Thị trường bất động sản - Cần gì để có thể thông?

06/04/2023 - 07:49

PNO - Gần đây, thị trường bất động sản đã đón nhận nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ tích cực từ Nhà nước, tuy nhiên, bao giờ và cần thêm gì để thị trường có thể khơi thông?

Nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn

Giữa tháng Hai vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc để tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản (BĐS) phát triển. Gần đây, Chính phủ tiếp tục đưa ra nhiều chỉ đạo nhằm giải quyết những vấn đề khó khăn của thị trường. 

Ngày 5/3, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế. Theo các chuyên gia, Nghị định 08 vừa tháo gỡ được vướng mắc, khó khăn, vừa xác định lộ trình xây dựng thị trường TPDN theo hướng minh bạch, lành mạnh, an toàn, bền vững và trở thành kênh huy động vốn trung, dài hạn quan trọng của nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực BĐS.

Dự án The Water Bay trên diện tích 30,2ha ở phường Bình Khánh (TP Thủ Đức) của Công ty Novaland đang bị tạm ngưng do có vướng mắc về pháp lý - ẢNH: B.T.
Dự án The Water Bay trên diện tích 30,2ha ở phường Bình Khánh (TP Thủ Đức) của Công ty Novaland đang bị tạm ngưng do có vướng mắc về pháp lý - ẢNH: B.T.

UBND TPHCM cũng liên tục có những chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc cho các dự án BĐS. Ngày 20/2, TPHCM chọn 7 dự án để tập trung tháo gỡ khó khăn gồm: khu trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp (quận 7) của Công ty TNHH Gotec Việt Nam; dự án khu liên hợp thể dục thể thao và dân cư Tân Thắng (quận Tân Phú) của Công ty Gamuda Land; dự án chung cư Cửu Long (quận 4) của Tập đoàn CapitaLand; dự án khu phức hợp Sóng Việt (khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP Thủ Đức) của Công ty Quốc Lộc Phát; dự án khu nhà ở Thiên Lý (TP Thủ Đức); dự án 30,2ha (phường Bình Khánh, TP Thủ Đức); dự án chung cư Cô Giang (quận 1) của Tập đoàn Novaland. UBND TPHCM cũng chỉ đạo các sở, ngành khẩn trương phối hợp phân nhóm tháo gỡ tiếp 116 dự án BĐS vướng mắc được Hiệp hội BĐS TPHCM tổng hợp.

Theo ông Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao Bộ phận Tư vấn đầu tư Savills Việt Nam - các động thái của Chính phủ thời gian qua là một trong những tín hiệu tích cực và đáng kỳ vọng cho các doanh nghiệp (DN) BĐS trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Tuy nhiên, vấn đề lớn là đang có sự chồng chéo giữa các luật liên quan đến BĐS với nhau. Nếu vấn đề này không sớm được giải quyết, thị trường BĐS vẫn khó có lối ra.

“Việc thực hiện đầu tư quá lâu sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư, giá bán cao sẽ không phù hợp với đại bộ phận người dân. Tình trạng này làm giảm nguồn cung trên thị trường và đặc biệt là trong lĩnh vực nhà ở, khi nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp và nhà ở thương mại luôn được đặt ra hàng đầu đối với các thành phố lớn” - ông Sử Ngọc Khương đánh giá. 

Cần giảm lãi vay cho người mua nhà 

Ông Nguyễn Văn Đính - Phó chủ tịch Hội Môi giới BĐS - nhận định, Nhà nước cần đưa ra các định hướng, cơ chế, chính sách phù hợp để khai thông nguồn vốn cho thị trường, qua đó hỗ trợ nền kinh tế, người dân. Việc rà soát và tháo gỡ pháp lý cho BĐS sẽ là chìa khóa cho sự khôi phục của thị trường TPDN, tín dụng BĐS - 2 kênh dẫn vốn vô cùng quan trọng để DN phát triển dự án. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cần công khai cụ thể,  minh bạch thông tin về quy hoạch, giao dịch BĐS… Rà soát, phân loại các dự án theo tính chất dự án và tiến độ triển khai để tháo gỡ khó khăn “đúng nơi đúng đối tượng”. 

Chuyên gia kinh tế Trần Nguyên Đán - giảng viên Trường đại học Kinh tế TPHCM - chia sẻ: “Nghị định 08 là một tín hiệu giảm bớt phần áp lực cho DN trong bối cảnh các DN BĐS không thể thanh toán nợ đến hạn nhưng chỉ là giải pháp ngắn hạn. Về dài hạn thì chưa tháo gỡ được khó khăn cho DN”. Chính phủ cần tháo gỡ hết vướng mắc về pháp lý, tăng nguồn cung cho thị trường, giảm lãi suất, nới lỏng về chính sách tín dụng cho người mua nhà lần đầu thì thị trường BĐS sẽ tự điều chỉnh. Việc giảm lãi suất cho vay đối với những người mua nhà lần đầu sẽ giúp tăng thanh khoản cho thị trường, cách này sát với thực tế hơn. Hiện nay lãi suất huy động đã giảm 2 - 3%/năm nhưng cần giảm tiếp khoảng 5 - 5,5%/năm để từ đó có thể giảm lãi suất cho vay. 

 

 

Cũng theo ông Trần Nguyên Đán, các DN BĐS cần hiểu tình trạng hiện nay như “nước ngập đến cổ” nên phải chấp nhận giảm giá bán, giảm hết toàn bộ lợi nhuận, thậm chí chịu thâm vốn để tạo thanh khoản, tạo dòng tiền. Đồng thời, chủ động đàm phán với các ngân hàng về chương trình cho vay đối với người mua nhà lần đầu. Chấp nhận tạo một nền giá mới phù hợp với sức mua của người dân chứ không thể giữ quan điểm thị trường BĐS không giảm giá. 

Doanh nghiệp phải tái cấu trúc, giảm giá 

Các DN BĐS cần phải rất nỗ lực để tái cấu trúc DN, tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu sản phẩm theo hướng phát triển các phân khúc nhà ở đáp ứng nhu cầu thực, có tính thanh khoản cao. Cụ thể là phân khúc nhà ở giá vừa túi tiền; tham gia Chương trình phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội từ nay đến năm 2030; khuyến mãi, tăng chiết khấu, giảm giá bán để có dòng tiền, có thanh khoản trong tình hình rất khó khăn hiện nay. Cần chấp nhận “tồn tại trước đã” rồi mới tìm cơ hội phát triển trở lại.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM

Nhà đầu tư nước ngoài xem trọng vấn đề pháp lý 
Cơ quan quản lý cần tạo điều kiện thuận lợi cho các DN và tạo hành lang pháp lý để dự án có thể thực hiện nhanh chóng. Việc này sẽ giúp giảm chi phí đầu vào cho DN và tăng lợi ích cho người tiêu dùng. 

Hiện các DN nước ngoài mới tham gia thị trường chỉ được thực hiện dự án sau khi đóng tiền sử dụng đất và có giấy phép xây dựng. Do đó, với những DN này, thủ tục pháp lý là vấn đề quan trọng nhất để xem xét trước khi đầu tư. 

Ông Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao Bộ phận Tư vấn đầu tư Savills Việt Nam

Rà soát khó khăn, chồng chéo trong quản lý, phát triển đô thị

Bộ Xây dựng vừa có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc rà soát, tổng hợp báo cáo khó khăn, vướng mắc và đề xuất kiến nghị trong quản lý, phát triển đô thị và hạ tầng kỹ thuật đô thị. Đây là cơ sở để đề xuất các chính sách trong đề nghị xây dựng dự án Luật Quản lý phát triển đô thị sắp tới. Trong đó tập trung đánh giá toàn diện những khó khăn vướng mắc trong thực tiễn, rà soát những nội dung chồng chéo, bất cập trong việc thi hành các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến quản lý phát triển đô thị, quy hoạch, đất đai, đầu tư, nhà ở, kinh doanh BĐS…; đề xuất những chính sách hoặc nội dung cần được quy định để điều chỉnh các vấn đề phát sinh trong thực tiễn.

 Phước Chánh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI