Thị trường bất động sản chưa thể hồi phục trong năm nay

19/07/2023 - 19:15

PNO - Theo khảo sát của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam với các doanh nghiệp hội viên, nếu giao dịch vẫn tiếp tục ảm đạm như trong thời gian qua thì chỉ có 43% doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản trụ được đến hết năm 2023.

Ông Trần Khánh Quang - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản (BĐS) Việt An Hòa - nhận định, thị trường BĐS đang gặp phải trở ngại lớn, đó là người dân không còn hào hứng đầu tư vào BĐS, khả năng tham gia thị trường BĐS của người dân cũng giảm sút trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế.

Theo ông, trong thời gian tới, chỉ những sản phẩm BĐS tốt, phục vụ nhu cầu ở thực mới có giao dịch tốt. Một số chủ đầu tư dự án BĐS đang có những chính sách rất tốt dành cho khách hàng, như chiết khấu trực tiếp 5 - 10% giá, gia hạn thời gian thanh toán, cách thức thanh toán linh hoạt hơn. Sự tích cực của Chính phủ trong việc tháo gỡ các vướng mắc pháp lý đối với các dự án BĐS cũng như sự nới lỏng hạn mức tín dụng, giảm lãi suất cho vay của ngành ngân hàng là những điểm tích cực để hy vọng có thể vực dậy thị trường BĐS đang quá ảm đạm. 

Thị trường bất động sản vẫn đang hồi phục rất chậm
Thị trường bất động sản vẫn đang hồi phục rất chậm

Bà Dương Thùy Dung - Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam - cho rằng, với việc nhiều ngân hàng giảm lãi suất cho vay, tính thanh khoản của thị trường căn hộ sẽ tốt hơn trong 2 quý cuối năm 2023. Bên cạnh đó, việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công cho các dự án tuyến đường sắt đô thị (metro) số 1, số 2, các dự án đường vành đai ở TPHCM là các yếu tố có thể giúp thị trường BĐS ở TPHCM phục hồi trong năm 2024.

Ông Trần Nguyên Đán - giảng viên Trường đại học Kinh tế TPHCM - nhận định, với tình hình kinh tế như hiện nay, rất khó đoán về diễn biến của thị trường BĐS. Việc thị trường có phục hồi hay không, lệ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có vấn đề tài chính. Hiện các chủ dự án BĐS đang rất thiếu nguồn vốn, người dân cũng thiếu tiền mua nhà. Muốn cho vay với lãi suất thấp thì ngân hàng phải có nguồn vốn dồi dào và người dân phải kiếm được tiền để trả nợ ngân hàng. Lâu nay, nguồn vốn của các doanh nghiệp BĐS chủ yếu là vay ngân hàng và huy động từ việc “bán nhà trên giấy” nhưng 2 kênh này đều đang bị tắc; trong khi đó, việc huy động vốn bằng phát hành trái phiếu cũng không dễ dàng.

Theo ông, để thị trường BĐS phục hồi, Chính phủ phải quyết liệt xem xét lại tính pháp lý của các dự án, nếu được thì tháo gỡ vướng mắc cho chủ đầu tư; lập thị trường chuyển nhượng dự án, buộc những doanh nghiệp không đủ năng lực tài chính phải chuyển nhượng cho bên đủ điều kiện để đảm bảo quyền lợi các bên liên quan. Đồng thời, các ngân hàng cần duyệt vay cho các doanh nghiệp đủ năng lực thực hiện dự án. 

Theo bà Trang Bùi - Tổng giám đốc Công ty Cushman & Wakefield Việt Nam - giao dịch BĐS ở Việt Nam những tháng qua hết sức trầm lắng. Đây là sự thanh lọc mạnh mẽ để sau đó, thị trường BĐS phát triển bền vững và lành mạnh hơn. 

Theo Bộ Xây dựng, tính đến nay, tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã nhận được 108 văn bản báo cáo về khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội và người dân liên quan đến 168 dự án BĐS và đã nghiên cứu, xử lý theo thẩm quyền. Riêng ở TPHCM, trong tổng số 180 dự án BĐS đang được rà soát, đến tháng 6/2023, đã có hướng giải quyết cho 16 dự án và đến cuối năm, sẽ có thêm 50 dự án được tháo gỡ vướng mắc về pháp lý.

Bích Trần 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI