Thi trung học phổ thông quốc gia 2015: vừa ôn vừa đoán đề

05/03/2015 - 17:04

PNO - PN - Giáo viên (GV), học sinh (HS) lớp 12 đang trong tình cảnh vừa chạy nước rút ôn tập, vừa "đoán mò" cấu trúc đề thi THPT năm nay.

edf40wrjww2tblPage:Content

Thi trung học phỏ thong quoc gia 2015: vùa on vùa doán de

Học sinh lớp 12 Trường THPT Nhân Việt vừa ôn tập vừa đoán mò cấu trúc đề kỳ thi THPT quốc gia 2015.

Trở tay không kịp

Theo Bộ GD-ĐT, đề thi kỳ thi THPT quốc gia 2015 chủ yếu nằm ở chương trình lớp 12. Thế nhưng, đề thi có phân bố ở chương trình lớp 10, 11 hay không và tỷ lệ thế nào đang khiến HS hoang mang. Thêm nữa, đề thi năm nay lại “ôm” luôn hai nhiệm vụ vừa là đề thi để xét tốt nghiệp THPT, vừa để xét vào các trường ĐH-CĐ càng khiến thầy và trò thêm thấp thỏm.

ThS Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt (Q.Tân Phú, TP.HCM) chia sẻ: "Hiện nay trường vẫn đang trong tình trạng vừa ôn vừa đoán. Theo một số thông tin mà Bộ công bố trước đó, đề thi năm nay sẽ tăng cường những câu hỏi mở, chú trọng kỹ năng vận dụng kiến thức nên GV ôn tập nhiều theo hướng này, nhưng cũng chưa biết đề thi sẽ như thế nào vì không có cấu trúc đề thi rõ ràng.

Như môn ngoại ngữ, Bộ thông báo có phần tự luận, trong khi trước đó dự thảo quy chế lại bảo là bỏ, chỉ có phần trắc nghiệm nên đến giờ GV đành đoán mò theo dạng đề của các năm gần đây để dạy cho học trò. Đây là thay đổi đột ngột không chỉ với HS mà kể cả nhiều thầy cô cũng bất ngờ, trở tay không kịp, bởi đã bỏ công ôn tập theo hướng chỉ có trắc nghiệm vài tháng nay rồi”.

Thầy Nguyễn Đình Độ, Phó hiệu trưởng Trường THPT Thành Nhân (Q.Tân Phú, TP.HCM) cho biết, chưa có cấu trúc đề thi nên trường phải tự “chế” ra cấu trúc đề với tỷ lệ khoảng 60-70% kiến thức lớp 12 để các em làm bài thử. Không công bố cấu trúc đề thi sẽ gây khó khăn, mất phương hướng cho việc ôn tập, nhất là với thí sinh (TS) thi tự do bởi đa phần các em tự học nên không biết học cái gì, học như thế nào. Cấu trúc đề thi như kim chỉ nam để ôn tập. Trong khi người học rất hoang mang, lo lắng thì nhà quản lý vẫn chậm chạp.

Theo ông Độ, sắp tới, trường sẽ tổ chức bảy kỳ thi thử, trường sẽ tự dự đoán cấu trúc đề thi và ra đề theo thời gian thi quy định để tập cho các em làm quen dần.

Một GV của Trung tâm luyện thi An Sương (Q.12, TP.HCM) chỉ rõ, ở những năm trước, cấu trúc đề thi cho biết cụ thể bao nhiêu phần trăm câu hỏi nằm ở chương trình học lớp 10, 11, 12. Năm nay không nói rõ mà chỉ đề cập chung chung là chủ yếu nằm ở chương trình lớp 12. Càng mù mờ thông tin càng gây khó cho người học.

Vị GV này nói: “Những năm trước, hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi ĐH-CĐ thi đề khác nhau, thậm chí kỳ thi vào các trường CĐ còn thi đề riêng với ĐH, vì sao? Vì mức độ yêu cầu đánh giá ở những kỳ thi này khác nhau nên tính chất câu hỏi, mức độ khó dễ của đề cũng sẽ khác nhau. Nhưng năm nay, Bộ gộp tất cả vào cùng một đề thi, mức độ phân hóa như thế nào mới vừa? Những em chỉ có nhu cầu xét tốt nghiệp phải thi đề chung với TS có nhu cầu vào ĐH thì liệu có hợp lý?”.

Tham khảo đề thi các năm trước, nhiều HS của Trường THPT Gia Định (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) băn khoăn, liệu đề có ra phần phân ban hay không. Các năm trước thầy cô ôn tập hai chương trình tự chọn gồm phần cơ bản và nâng cao. Năm rồi cuối cùng đề ra ngay phần giao giữa hai chương trình. Đến năm nay, Bộ lại không nói rõ vấn đề này nên rất khó để xác định ôn tập như thế nào cho chắc.

Đề thi “2 trong 1” làm khó nhiều đối tượng

Điểm khác của năm nay khiến nhiều TS băn khoăn chính là đề thi vừa đáp ứng yêu cầu cơ bản để xét tốt nghiệp THPT, vừa yêu cầu nâng cao để tuyển sinh ĐH, CĐ. Đề có khả năng khó hơn nhưng đối tượng dự thi lại bao gồm tất cả từ HS thi tốt nghiệp THPT, TS thi ĐH và cả học viên của hệ giáo dục thường xuyên (GDTX).

Cán bộ của một trung tâm GDTX phân tích: Việc gộp chung như thế gây nhiều thiệt thòi cho học viên GDTX, bởi ở những năm trước TS GDTX được dự thi tốt nghiệp THPT bằng đề riêng, có mức độ khó phù hợp với người học hệ này. Tuy nhiên, năm nay phải thi chung đề với cả TS thi ĐH thì kết quả của các em chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.

Việc ra đề thi “2 trong 1” cũng đang khiến nhiều TS trượt tốt nghiệp những năm trước khổ sở không kém.

Phụ huynh của một HS Trường THPT Diên Hồng (Q.10, TP.HCM) bị rớt tốt nghiệp năm 2014 bức xúc kể: “Điểm trung bình năm của con tôi năm lớp 12 chưa đến 5.0, điểm thi tốt nghiệp trung bình được 5.0, tính tổng lại thì rớt tốt nghiệp. Năm nay con tôi sẽ thi lại để tốt nghiệp THPT, điểm trung bình năm của cháu thì tất nhiên không thể cải thiện, muốn đậu tốt nghiệp thì điểm thi ở kỳ thi này cũng phải đạt trung bình 6.0. Nhưng ở kỳ thi này, cháu phải thi chung đề với TS thi đại học thì thật bất công. Với những em đã không đủ khả năng vượt qua một đề thi có trình độ kiểm tra kiến thức để xét tốt nghiệp phổ thông thì làm sao đủ khả năng để giải quyết một đề thi bao gồm cả yêu cầu tuyển sinh vào ĐH? Con tôi chán nản đòi bỏ cuộc, có lẽ hoàn cảnh này đâu chỉ có mình con tôi”.

ThS Bùi Gia Hiếu phân tích: “Mỗi năm có khoảng một triệu TS thi tốt nghiệp, chỉ tính khoảng 1% rớt thì cũng đã tròm trèm 10.000 con người chứ không phải ít. Với những em ở thời điểm “giao thời” giữa hai quy chế thi này thì chúng ta nên cân nhắc. Vì khi Bộ chính thức gộp hai kỳ thi đã bắt đầu năm học được một thời gian, các em không kịp để xin vào học để có thể đạt điểm cao hơn”.

Nhằm hạn chế những thiệt thòi cho người học, nhiều GV cho rằng đề thi THPT quốc gia 2015 nên có hai phần độc lập. Phần 1 đáp ứng yêu cầu cơ bản để xét tốt nghiệp THPT được phát trước, hết thời gian làm bài thì thu lại, sau đó phát phần 2 của đề thi đáp ứng yêu cầu nâng cao để tuyển sinh ĐH, CĐ như chúng ta đã từng làm với môn ngoại ngữ trước đó.

TIÊU HÀ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI