Doanh nghiệp bất động sản vẫn còn... nghỉ tết
Thị trường bất động sản rơi vào trầm lắng từ khoảng giữa năm 2022 và kéo dài hơn 6 tháng qua. Sau tết Nguyên đán, theo ghi nhận của chúng tôi thị trường vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc.
Đến nay, dù đã qua hết tết, bên cạnh một số doanh nghiệp bất động sản đã làm thủ tục khai xuân năm mới thì khá nhiều doanh nghiệp vẫn còn đang nghỉ tết, nhiều công ty, văn phòng vẫn “cửa đóng, then cài”.
|
Dù đã hết tết, nhưng các doanh nghiệp bất động sản trên đường Lương Định Của, TP.Thủ Đức vẫn chưa có dấu hiệu khai xuân. |
Đại diện một công ty môi giới bất động sản ở thành phố Thủ Đức chia sẻ, các năm trước sau tết Nguyên đán, khoảng mùng 6 tết là công ty khai xuân, làm thủ tục đầu năm để bắt đầu kinh doanh nhưng năm nay thị trường ảm đảm nên mùng 9 (âm lịch) mới làm thủ tục cúng đầu năm để lấy ngày rồi... đóng cửa, vì chưa có gì để buôn bán.
Tại báo cáo mới đây, Bộ Xây dựng cho biết, từ giữa quý 3/2022 đến cuối năm 2022, hoạt động của các sàn giao dịch có dấu hiệu khó khăn hơn, lượng giao dịch bất động sản đã giảm so với thời gian đầu năm dẫn đến quy mô của các sàn giao dịch bất động sản giảm, số lượng môi giới bất động sản cũng giảm theo.
Báo cáo cũng cho thấy, trong năm 2022, số doanh nghiệp bất động sản tuyên bố phá sản, giải thể tăng khoảng 38,7% so với cùng kỳ năm trước. Bộ Xây dựng cho biết, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản đã phải thay đổi phương án kinh doanh, quản lý như thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm nhân lực.
|
Trên đường Nguyễn Hoàng, thành phố Thủ Đức, đến nay các sàn giao dịch bất động sản vẫn "cửa đóng, then cài". |
Thậm chí, có đơn vị giảm đến 50% số lao động. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp phải dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công dự án, dừng IPO... Có tập đoàn giảm đến 50% lực lượng lao động để ứng phó với điều kiện khó khăn hiện tại. Nhìn chung, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đang gặp nhiều khó khăn.
Theo Bộ Xây dựng, nguyên nhân là do khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu và huy động vốn của khách hàng dẫn đến nhiều doanh nghiệp thiếu vốn phải giãn tiến độ hoặc tạm dừng triển khai thực hiện dự án. Lãi suất cho vay, tỷ giá ngoại tệ, giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng tăng, dẫn đến chi phí của doanh nghiệp cũng tăng cao gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
|
Theo Bộ Xây dựng, năm 2022, doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản phá sản, giải thể tăng gần 40%. |
Doanh nghiệp thiếu dòng tiền để trả cho doanh nghiệp cung ứng và trả lương người lao động do chủ đầu tư không có nguồn để thanh toán và thực hiện các nghĩa vụ thuế. Khách hàng mua bất động sản khó tiếp cận vốn vay của các tổ chức tín dụng gián tiếp ảnh hưởng đến thanh khoản các sản phẩm, dự án bất động sản dẫn đến các doanh nghiệp không bán được sản phẩm để thu hồi vốn và tái đầu tư.
Thị trường sẽ khởi sắc vào quý 3/2023?
Theo dự báo từ DKRA Group, nguồn cung mới và sức cầu của phân khúc đất nền trong năm 2023 giảm nhẹ so với năm 2022 do các địa phương mạnh tay trong việc siết chặt quản lý phân lô bán nền. Mặt bằng giá đất nền duy trì mức ổn định, khó tăng giá đột biến trong năm 2023. Ở phân khúc căn hộ, nguồn cung mới dự báo giảm mạnh, bằng khoảng 75% so với năm 2022 (20.000 căn); tập trung chủ yếu tại TPHCM khoảng 12.000 căn và Bình Dương khoảng 7.000 căn, các tỉnh thành khác khan hiếm nguồn cung mới.
Sức cầu chung tiếp tục duy trì đà giảm từ giữa năm 2022 và dự báo sẽ có những khởi sắc nhất định vào cuối quý 4/2023 khi những vướng mắc về pháp lý, tín dụng vào bất động sản được tháo gỡ. Phân khúc căn hộ hạng A duy trì vị thế chủ đạo, căn hộ hạng C và nhà ở xã hội sẽ gia tăng đáng kể trong năm 2023. Mặt bằng giá bán sơ cấp khó có sự tăng giá đột biến trong năm 2023, trong khi giá bán thứ cấp tiếp tục đà giảm.
|
Trước bối cảnh thị trường bất động sản hiện nay, các chuyên gia dự báo phải vào quý 3, quý 4/2023 thị trường bất động sản mới khởi sắc. |
Ông Tín Nguyễn - Trưởng phòng Nghiên cứu Thị trường, Colliers Việt Nam cho rằng, phân khúc bất động sản nhà ở tiếp tục đối diện với khó khăn về pháp lý, thanh khoản, nguồn vốn và dự kiến sẽ kéo dài đến ít nhất quý 3/2023. Các động thái mới nhất của Chính phủ, từ Ngân hàng Nhà nước đến tổ công tác các Bộ ngành, cho thấy quyết tâm phục hồi thị trường theo hướng bền vững. Việc hoãn triển khai các đợt mở bán mới làm thu hẹp nguồn cung, góp phần thúc đẩy giao dịch. Tương tự thị trường bất động sản toàn cầu, dự báo cả hai loại hình này sẽ trải qua một đợt điều chỉnh giá mới trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhận định, thị trường bất động sản năm 2023 sẽ còn nhiều áp lực do kinh tế Việt Nam vẫn sẽ chịu các tác động từ yếu tố bên ngoài. Tuy nhiên, cơ hội để thị trường phục hồi vẫn có. Dự kiến, khoảng cuối quý II/2023, các giao dịch sẽ xuất hiện nhịp nhàng trở lại, nguồn cung ra thị trường nhiều hơn.
Bích Trần