PNO - Trong khi các nghệ sĩ trẻ theo đuổi xu hướng singer/song-writer (tự hát, tự viết nhạc), các tên tuổi gạo cội lại trung thành với xu hướng phát hành album tác giả - tác phẩm.
Thị trường âm nhạc những tháng vừa qua sôi nổi với sự “chào sân” của các nghệ sĩ mới cũng như sự trở lại của những tên tuổi đã có chỗ đứng. Tuy vậy có sự khác biệt độc đáo giữa 2 nhóm. Các nghệ sĩ trẻ ngày càng tiến đến xu hướng tham gia vào nhiều vai trò trong sản phẩm của mình, từ viết nhạc, thể hiện cho đến sản xuất như trường hợp của 14 Casper (tên thật: Nguyễn Mạnh Cường, album Tại sao 0?), Mỹ Anh (Em), NÂN (Nguyễn Hồng Trang, XT-TX), Orange (Khương Hoàn Mỹ, CAM’ON)…
Các album tác giả - tác phẩm ra mắt gần đây
Trong khi đó, nhiều album tác giả - tác phẩm lại là chọn lựa của các nghệ sĩ kỳ cựu. Có thể kể đến như: Hồng Nhung hát Nguyễn Duy Hùng (Đài phát thanh công cộng), Hà Trần hát Trần Đức Minh phổ thơ Phan Lê Hà (Những con sông ngón tay), Hà Anh Tuấn hát Võ Thiện Thanh (Người Việt Nam), Lê Việt Anh hát Đỗ Bảo (Khung trời khác), Hiền Lê hát Trịnh Công Sơn (Tình), Đinh Hiền Anh hát Phó Đức Phương (Dòng chảy miền thương nhớ), Thu Phương hát Việt Anh (Một nghìn chín trăm hồi đó)…
Ở các album này, không chỉ những bài hát cũ được thể hiện lại, nghệ sĩ cũng cố gắng tìm cách thể hiện mới cho các ca khúc vốn đã được khán giả yêu nhạc nằm lòng. Chẳng hạn khi làm album hát Đỗ Bảo, Lê Việt Anh đã hợp tác với nhà sản xuất trẻ CHARLES. (Huỳnh Phương Duy) để tạo ra các bản phối có hơi thở mới. Nhạc sĩ Đỗ Bảo cho biết: “Lê Việt Anh và ê kíp đã làm mới những bài hát với cách hòa âm, dàn dựng kiểu pop điện tử, trung thành sử dụng các âm sắc digital và các hiệu ứng kỹ xảo. Điều này tạo ra một chỉnh thể xuyên suốt thống nhất, lạ và riêng, nên nghe album tôi cảm thấy rất thư giãn”.
Với Một nghìn chín trăm hồi đó, Thu Phương và nhóm sản xuất DTAP đã phải dời ngày phát hành album vì nữ ca sĩ cảm thấy cách xử lý bản hit Dòng sông lơ đãng chưa được mới mẻ. Cô chia sẻ: “28 năm trước, bản phối đơn giản nên cách hát chỉ cần giản dị là đã chạm đến trái tim khán giả. Với bản phối mới, phức tạp và trúc trắc hơn, thì cách hát cũng phải thay đổi”.
Ngoài các album mới phát hành, việc tái bản hay phát hành lại các dự án đĩa than dưới định dạng khác cũng đã giới thiệu tập hợp ca khúc của các nhạc sĩ. Có thể kể đến như của Đức Trí (Nỗi yêu bé dại, Như chưa bắt đầu), Bảo Chấn (Nơi ấy bình yên), Nguyễn Ánh 9 (Lặng lẽ tiếng dương cầm), Trịnh Công Sơn (Bống là ai). Mới đây, nhạc sĩ Dương Thụ cũng ra mắt dự án đĩa than với các tác phẩm làm nên tên tuổi được tập hợp lại, cùng những bản thu âm mới qua giọng hát của Trần Nguyễn Minh Đức, Bằng Kiều. Nhạc sĩ Nguyễn Minh Cường cũng góp mặt với album Tự nhiên, gồm các ca khúc “hit” và mới của anh.
Tính thống nhất được chú trọng
Ở những dự án trên, tính thống nhất của một ý tưởng chung ngày càng được nhiều nghệ sĩ quan tâm, theo đuổi. Album Những con sông ngón tay của Hà Trần, tuy sử dụng rất nhiều dòng nhạc - từ bán cổ điển, blues, jazz cho đến rock, pop… nhưng do dựa trên những ý thơ của nhà thơ Phan Lê Hà và cách phối khí của Trần Đức Minh mà dự án vẫn có sợi dây xuyên suốt cố định.
Một ngàn chín trăm hồi đó - Thu Phương:
Điều này cũng được nhìn thấy ở các dự án khác, khi không chỉ tập hợp sáng tác của cùng một nhạc sĩ mà khâu hòa âm cũng được cân nhắc nhằm mang đến một câu chuyện chung. Ví dụ album Hồi ức thanh xuân gần đây của Nguyên Hà, tuy có sự tham gia của nhiều nhạc sĩ, nhưng phong cách phối khí đặc trưng của Phạm Hải Âu đã khiến đĩa nhạc có màu sắc chung. Cả 2 nghệ sĩ đều thích âm nhạc của Joe Hisaishi - người đảm nhận phần âm thanh cho các dự án của studio Ghibli, nơi sản xuất các phim hoạt hình nổi tiếng nhất Nhật Bản. Vì vậy, album nói trên dùng phong cách bán cổ điển mới lạ.
Điều này cũng được nhìn thấy ở các sản phẩm khác, như Du Yên của ca sĩ Hồng Duyên và nhà sản xuất Dương Cầm hay 1.0 mà Vũ Thảo My hợp tác cùng nhạc sĩ Anh Quân…
Một điểm chung khác là bên cạnh các sáng tác mới, những dự án này cũng có những bản hit được làm mới. Ví dụ trong album Đài phát thanh công cộng, các bài hát nổi tiếng trước đây của Nguyễn Duy Hùng như Phố cổ hay Tôi đọc báo công cộng đã là bệ phóng rất tốt cho các tác phẩm mới được anh viết riêng cho Hồng Nhung. Hay trong Tự nhiên, nhạc sĩ Nguyễn Minh Cường cũng chọn phối mới 2 bản Hoa nở không màu và Buồn làm chi em ơi qua giọng hát của Mỹ Linh và Lệ Quyên, bên cạnh 6 sáng tác lần đầu ra mắt. Đây có thể nói là cách làm thông minh, thú vị, đánh vào tâm lý tò mò cũng như vẫn còn e ngại với tác phẩm mới từ phía khán giả.
Với việc làm mới những tác phẩm cũ, các nghệ sĩ không chỉ dừng ở việc “cover” mà phái sinh thêm những tác phẩm đó. Như nhạc sĩ Đỗ Bảo nói: “Thật vui khi tôi được thấy điều mà thế hệ trẻ hơn nhìn nhận về không gian âm nhạc của mình, điều họ suy nghĩ và cả những mong muốn đáng trân trọng của họ nữa”. Qua đó không chỉ lớp khán giả cũ tìm lại ký ức mình từng có qua “lớp vỏ” âm nhạc mới, mà ngược lại, âm nhạc một thời vàng son cũng sẽ tiếp cận được với đời sống mới mẻ là lứa khán giả trẻ.