Thi tốt nghiệp THPT 2025: Tăng tốc ôn tập, tổ chức thi thử cho học sinh

14/04/2025 - 06:15

PNO - Hơn 2 tháng nữa, học sinh lớp Mười hai sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT đầu tiên theo chương trình mới. Chạy đua với thời gian, giáo viên các trường ở TPHCM vừa dạy vừa ôn tập, tăng cường khảo sát, tổ chức thi thử… để học sinh nắm kiến thức lẫn cách vận dụng, làm quen với dạng đề mới.

Cho học sinh tiếp cận nhiều dạng đề mới

Hơn 11g ngày 11/4, học sinh (HS) lớp 12A13 Trường THPT Nguyễn Trung Trực (quận Gò Vấp) vẫn miệt mài học, làm bài tập tiếng Anh. Trên màn hình ti vi là bài đọc dài theo đề minh họa thi tốt nghiệp THPT 2025. Cô giáo Đinh Thị Tường Vân luyện đọc và gạch chân những từ mới, lưu ý ngữ pháp… kết hợp cách giải.

Cô trò lớp 12A13, Trường THPT  Nguyễn Trung Trực  vừa học vừa hệ thống kiến thức môn tiếng Anh, chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT  - ẢNH: NGUYỄN LOAN
Cô trò lớp 12A13, Trường THPT Nguyễn Trung Trực vừa học vừa hệ thống kiến thức môn tiếng Anh, chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT - ẢNH: NGUYỄN LOAN

Cô chia sẻ: “Đây là một dạng bài đọc mới. Trong đó, phần ngữ pháp, từ vựng, cấu trúc và dạng bài được lồng ghép vào nhau. Ở các bài đọc hiểu thường gắn với ngữ cảnh thực tế nên HS cần phải đọc thêm sách báo, tạp chí… để nắm ý ngữ cảnh và rèn luyện kỹ năng phân tích, suy luận mới làm được các câu hỏi…”. Trong quá trình dạy, cô vừa theo chương trình vừa hệ thống kiến thức, đồng thời lồng ghép mở rộng ra các nội dung ngoài sách để HS quen với cách làm bài thi mới.

Thầy Thanh Sang - Tổ trưởng môn toán, Trường THPT Trường Chinh (quận 12) - cho biết, giáo viên dạy và hệ thống kiến thức theo hình thức cuốn chiếu cho HS từ đầu năm học. Thầy cô bám theo các yêu cầu cần đạt của chương trình nhưng cũng ôn tập theo mạch kiến thức; giảm các bài toán hàn lâm, thay vào đó là bài toán thực tế. Qua đó, HS nâng cao năng lực, mô hình hóa được các dạng bài toán.

Thầy cho hay: “Nhiều HS e ngại bài toán thực tế vì tính toán chỉ 1-2 dòng nhưng đề tới 9-10 dòng dễ bị áp lực tâm lý, từ đó thấy khó. Do vậy, chúng tôi thường dạy mở rộng ra những đề thi tương tự từ lớp Mười ở mức độ dễ, sau đó tăng dần độ khó và phức tạp ở lớp Mười một, Mười hai để HS quen và vượt qua áp lực tâm lý khi gặp dạng bài này”.

Cô Nguyễn Trần Hạnh Nguyên - Tổ trưởng môn ngữ văn, Trường THPT Trưng Vương (quận 1) - nhận định, đề thi môn ngữ văn có nhiều dạng với những đặc trưng thể loại khác nhau. Giáo viên phải tập trung rèn kỹ năng làm bài cho HS ở từng loại, để khi gặp bất kỳ nguồn ngữ liệu nào, trong hoặc ngoài sách giáo khoa đều có thể xử lý được. Trong đó, khó nhất vẫn là phần nghị luận văn học (4 điểm).

Trước đây, phần này ngữ liệu trong sách giáo khoa, nếu học kỹ HS có thể làm được. Nhưng đề thi mới, nghị luận văn học là 1 đoạn văn hoặc 1 bài văn, ngữ liệu có thể ngoài sách giáo khoa. Thể loại nhiều hơn, nên giáo viên phải dạy HS kỹ năng đọc hiểu. HS cần xác định đúng định dạng đề thi yêu cầu, rèn cách viết theo đoạn hoặc theo bài - nghị luận văn học hoặc nghị luận xã hội trong 600 chữ.

Tăng cường khảo sát, thi thử

Nhiều trường THPT đã tăng cường khảo sát, tổ chức thi thử để HS quen dần với hình thức thi tốt nghiệp THPT năm nay. Bà Nguyễn Thị Mai Thảo - Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trung Trực - chia sẻ, từ đầu năm, trường đã cho HS đăng ký, lựa chọn môn thi tốt nghiệp và xếp lớp buổi 2 theo nguyện vọng.

Trên cơ sở này, trường tăng tiết ở buổi 2 đối với những môn học mà HS đã đăng ký, ưu tiên hệ thống kiến thức theo hình thức cuốn chiếu từng nhóm môn, nhóm HS. Trường cũng tổ chức khảo sát hằng tuần, luân phiên theo môn. HS học tới đâu khảo sát tới đó. Nội dung đề thi bám sát đề minh họa của Bộ GD-ĐT. Qua đó, giáo viên đánh giá được năng lực HS để có điều chỉnh phù hợp.

Trường THPT Trường Chinh (quận 12) cũng đã sắp xếp lớp theo môn học mà HS đăng ký thi tốt nghiệp để tổ chức buổi 2. Ông Trịnh Duy Trọng - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết thêm, thầy cô dạy học theo chuyên đề, hình thành năng lực cho HS. Đề thi học kỳ của trường cũng dựa trên đề minh họa. Sau khi kết thúc chương trình năm học, từ đầu tháng Sáu, trường sẽ có 3 tuần để ôn tập cho HS, và tổ chức thi thử.

Ông Ngô Hùng Cường - Phó hiệu trưởng Trường THPT Trần Khai Nguyên (quận 5) - cũng thông tin, kế hoạch ôn tập của trường bắt đầu từ tháng Sáu, mỗi tuần 2 tiết/môn. Giáo viên còn soạn bài giảng, hệ thống bài tập, ngân hàng đề thi đưa lên hệ thống trực tuyến, HS có thể tự học ở nhà.

“Chương trình học và thi đã thay đổi rất nhiều. HS chủ yếu học phương pháp và cách vận dụng chứ không còn học thuộc hay giải bài theo dạng đề cố định nữa. Do đó, thay vì đi học thêm quá nhiều, thời gian này, HS nên tập trung học theo chương trình ở trường và về nhà ôn tập để hệ thống kiến thức. Đi học thêm quá nhiều khiến các em không còn thời gian tự học, khó “tiêu hóa” kiến thức, dẫn đến không hiệu quả” - bà Thảo lưu ý.

Nguyễn Loan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI