PNO - Đây là băn khoăn của rất nhiều nhà giáo sau khi có thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến tổ chức thi tốt nghiệp THPT đợt hai từ ngày 5-7/8, khi mà tình hình dịch bệnh ở nhiều địa phương chưa chắc sẽ được kiểm soát.
Thông tin được đưa ra sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) họp trực tuyến với các sở GD-ĐT vào ngày 14/7. Một số sở GD-ĐT ở địa phương đã kiểm soát tốt dịch bệnh có nguyện vọng cho thí sinh thi đợt hai sớm hơn vì không muốn thí sinh kéo dài tâm lý chờ đợi. Tuy nhiên, còn rất nhiều địa phương vẫn đang là điểm nóng dịch bệnh thì việc tổ chức thi đợt hai sớm gần như là bất khả thi. Kết luận tại cuộc họp, lãnh đạo Bộ GD-ĐT tạm đưa ra mốc dự kiến thi đợt hai vào các ngày 5, 6 và 7/8, trong đó ngày 5/8 thí sinh làm thủ tục dự thi.
Cả nước hiện có 39 tỉnh, thành có thí sinh phải thi tốt nghiệp đợt hai. Vì thế, lịch thi sẽ phải dựa trên đề xuất của cả 39 tỉnh, thành để lựa chọn thời gian thích hợp. Căn cứ vào mốc thời gian Bộ GD-ĐT tạm đưa ra, lãnh đạo các sở GD-ĐT có trách nhiệm báo cáo UBND tỉnh, thành phố để đánh giá tình hình thực tế tại địa phương và có đề xuất cụ thể. Lịch thi chính thức sẽ được bộ quyết định sau khi bàn bạc cụ thể tại cuộc họp với ban chỉ đạo thi cấp tỉnh, thành phố sắp tới.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT đợt một tại TP.HCM - ẢNH: THANH THANH
Tại cuộc họp, Sở GD-ĐT TP.HCM đưa ra mốc dự kiến giữa tháng Tám vì tình hình dịch bệnh đang rất phức tạp. Tuy nhiên, với mốc thời gian này, theo nhiều giáo viên là khó, thậm chí rất khó. Thạc sĩ Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10), phân tích: Đến thời điểm này, không ai có thể kết luận rằng cuối tháng Bảy sẽ khống chế được dịch. Việc tổ chức thi vào đầu tháng Tám là không thể. Trong hai tuần thực hiện Chỉ thị 16, lãnh đạo thành phố và các ban, ngành cố gắng kiểm soát dịch trong thời gian vàng. Nhưng dù có khống chế dịch cũng không có nghĩa là đủ, cần thời gian để đẩy lùi.
Phó hiệu trưởng một trường đại học tại TP.HCM nhấn mạnh: TP.HCM sau khi kết thúc đợt giãn cách cũng đã cuối tháng Bảy, song với tình hình số ca mắc hiện nay chưa có dấu hiệu giảm thì rất khó nói trước được điều gì. Ở đợt một1 cũng xuất hiện những khó khăn, phát hiện một số thí sinh F0, F1, dù đã có xét nghiệm âm tính trước đó… khiến phụ huynh và thí sinh rất lo lắng. Nhiều địa phương khác cũng quá khó khăn trong đợt một. “Vì vậy, tôi thấy không nên vội vàng tổ chức ngay đợt hai. Với tình hình này, có thể sẽ phát sinh tình huống có khu vực, thí sinh không thể thi trong thời điểm thi đợt hai đã chốt định. Thay vào đó, phải tính đến phương án xét tốt nghiệp cho những khu vực, thí sinh bất khả kháng không thể thi đợt hai, số lượng này không lớn”, vị này đề xuất.
Không riêng TP.HCM, với tình hình dịch bệnh hiện nay, nhiều tỉnh thành phía Nam rất khó để khẳng định cuối tháng Bảy sẽ khống chế được dịch. Các tỉnh Đồng Nai, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long… đều có số ca mắc tăng nhanh.
Bà Trương Thanh Nhuận, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Vĩnh Long, cho biết Bộ GD-ĐT có buổi họp với các sở để chốt lại các địa phương có phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT đợt hai2 và gửi báo cáo về bộ trước ngày 17/7. Toàn tỉnh có 160 thí sinh thi đợt hai2. Căn cứ vào lượng thí sinh tương đối ít và diễn biến của dịch, có thể tỉnh sẽ tổ chức được kỳ thi. Với 160 thí sinh, gồm 4 F1, 95 F2 và 61 thí sinh còn lại thường trú tại tỉnh Đồng Tháp, dự kiến tỉnh sẽ tổ chức chỉ tại một điểm thi.
Song song đó, sở cũng thường xuyên nhắc nhở, liên hệ các trường có thí sinh thi và giáo viên chủ nhiệm tiếp tục ôn tập và đặc biệt phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch, làm sao đến thời điểm thi các em hoàn toàn khỏe mạnh để tham gia kỳ thi cho suôn sẻ.
Với tỉnh Đồng Tháp, tình hình sẽ khó khăn hơn do số thí sinh phải thi đợt hai nhiều hơn và tình hình dịch bệnh tại đây đang rất phức tạp. Tính đến trưa 15/7, tỉnh này ghi nhận tổng cộng 898 ca mắc COVID-19. Trong hơn 15.000 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT thì có trên 4.200 thí sinh dự kiến thi vào đợt hai tới. Phần lớn thí sinh thi đợt hai tập trung chủ yếu tại TP.Sa Đéc, H.Châu Thành, H.Lai Vung, xã Bình Thạnh (H.Cao Lãnh). Ngoài ra, còn có 61 thí sinh hộ khẩu thường trú tại tỉnh Đồng Tháp sẽ dự thi đợt hai tại tỉnh Vĩnh Long do có liên quan vấn đề dịch tễ.
“Hiện TP.HCM chỉ còn khoảng 2.000 thí sinh thi tốt nghiệp đợt hai, một con số không lớn. Nhưng nếu tập trung để tổ chức một kỳ thi thì lại là con số lớn, không nên liều lĩnh một lần nữa. Thiết nghĩ, trong điều kiện một số địa phương vẫn không thể tổ chức thi đợt hai vào thời gian ấn định thì bộ cần có phương án thứ ba. Đó là chấp nhận xét đặc cách tốt nghiệp cho học sinh ở những địa phương đó. Về xét tuyển vào đại học, các em có thể ứng tuyển bằng các phương thức khác. Mọi quyết định lúc này phải đặt điều kiện tiên quyết là không để dịch bùng phát trở lại, người dân có an toàn, khỏe mạnh mới tính đến chuyện thi cử, học hành”, ông Huỳnh Thanh Phú đề xuất.
Theo Bộ GD-ĐT, phương án tổ chức thi đợt hai là mỗi tỉnh, thành tổ chức một hội đồng thi cho thí sinh tại địa phương. Những tỉnh, thành có số thí sinh thi đợt hai quá ít có thể cân nhắc đề xuất gửi thí sinh sang hội đồng thi của tỉnh lân cận, phối hợp tổ chức hội đồng thi ghép giữa các tỉnh, thành. Tuy nhiên, phải tính toán để tạo điều kiện thuận lợi, an toàn cho thí sinh. Bộ GD-ĐT cam kết sẽ ra đề thi có độ khó tương đương với đợt một để đảm bảo công bằng giữa thí sinh ở hai đợt thi.
Ngày 16/12, Trường đại học Trà Vinh cho biết, vừa ghi dấu ấn trong bảng xếp hạng UI GreenMetric World University Rankings 2024 khi đạt vị trí 133/1.477...