Thị trường bất động sản TPHCM giao dịch chậm nhất trong 3 năm gần đây

15/09/2022 - 14:59

PNO - Đó là nhận định của Công ty nghiên cứu thị trường DKRA Việt Nam tại báo cáo thị trường bất động sản trong tháng 8/2022.

Báo cáo thị trường bất động sản TPHCM và vùng phụ cận tháng 8/2022 của Công ty DKRA cho thấy, nguồn cung và tỷ lệ tiêu thụ phân khúc căn hộ đều giảm hơn 50% so với tháng trước. Nnguồn cung căn hộ trong tháng 8 chỉ có 1.205 căn, giảm 56% so với tháng trước; tỷ lệ tiêu thụ chỉ đạt 662 căn hộ, giảm 57% so với tháng 7/2022. 

Nguồn cung căn hộ mới chủ yếu ở TPHCM và tỉnh Bình Dương lần lượt chiếm 45% và 42% nguồn cung mới toàn thị trường trong tháng. Tỉnh Long An chiếm 12,4% nguồn cung mới, các sản phẩm căn hộ hạng C (từ 21 – 23 triệu đồng/m2) thu hút khá tốt sự quan tâm của thị trường. Các địa phương còn lại như tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và Tây Ninh tiếp tục khan hiếm nguồn cung mở bán mới trong tháng.

k
Nguồn cung, tỷ lệ hấp thụ phân khúc căn hộ toàn thị trường đều giảm mạnh.

Mặc dù hầu hết các dự án chỉ thận trọng mở giỏ hàng dưới 150 - 200 căn nhưng sức cầu thị trường vẫn tiếp tục xu hướng giảm (tỷ lệ tiêu thụ chỉ đạt 55% trên nguồn cung). Đặc biệt là tại TPHCM khi chỉ chiếm 27% tổng lượng tiêu thụ toàn thị trường trong tháng.

Căn hộ hạng A tại TPHCM tiếp tục là phân khúc dẫn dắt thị trường, các phân khúc còn lại hầu như không ghi nhận nguồn cung mở bán mới trong tháng. “Tỷ lệ hấp thụ chung ở các dự án “chạm đáy” thấp nhất trong hơn 3 năm trở lại đây, dao động phổ biến chỉ từ 16% - 26% giỏ hàng mở bán trong tháng” – DKRA Việt Nam nhận định. 

Về giá bán, báo cáo cho thấy giá bán sơ cấp nhìn chung không có nhiều biến động, cá biệt ở một số khu đô thị hình thành hiện hữu, tiện ích đồng bộ, tiến độ xây dựng nhanh chóng ghi nhận tăng 15% – 18% so với cùng kỳ năm trước.

Cũng theo DKRA Việt Nam, với việc chủ trương đẩy mạnh phân khúc nhà ở vừa túi tiền, nhà ở xã hội hiện nay trên địa bàn thành phố, nguồn cung mới phân khúc này được kỳ vọng sẽ có những chuyển biến rõ nét. Thời gian tới, với khả năng việc hạn chế giải ngân cho vay mua bất động sản được nới lỏng, thị trường có thể hồi phục vào thời điểm cuối năm nhưng sẽ khó có sự đột biến trong ngắn hạn.

Đối với phân khúc đất nền, nguồn cung mới của phân khúc đất nền ghi nhận đạt mức thấp nhất kể từ đầu năm (chỉ có 193 nền, giảm 23% so với tháng 7/2022). Tập trung ở các tỉnh Long An (94 nền), Bình Dương (90 nền) và Đồng Nai (9 nền), hầu hết các dự án mở bán với số lượng nền khiêm tốn.

Riêng thị trường TPHCM vắng bóng nguồn cung mới, các dự án chủ yếu là đất phân lô hộ lẻ, đã có sổ từng nền, quy mô nhỏ dưới 1-2 ha.
Còn về sức cầu nhìn chung toàn thị trường đất nền tiếp tục giảm, tỷ lệ tiêu thụ chung chỉ đạt 34% trên tổng nguồn cung mở bán (tỷ lệ tiêu thụ của tháng 7/2022 đạt 48% và tháng 6/2022 đạt 54%), trong đó tỉnh Đồng Nai không có nền nào được tiêu thụ trong tháng 8, tỉnh Bình Dương chỉ tiêu thụ được 2/90 nền, riêng tỉnh Long An có số nền tiêu thụ nhiều nhất 62/94 nền. 

Theo DKRA, nguyên nhân lượng tiêu thụ sụt giảm chủ yếu do tăng cường kiểm soát tín dụng vào bất động sản. Mặt bằng giá bán sơ cấp phân khúc này cũng không có nhiều biến động so với tháng trước và không chênh lệch giữa các địa phương, dao động ở mức 16 – 24,4 triệu đồng/m2. DKRA dự báo nguồn cung và sức cầu của phân khúc đất nền trong tháng tới có thể sẽ khởi sắc hơn khi các nút thắt về nguồn vốn tín dụng có khả năng được tháo gỡ.

Bích Trần

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI