Thi trực tuyến: Làm thế nào để đảm bảo đúng thực chất?

21/12/2021 - 06:31

PNO - Nếu như khối lớp 9 và 12 đã trở lại trường học và theo dự kiến được kiểm tra trực tiếp tại trường thì ở các khối lớp khác, phụ huynh lại đau đầu vì học sinh phải thi, kiểm tra trực tuyến. Hình thức này khó đúng thực chất, phụ huynh cũng mệt mỏi theo con.

Phụ huynh nghỉ làm để giúp con thi

TP.HCM yêu cầu việc thi, kiểm tra trực tuyến chỉ tổ chức nhẹ nhàng nhưng vì mỗi trường làm mỗi kiểu nên dễ gây quá tải cho học sinh (HS) và phụ huynh.

Nhiều phụ huynh có con học lớp Năm tại Trường tiểu học Đặng Thị Rành (TP.Thủ Đức) cho biết, trước đây khi nhà trường tổ chức thi thử giữa kỳ, mỗi môn thi, giáo viên (GV) sẽ gửi đường link vào group Zalo của phụ huynh, phụ huynh sẽ sao chép đường link đó cho con truy cập để làm bài. Có phụ huynh không cầm theo điện thoại nên trễ hoặc quên gửi link cho con nên bị mất bài thi. Chị Minh - phụ huynh HS lớp 5 - cho biết: “Chính vì sợ con mình thiệt thòi, vào ngày thi cuối kỳ mà không thể cầm điện thoại, không kịp gửi link cho con nên nhiều phụ huynh chọn cách xin nghỉ ở nhà. Một số phụ huynh không thể nghỉ được thì để luôn điện thoại ở nhà cho con”.

Nhiều học sinh và phụ huynh gặp khó khăn khi kiểm tra trực tuyến
Nhiều học sinh và phụ huynh gặp khó khăn khi kiểm tra trực tuyến

Dù khó thay thế bằng một hình thức thi, kiểm tra nào phù hợp hơn trong bối cảnh HS đang phải học trực tuyến, nhưng cách làm của một số trường khiến HS và phụ huynh mệt mỏi. 

Một phụ huynh HS lớp 8 Trường Nam Sài Gòn (Q.7) cho biết trường tổ chức kiểm tra môn toán theo hình thức trắc nghiệm, đưa đề thi lên hệ thống nhưng yêu cầu HS viết ra giấy và chụp gửi lại bằng email. Do chưa quen, nhiều HS chép lại đề ra giấy nên không kịp thời gian làm bài. Trong khi đó, ở môn văn, có một số HS do bị nghẽn mạng nên thời gian làm bài bị ảnh hưởng. Có em làm chưa xong thì đã hết thời gian. 

Khó ngăn phụ huynh can thiệp

“Điều chúng tôi trăn trở nhất là liệu các bài thi của HS có sự hỗ trợ của gia đình? Nếu có thì kết quả khó  đúng thực chất”, anh Hải, phụ huynh HS Trường Nam Sài Gòn, băn khoăn.

Theo hiệu trưởng nhiều trường phổ thông, vì việc kiểm tra, thi định kỳ, cuối kỳ được giao cho các trường chủ động nên việc “siết” hay tổ chức nhẹ nhàng cũng mỗi trường một cách khác nhau. Chẳng hạn, tại Trường tiểu học An Khánh (TP.Thủ Đức), HS sẽ kiểm tra giữa kỳ ba môn: tiếng Việt, toán và tiếng Anh. Theo chị Hoàng Thị Hạnh - phụ huynh HS lớp 4 - nhà trường tổ chức thi trên ứng dụng Azota, gia đình nào có máy in thì in đề thi, làm bài luôn trên đó và chụp lại bài làm để gửi GV, nếu quá giờ hệ thống sẽ tự khóa. Còn HS nào không có máy in sẽ làm bài trên giấy, chụp lại để gửi cho GV. 

Cô Hoàng Thụy Bích Thủy - Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Thị Định (Q.7) - cho biết, nhà trường tổ chức cho HS thi trực tuyến trên hệ thống olm.vn, mỗi HS sẽ có một tài khoản. Trường soạn đề đưa vào hệ thống và hẹn giờ đồng loạt, lịch thi cũng đặt luôn trên hệ thống, chẳng hạn thi lúc 8g thì đúng 8g đề thi sẽ được mở. Riêng chính tả và tập làm văn thì HS làm vào buổi tối, HS viết vào giấy, phụ huynh chụp hình nộp vào hệ thống. Quan điểm của trường là tổ chức nhẹ nhàng, không tạo áp lực cho các em.

Sẽ có hình thức thi, kiểm tra phù hợp với từng thời điểm

Trước thông tin quy định kiểm tra trực tiếp lớp 1, 2 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), theo ông Dương Trí Dũng - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM - thành phố đã có kế hoạch kiểm tra ở từng cấp học bám sát theo các chỉ đạo của Bộ GD-ĐT và UBND TPHCM. Kế hoạch kiểm tra cũng bám sát theo khung chương trình đã ban hành từ đầu năm của TPHCM. Còn hiện nay, vào thời điểm nào kiểm tra và hình thức kiểm tra nào phù hợp hoàn cảnh trong thời điểm đó thì Sở GD-ĐT TPHCM sẽ tham mưu UBND thành phố để ra quyết định. 

Cũng theo cô Thủy, phụ huynh không nên can thiệp vào bài làm của HS. Bởi nếu có phụ huynh giúp đỡ thì rất khó đánh giá năng lực thực sự, khả năng tiếp thu của em đến đâu để GV điều chỉnh phương pháp hoặc bồi dưỡng kịp thời. Do đó, phụ huynh nên cho các em được tự do làm bài để việc đánh giá được khách quan, công bằng nhất.

Bà Lâm Hồng Lãm Thúy - Trưởng phòng Giáo dục tiểu học Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM - cho biết, sở đã có hướng dẫn, tập huấn các trường rất cụ thể trong việc thi, kiểm tra trực tuyến, đặc biệt tránh gây quá tải cho phụ huynh, HS. Đối với khối lớp 4, 5, việc kiểm tra giữa kỳ và cuối kỳ chỉ là để đánh giá quá trình các em học trực tuyến thế nào, điểm số hoàn toàn không có giá trị. Sở sẽ nắm bắt và chấn chỉnh kịp thời các trường hợp GV cứng nhắc gây quá tải cho HS, phụ huynh. 

Thêm ba trường đại học cho sinh viên đi học trực tiếp

Đại học (ĐH) Kinh tế TPHCM quyết định áp dụng hình thức kết hợp học trực tuyến và trực tiếp cho học kỳ đầu năm 2022.

Giảng viên sẽ giảng dạy trực tiếp tại phòng học đã trang bị đầy đủ thiết bị cần thiết (micro kết nối với máy tính online, bút từ viết được trên màn hình cảm ứng, camera quay hình ảnh trong lớp học…). Người học có thể tham gia trực tiếp hoặc trực tuyến. Tùy theo điều kiện y tế, đi lại của cá nhân, sinh viên được tự lựa chọn hình thức học phù hợp. Hình thức giảng dạy kết hợp được áp dụng cho các khóa, lớp hệ ĐH chính quy ban ngày ở TPHCM và phân hiệu Vĩnh Long. Người học đủ điều kiện về y tế (tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh không quá sáu tháng), không bị cách ly theo quy định, có thể đến trường học trực tiếp.

Các trường hợp chưa đủ điều kiện về y tế, đang bị cách ly hoặc ở địa phương khác chưa thể di chuyển về TP.HCM và phân hiệu Vĩnh Long, sẽ học trực tuyến. Đối với các hệ đào tạo còn lại, nhà trường lấy ý kiến sinh viên ở từng lớp. Nếu lớp có ít nhất 30% sinh viên đồng ý học trực tiếp, sẽ tiến hành hình thức giảng dạy kết hợp.

Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM) cũng sẽ đón những sinh viên đầu tiên trở lại trường học tập sau bảy tháng. Bước đầu, sinh viên chủ yếu đăng ký học những môn thực hành, thí nghiệm, đồ án, luận văn tốt nghiệp. Người lao động, sinh viên phải đáp ứng điều kiện đā tiêm đủ liều vắc xin hoặc khỏi bệnh không quá sáu tháng, thực hiện đầy đủ quy định về bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.

Trường ĐH Hoa Sen vừa mở một số lớp học của chương trình Hoa Sen Plus thuộc Khoa Kinh tế quản trị và ngành thiết kế thời trang học trực tiếp. Giảng viên, sinh viên tham gia dạy học trực tiếp đều đã khảo sát ý kiến từ trước. Đồng thời, cả người dạy và người học đều đã được tiêm hai mũi vắc xin, cam kết tuân thủ 5K. Những sinh viên không đồng ý học trực tiếp sẽ học trực tuyến. Việc tổ chức đi học trở lại được áp dụng cho khoa, ngành có đặc thù thực hành, ứng dụng nhiều. Đồng thời thí điểm trước khi mở đồng loạt cho khoa, ngành khác. Trường tiếp tục tiến hành khảo sát, lấy ý kiến của giảng viên, sinh viên các khoa cho việc học trực tiếp.

Tiêu Hà

Nhiều sai phạm tại Trường THCS Hoàng Quốc Việt (Q.7)

Chủ tịch UBND Q.7 đã ký thông báo về kết quả giải quyết tố cáo của giáo viên (GV) Võ Thị Như Hoa, Trường THCS Hoàng Quốc Việt (Q.7).

Theo đó, việc nhà trường tạm thời cắt bốn lớp dạy của cô Hoa, giao cho GV khác nhằm tạo điều kiện cho cô Hoa khám chữa bệnh là phù hợp. Tuy nhiên, sau cuộc họp ngày 13/3/2019, hiệu trưởng nhà trường không ban hành văn bản nào thể hiện điều này, thời gian nào cô Hoa được lên lớp dạy trở lại, là thực hiện chưa đầy đủ việc công khai, minh bạch trong điều hành, phân công nhiệm vụ cho viên chức. Việc bà Phạm Thị Hạnh - Hiệu trưởng ở thời điểm đó - ký văn bản 22/CV-KT ngày 4/2/2021 đề nghị ngân hàng phong tỏa số tiền trong tài khoản của cô Hoa là chưa đúng quy định của pháp luật.

Khoản tiền thưởng tết của thành phố năm 2021 (1,5 triệu đồng) phải đến ngày 26/3/2021 cô Hoa mới được nhận cùng với lương tháng 3/2021 là có chậm trễ. Trường chưa chi trả thu nhập tăng thêm của GV từ năm 2020 đến nay cho cô Hoa là chưa đúng với quy chế chi tiêu nội bộ của trường. Khoản tiền bồi dưỡng sức khỏe viên chức (3 triệu đồng): trường chưa chi trả cho cô Hoa mà không có lý do cụ thể là không đúng. Về tăng bậc lương cho cô Hoa, hiệu trưởng có thiếu sót trong việc không thông báo danh sách những người được nâng bậc lương thường xuyên, chưa đúng quy định tại điều 4 Thông tư 08/2013/TT-BNV ngày 31/7/2013 của Bộ Nội vụ…

Việc ông Nguyễn Thế Anh (Tổ trưởng tổ thể dục của trường) sử dụng sân bóng đá - tài sản của nhà trường - để dạy thêm, có thu tiền ngoài giờ nhưng không báo cáo nhà trường để đưa vào sổ sách, kế toán để quản lý là thực hiện không đúng quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017. 

Chủ tịch UBND Q.7 chỉ đạo: kiểm điểm, xử lý trách nhiệm với bà Phạm Thị Hạnh, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Quốc Việt; kiểm điểm, xử lý trách nhiệm ban giám hiệu, ông Nguyễn Thế Anh, các viên chức, nhân viên có liên quan; khắc phục các thiếu sót, sai phạm đã nêu trên theo đúng quy định. 

Thanh Thanh

Quỳnh Phạm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI