Thị trường diễn biến khó lường do dịch bệnh

10/02/2020 - 12:46

PNO - Dịch viêm đường hô hấp do nhiễm virus corona đang hoành hành nghiêm trọng tại Trung Quốc và lây lan ra bên ngoài. Tính tới 10/2, đã có 910 người tử vong, 40.554 người nhiễm virus trên toàn thế giới.

Cho tới nay, chưa có thuốc đặc trị hay phác đồ điều trị chuẩn được công bố. Các phương án tối ưu nhất vẫn là phòng và cách ly người nhiễm bệnh, tránh tiếp xúc với đám đông, nơi có nguy cơ lây nhiễm khá cao. Chính những phương pháp phòng chống ấy đã ảnh hưởng trực tiếp tới thói quen sinh hoạt và làm việc hằng ngày của người dân. 

Thực phẩm khô của Emart Phan Văn Trị (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) - nơi mua sắm ưa thích của nhiều bà nội trợ do có giá tốt - cũng thưa thớt khách
Thực phẩm khô của Emart Phan Văn Trị (Q.Bình Thạnh, TPHCM) - nơi mua sắm ưa thích của nhiều bà nội trợ do có giá tốt - cũng thưa thớt khách

Tâm lý lo lắng của người dân tạo ra những diễn biến tiêu cực trên thị trường. Điển hình như, giá khẩu trang đã bị đẩy lên gấp 4-5 lần. Tuy không phải là công cụ duy nhất để phòng dịch bệnh, nhưng nó vẫn hút hàng theo nhu cầu. Đôi khi, nó gây mất tập trung vào những tin tức cần thiết về phòng chống dịch, xao nhãng các biện pháp khác hiệu quả hơn. 

Khi có thiên tai hay dịch bệnh, có hai nguyên nhân khiến giá cả hàng hóa tăng: do nhu cầu tích trữ để sinh tồn và do thương nhân lợi dụng tình hình để tạo sóng, thổi giá để trục lợi. 

Nhiều người cho rằng, khi có thiên tai và dịch bệnh, cần dự trữ USD và vàng. Tuy nhiên, hiện Việt Nam vẫn đang hoàn toàn kiểm soát được dịch bệnh và các phòng thí nghiệm nổi tiếng trên thế giới cũng đang thử nghiệm thuốc tại Vũ Hán.

Thuốc kháng virus Remdesivir của Mỹ sẽ được thử nghiệm tại Trung Quốc vào đầu tuần sau. Vả lại, những ổ dịch lớn tại Trung Quốc đang hoàn toàn bị cô lập. Với sự kiểm soát xuất nhập cảnh khắt khe như hiện tại, nó khó có thể bùng phát tại một quốc gia thứ hai. Tích trữ vàng hay USD lúc này luôn mang lại phiền toái cho mỗi người bởi giá lên xuống thất thường, bất tiện khi thanh toán, gây thiệt thòi cho bản thân về tài chính.

Quầy thu ngân của Lotte cũng rất vắng vẻ
Quầy thu ngân của Lotte cũng rất vắng vẻ

 Đối với thực phẩm, thị trường Hà Nội và TPHCM có đôi chút khác nhau trong mùa dịch. Tại TP.Hà Nội, nhiều siêu thị “cháy” các mặt hàng rau quả, trái cây và đồ khô. Ngược lại, ở TPHCM, người dân vẫn không quá lo lắng, các siêu thị vẫn không đông khách, thậm chí có nơi còn vắng vẻ, sức mua vẫn không mạnh bằng trước tết nguyên đán. 

Việt Nam là một quốc gia sản xuất và xuất khẩu mạnh về nông sản, thực phẩm. Sau đợt tăng sức mua tại TP.Hà Nội ngày 3-4/2, các siêu thị đã tăng thêm lượng hàng dự trữ. Bà Nguyễn Thị Kim Dung - Giám đốc Co.opmart Hà Nội - cho biết, sức mua tăng 15-20% so với cùng kỳ, lượng hàng dự trữ của siêu thị cũng tăng 40-50% để đảm bảo cung ứng. 

Mới đây, hãng hàng không Cathay Pacific đề nghị 27.000 nhân viên nghỉ không lương tới ba tuần do virus corona. Các đường bay Trung Quốc luôn có số lượng khách và mức tăng trưởng cao nhất thế giới. Trong khi đó, các hãng hàng không của Việt Nam cũng có thu nhập lớn nhờ thị trường đông dân này. Sắp tới, nếu dịch kéo dài, các hãng hàng không của Việt Nam sẽ phải đề ra biện pháp đối phó. 

Dịch bệnh và thiên tai luôn làm xáo trộn cuộc sống, kéo theo những hệ lụy khó lường về thị trường và thói quen sinh hoạt hằng ngày của mỗi người dân. Có một công thức chung cho thị trường khi khủng hoảng là sự chừng mực trong mua sắm, tiết kiệm trong tiêu dùng. Mỗi người dân càng sáng suốt và tiết chế sự hoảng sợ bao nhiêu thì khủng hoảng thị trường càng khó xảy ra bấy nhiêu. 

Nguyễn Tuấn Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI