Thị trường bất động sản TP.HCM không còn chỗ cho người thu nhập thấp

07/04/2019 - 08:16

PNO - Giá nhà đất tăng phi mã, thị trường bất động sản đang trở thành “cuộc chơi” riêng của người giàu và gần như không còn chỗ cho người thu nhập thấp.

Con kiến tha lâu nhưng không có ngày đầy tổ 

Năm năm trước, sau khi cưới, vợ chồng chị Trương Thị Mỹ Nhung (quê Nghệ An) thuê nhà trọ. Chị làm kế toán, anh làm xây dựng, thời gian trống thì tranh thủ làm thêm, tổng thu nhập được gần 20 triệu đồng/tháng. Sau khi trả tiền nhà trọ, điện, nước, ăn uống, chi tiêu, mỗi tháng, vợ chồng chị để dành khoảng 5 triệu đồng. Chị Nhung nhẩm tính, 5 năm sau sẽ mua được một căn hộ trả góp ở ngoại thành TP.HCM.

Nhưng bây giờ, cầm tiền trong tay, chị nhẩm tính, phải tiếp tục dành dụm thêm ít nhất 5 năm nữa mới mong có nhà, bởi giá nhà giờ đã khác. Thế nhưng, với tốc độ tăng giá như hiện nay, không ai dám chắc 5 năm tới, giấc mơ an cư của vợ chồng chị sẽ thành hiện thực. 

Tương tự, 7 năm trước, vợ chồng anh Trương Văn Út cưới nhau, dắt díu nhau từ tỉnh Bạc Liêu lên TP.HCM mưu sinh với nghề nhân viên văn phòng, tổng thu nhập gần 25 triệu đồng/tháng. Cuộc sống khó khăn, vợ chồng anh quyết định ưu tiên tích cóp tiền mua nhà trước, sinh con sau. Làm được vài năm, tiền tích lũy kha khá, anh đến khu vực Q.12, H.Hóc Môn kiếm đất nhưng lúc này, giá đất đã bị đội lên cao.

Thi truong bat dong san TP.HCM khong con cho cho nguoi thu nhap thap
Dự án HQC Hồ Học Lãm “đứng hình” gần hai năm vì không nhận được nguồn vốn vay ưu đãi cho nhà ở xã hội

Vợ chồng anh tiếp tục tích cóp. Sau 7 năm “nín đẻ” để nuôi giấc mơ an cư, số tiền tích cóp của vợ chồng anh đã đầy hơn, anh quay lại chỗ cũ tìm mua đất nhưng không còn hy vọng gì nữa, vì giá đất đã tăng gấp 3-4 lần so với trước.

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Lớn (quê ở Đắk Lắk) gần 10 năm làm việc ở TP.HCM giờ đang tính đường trở về quê vì biết mình không thể “sắm” nổi cục đất chọi chim ở đây. “Nhiều năm qua, lương của vợ chồng tôi chỉ tăng thêm khoảng 5 triệu đồng/tháng nhưng giá nhà đất tăng đến vài tỷ đồng/nền thì tôi không còn dám mơ ước gì nữa” - anh Lớn than.  

Nhà giá rẻ cạn kiệt, nguồn vốn hỗ trợ nhỏ giọt

Cách nay khoảng hai năm, căn hộ có giá trên dưới 1 tỷ đồng được xem là nhà ở bình dân thì nay phân khúc này phải từ 1,5 tỷ đồng trở lên mà tìm đỏ mắt cũng chưa chắc có. Tại TP.HCM, giá nhà tại các quận 9, 12, Bình Tân, H.Nhà Bè... lâu nay được xem là rẻ thì nay đều vượt trên mức giá này, thậm chí nhiều dự án bán lên đến 2-3 tỷ đồng/căn. Để mua được căn hộ có mức giá trên dưới 1 tỷ đồng, khách hàng chỉ còn cách sang các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An.

Trong khi đó, khoảng một năm nay, việc phát triển phân khúc nhà ở xã hội gần như rơi vào tình trạng “đứng hình”. Theo kế hoạch, năm 2019, TP.HCM sẽ đấu thầu chín dự án nhà ở xã hội với diện tích khoảng 6ha để lựa chọn nhà đầu tư, nhưng mọi việc vẫn còn trên giấy. 

Theo một chủ đầu tư có trụ sở công ty ở Q.7, đơn vị được giao phát triển gần 500 căn nhà ở xã hội ở H.Bình Chánh nhưng nhiều khả năng trong năm nay phải hoãn lại, do các chính sách hỗ trợ cho việc phát triển phân khúc căn hộ này đang bị tắc. Một số dự án nhà ở xã hội đang xây dựng dang dở như HQC Hồ Học Lãm, Khang Gia Chánh Hưng cũng đang đứng trước nguy cơ “chết lâm sàng” do nguồn vốn cạn kiệt.  

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM - điểm nghẽn tín dụng đang làm khổ cả người bán và người mua nhà ở xã hội. Sau khi kết thúc gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng, đến nay, Nhà nước hầu như chưa bố trí được nguồn vốn ngân sách làm vốn mồi để thực hiện chính sách nhà ở xã hội theo Luật Nhà ở năm 2014. Ngân hàng Chính sách xã hội mới chỉ được cấp vốn ngân sách 1.262 tỷ đồng để thực hiện chính sách nhà ở xã hội và đã chi hết 1.000 tỷ đồng trong năm 2018. Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đã phân bổ về chi nhánh TP.HCM 50 tỷ đồng, nhưng nguồn vốn này quá nhỏ so với nhu cầu mua nhà ở của người dân. 

Các ngân hàng Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank được chỉ định thực hiện chính sách nhà ở xã hội cũng chưa được cấp bù chênh lệch lãi suất theo Quyết định 18/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nên các đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội và các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội cũng chưa tiếp cận được nguồn vốn cho vay ưu đãi này.

Việc để giá căn hộ, đất nền tăng ảo liên tục trong thời gian qua cho thấy năng lực quản lý yếu kém của các cơ quan có trách nhiệm. Nếu chính sách quản lý, điều tiết thị trường bất động sản tiếp tục “giậm chân tại chỗ”, thị trường bất động sản TP.HCM sẽ không còn chỗ cho người thu nhập thấp. 

Phan Trí 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI