Theo báo cáo, trong quý II/2024, nguồn cung nhà ở sơ cấp đạt khoảng 27.335 sản phẩm, với khoảng 19.747 sản phẩm chào bán mới - gấp 3 lần quý trước, còn lại là hàng tồn của các giai đoạn mở bán trước đó.
Trong đó hơn 50% nguồn cung nhà ở là phân khúc căn hộ cao cấp, với hơn 14.646 sản phẩm mở bán, chủ yếu là các căn hộ có giá trên 50 triệu đồng/m2; 7% thuộc phân khúc căn hộ bình dân, tỉ trọng này được đóng góp bởi các dự án nhà ở xã hội ở các tỉnh, thành phố cấp 2, 3.
Về giao dịch, trong 6 tháng đầu năm 2024, thị trường sơ cấp ghi nhận 20.600 sản phẩm nhà ở được giao dịch thành công. Gấp 3 lần cùng kỳ năm 2023. Riêng quý II, toàn thị trường ghi nhận hơn 14.400 giao dịch thành công, cao gấp 2,4 lần so với quý I, được đóng góp từ cả nhu cầu đầu tư và nhu cầu ở thực với nhu cầu đầu tư tăng khoảng 30% so với quý trước. Lượng giao dịch đất nền cũng tăng 60% so với quý trước.
Bà Phạm Thị Miền - Phó Viện trưởng VARs - cho biết, thị trường bất động sản Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024 vẫn đang bám sát tiến trình phục hồi với một số “hiện tượng” nổi bật như: nhiều dự án nhà ở mới được mở bán, có kết quả giao dịch tốt trên 70%; giá căn hộ chung cư tại hai đô thị đặc biệt liên tục thiết lập mặt bằng cao.
Tuy nhiên, tiến trình phục hồi của thị trường bất động sản vẫn mang tính cục bộ và có sự phân hóa mạnh giữa các phân khúc tại những địa phương khác nhau. Phân khúc căn hộ vẫn là chủ đạo, chiếm sóng thanh khoản thị trường, phân khúc thấp tầng, đất nền cũng bắt đầu “nhen nhóm" các tín hiệu phục hồi tích cực.
|
Theo các chuyên gia, khi cả 3 bộ Luật chính thức có hiệu lực sẽ tạo hành lang pháp lý mới, giải tỏa hầu hết các "nút thắt" cho thị trường vì hiện nay vướng mắc pháp lý đang chiếm 70-80% các khó khăn. |
“Những sôi động đạt được của thị trường trong 6 tháng đầu năm 2024 là kết tinh của nhiều điểm trội với sự hợp lực của cả Chính phủ, các cơ quan ban ngành và bản thân các doanh nghiệp. Dù vậy, thị trường vẫn tồn tại những điểm lặn, nếu không can thiệp kịp thời, dứt điểm chắc chắn trong thời gian tới sẽ làm lu mờ những điểm trội này" - bà Miền nhận định.
Theo các chuyên gia VARs, khi các bộ Luật có hiệu lực tâm lý chờ đợi sẽ được tháo bỏ, các nhà đầu tư bắt đầu rục rịch chuyển động, các doanh nghiệp bắt đầu cuộc đua gỡ nút thắt cùng cơ quan quản lý nhà nước; các chủ đầu tư tự tin hơn với việc ra hàng; nhà đầu tư có niềm tin trở lại; môi giới, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới thay đổi, đáp ứng các quy định mới…
Tuy nhiên, nguy cơ sẽ phát sinh mâu thuẫn nếu các quy định mới không đủ chặt chẽ và liên kết đầy đủ với các điều luật hoặc chưa đủ chi tiết, cụ thể sẽ trở thành rào cản, làm giảm tác động tích cực của các nghị định tới tiến trình phục hồi của thị trường hoặc sẽ là “bộ lọc” loại bỏ các chủ thể không đủ năng lực ra khỏi cuộc chơi.
Do đó, VARS kiến nghị, ngoài việc quyết tâm để các Bộ Luật chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2024. Cơ quan quản lý Nhà nước cần nhanh chóng nghiên cứu, ban hành các Thông tư, Nghị định hướng dẫn chi tiết để đảm bảo mọi cá nhân, tổ chức liên quan đều nắm đúng, đủ và kịp thời hành lang pháp lý mới.
Tiến sĩ Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nhìn nhận, cả 3 bộ Luật khi chính thức có hiệu lực sẽ tạo hành lang pháp lý mới, giải tỏa hầu hết các nút thắt cho thị trường khi 70-80% các vướng mắc đang tồn tại là do pháp lý, tạo nền tảng cho thị trường bất động sản phát triển theo hướng an toàn, lành mạnh, bền vững. Đồng thời, việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản là cho cả quá trình phục hồi kinh tế. “Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả trong quá trình thực thi, cần đẩy nhanh việc hoàn thành các Nghị định trên cơ sở đảm bảo nội dung chất lượng, bám sát thị trường” – ông Thành nhấn mạnh.
Bích Trần