không khí bằng máy lọc không khí được. Ngay cả máy lọc không khí cũng chỉ lọc ở một mức độ nào đó, hoàn toàn không có khả năng diệt hoặc lọc được tất cả vi khuẩn, virút độc hại.

Có những gia đình bình thường nhưng vẫn cố gắng bỏ tiền mua chiếc máy lạnh vượt tầm khả năng với mong muốn lọc được không khí độc hại trong nhà, phòng bệnh cho trẻ nhỏ.

Các bệnh lý về hô hấp do nhiều nguyên nhân gây nên chứ không chỉ do môi trường, không khí trong nhà. Ngược lại, trẻ nhỏ luôn bị nhốt trong môi trường máy lạnh sẽ không tốt bằng cho trẻ chạy nhảy, vui chơi bên ngoài. Chỉ nên sử dụng sản phẩm phù hợp với điều kiện của mình và không nên tin vào quảng cáo.

Cơn sốt hàng nội địa ngoại

Năm nay, không ít người chuyển sang sử dụng máy lạnh, máy lọc không khí, máy quạt, tủ lạnh… thuộc hàng nội địa ngoại. Trong đó, hàng nội địa Nhật, Ý, Đức… là các dòng được người tiêu dùng săn tìm nhiều nhất vì tính bền bỉ, chất lượng cao. Đó là những sản phẩm đã qua sử dụng nhưng còn rất mới khoảng 80 – 90%, được các đầu nậu nhập lậu về Việt Nam rồi bán lại. Tuy nhiên, các điểm bán đều khẳng định sản phẩm được nhập khẩu qua cảng hải quan để tạo niềm tin từ khách.

Chị Ngọc, ngụ Q.1, TP.HCM cho biết vừa mới tậu được chiếc máy lạnh nội địa Nhật hiệu Panasonic (3 ngựa) với giá 9.500.000 đồng. “So với máy lạnh mới xuất xứ từ Trung Quốc hoặc lắp ráp tại Việt Nam thì máy lạnh nội địa Nhật sử dụng bền hơn. Sự khác biệt dễ nhận thấy là cục nóng của máy lạnh Nhật nặng hơn nhiều so với cục nóng máy lạnh đang bán tại Việt Nam. Cạnh đó, máy nội địa Nhật sử dụng gas R410A (gas bảo vệ môi trường), còn ở Việt Nam thì đa số dùng gas R22 (loại gas này đã bị cấm ở Nhật). Tôi chọn sản phẩm này muốn bảo vệ sức khỏe cả gia đình” – chị Ngọc nói.

Thi truong dien lanh hut khach mua nang, tinh nang san pham bi ‘thoi phong’
Không ít người chuyển sang sử dụng máy lạnh, máy lọc không khí, máy quạt, tủ lạnh… thuộc hàng nội địa ngoại vì tin rằng sản phẩm bền hơn.

Mặc dù là hàng nhập lậu nhưng sản phẩm được bày bán công khai tại các cửa hàng điện máy, chợ online; thậm chí sản phẩm còn trưng bày trong các showroom sang trọng, bắt mắt tại các trung tâm lớn. So với hàng mới, hàng nội địa ngoại được một bộ phận người tiêu dùng chuộng vì sản phẩm độc lạ, đời cũ, đời mới gì cũng có, hơn hết là chế độ bảo hành, bão dưỡng 24 tháng không thua kém gì máy mới.

Theo một chủ cửa hàng trên đường Điện Biên Phủ (Q.Bình Thạnh), ở nước ngoài sản phẩm đều có hạn sử dụng. Đa phần họ chỉ sử dụng 2 – 3 năm rồi bỏ, trong khi người Việt Nam có xu hướng sử dụng đến “nát bét” mới chịu bán ve chai. Do đó, hàng cũ nhập từ ngoại về không cần tân trang nhiều, nhập sao bán vậy, dễ bán, dễ kiếm lời, hạn sử dụng đều trên 5 năm.

Giá đắt hay rẻ tùy theo độ mới hay cũ của sản phẩm, nhưng giá sẽ thấp hơn so với máy mới. Chẳng hạn một máy lạnh, tùy theo ngựa, thương hiệu mà có giá từ 4 – 13 triệu đồng/sản phẩm.

Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn lựa được những sản phẩm tốt, chất lượng. Không ít người ngậm phải “quả đắng” vì mua lầm hàng dỏm bị các cửa hàng tráo đi một số bộ phận.

“Tôi từng bỏ tiền mua chiếc máy lạnh nội địa Nhật hiệu Hitachi với giá 6.500.000đ. Cửa hàng cam kết bảo hành 24 tháng, nếu hư hoàn tiền lại. Tuy nhiên, sau 2 năm sử dụng, máy cứ chập chờn. Tôi hy sinh cái máy, nhờ thợ rã máy ra xem thì phát hiện bên trong đã bị tráo đi nhiều linh kiện” – anh Toàn, ngụ quận 5 ngao ngán kể.

Hơn hết, việc chuộng sử dụng sản phẩm nội địa ngoại chính là hành động cổ xúy cho những tay buôn lậu có đất sống, bởi “có cung ắt có cầu”. Ông Phan Hoàn Kiếm – Chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường TP.HCM cho biết, theo Nghị định 187/2013/NĐ-CP, những mặt hàng đã qua sử dụng như: hàng điện tử; điện lạnh; điện gia dụng… không được phép nhập khẩu vào Việt Nam.

Theo Luật Thương Mại 2005 cũng ghi rõ cấm kinh doanh hàng điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng ở nước ngoài (hàng nhập lậu) trên lãnh thổ Việt Nam. Thời gian quan lực lượng chức năng đã bắt và xử phạt nhiều điểm tàng trữ, chứa hàng điện tử, điện lạnh cũ nhập lậu. Tuy nhiên, thực trạng kinh doanh hàng lậu vẫn diễn ra công khai một phần là do người dân có nhu cầu cao.

“Để giải quyết vấn nạn hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, ngoài sự kiểm tra giám sát của cơ quan chức năng rất cần sự chung tay của người tiêu dùng như: tố giác khi phát hiện địa điểm chứa, kinh doanh sản phẩm lậu, không rõ nguồn gốc; tẩy chay không sử dụng hàng trôi nổi, kém chất lượng… “ – ông Phan Hoàn Kiếm đề nghị.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI