Môn Vật Lý: Tiết kiệm thời gian bằng phương pháp mới
Thầy Lê Tấn Hậu - Tổ trưởng Tổ vật lý Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP Thủ Đức, TPHCM) - khuyên thí sinh nên tổng hợp kiến thức theo từng chuyên đề, chủ đề và lấp đầy các kiến thức bị hỏng. Môn vật lý không có phần kiến thức trọng tâm mà thí sinh phải học toàn bộ chương trình.
Tuy nhiên, các phần câu hỏi vận dụng và vận dụng cao thường sẽ rơi vào các bài toán điện xoay chiều, dao động cơ và giao thoa ánh sáng. Vì vậy, các em muốn đạt điểm trên 8 phải tập trung giải quyết các bài toán này. Đề thi có 4 câu của lớp Mười một ở mức độ nhận biết và thông hiểu, tập trung ở 4 chương đầu. Phần kiến thức này không khó nhưng thí sinh hay quên nên cần hệ thống lại.
|
Thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại điểm thi Trường THPT Trưng Vương (quận 1, TPHCM) - ẢNH: T.T. |
Các lỗi thí sinh thường mắc phải khi làm bài là quên đổi đơn vị nên rơi vào bẫy của đề; không đọc kỹ yêu cầu đề bài nên chọn nhầm đáp án trong phần nhận biết và thông hiểu; sử dụng máy tính nhưng không để ý đơn vị tính của máy là Deg (độ) hay Rad (radian) khi thực hiện các phép tính cho các hàm lượng giác; tô nhầm đáp án dẫn đến sai sót đáng tiếc.
Theo hướng tiếp cận chương trình mới, đề thi năm nay có thể sẽ cho các dạng đồ thị. Do đó, thí sinh phải biết cách thiết lập dạng hàm số của đồ thị và đọc các số liệu được cho trong đồ thị để giải nghiệm của bài toán.
Phân tích từ đề thi tham khảo của Bộ GD-ĐT, đề có 22 câu mức độ nhận biết, 8 câu mức độ thông hiểu, 6 câu mức độ vận dụng và 4 câu độ vận dụng cao. Đề thi chia thành 2 phần: từ câu 1-30 là mức độ nhận biết và thông hiểu, tương đối dễ nên thí sinh nên đọc kỹ và làm nhanh trong vòng 20-25 phút; 10 câu còn lại là phần vận dụng và vận dụng cao, thí sinh nên chọn câu có thể làm để thực hiện trước, 4 câu vận dụng cao để sau cùng.
Trong quá trình làm bài, thí sinh có thể kết hợp nhìn đáp án để suy luận. Nếu có đầy đủ cơ sở từ lập luận của bài giải và đáp án, thí sinh có thể chọn đáp án ngay để đỡ mất thời gian giải chi tiết. Đối với các bài toán không có số liệu cụ thể mà chỉ có tỉ lệ giữa các đại lượng, thí sinh có thể chọn luôn 1 số rồi từ đó tính ra các đại lượng còn lại theo giá trị số đã chọn, phương pháp này rút ngắn thời gian giải rất nhiều.
Thời điểm này, thí sinh cần sắp xếp thời khóa biểu ôn tập, nghỉ ngơi và giải trí hợp lý. Đặt ra mục tiêu học tập trong ngày, trong tuần và toàn đợt. Tham khảo đề thi của 2-3 năm gần nhất để có cái nhìn tổng quan. Làm thử các đề thi để canh thời gian làm bài cho hợp lý.
Môn Hóa học: Cần ôn kỹ lý thuyết từng bài học
Thầy Võ Duy Thái - Tổ trưởng Tổ hóa học Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TPHCM) - chia sẻ, khoảng thời gian hiện tại rất hợp lý để thí sinh rà soát, kiểm tra và lấp đầy những lỗ hổng kiến thức của mình. Trong quá trình luyện đề, các em nên ghi chú những lỗi thường gặp để biết mình còn thiếu sót nội dung nào.
Đồng thời, các em nên làm đi làm lại các bài tập đến mức thuần thục những dạng bài cơ bản, gần như chắc chắn sẽ xuất hiện trong đề thi. Khi đã tự tin, các em sẽ không bị áp lực phòng thi và mất điểm số một cách đáng tiếc nữa.
Các kiến thức trong mức độ 8 điểm là phần gần như bắt buộc các thí sinh không thể bỏ qua, không thể sai sót nếu muốn đạt kết quả cao. Để đạt tối đa phần này, các em cần ôn kỹ lý thuyết từng bài học, chủ yếu thuộc chương trình lớp Mười hai.
Các em có thể đọc sách giáo khoa, làm lại lý thuyết từng chương mà giáo viên đã xây dựng hoặc đăng tải trong quá trình học, có thể sử dụng các ứng dụng như LMS 360, Azota, Shub… giải 32 câu đầu các đề thi thử. Trong quá trình giải đề, cần chú trọng vào các câu lý thuyết dạng phát biểu đúng, sai hoặc đếm chất.
Các lỗi mà thí sinh dễ mắc phải nhất là dạng phát biểu đúng, sai hoặc đếm chất phản ứng do các em hệ thống lý thuyết còn mơ hồ, không chắc chắn. Lỗi khác nữa là chọn đáp án không đúng theo yêu cầu đề hỏi. Một số khác do chủ quan, thường nhầm đáp án hoặc tô lệch đáp án.
Đề thi hiện nay vẫn có sự phân hóa cao, rất dễ ở 30 câu đầu, từ câu 31 trở đi khó dần. Điểm mới so với các năm trước là Bộ GD-ĐT đã xây dựng đề theo hướng có ý nghĩa thực tiễn, giải quyết vấn đề thực tiễn nhiều hơn. Đồng thời giảm bớt các bài toán hàn lâm, học thuật.
Để tối đa hóa thời gian và khả năng tìm ra đáp án, thí sinh nên dành khoảng 15 phút đầu cho 30 câu đầu tiên. Cố gắng giải quyết thêm 2-3 câu lý thuyết phần còn lại để nắm chắc 8 điểm. 4 câu còn lại là để thí sinh đạt điểm 9, đòi hỏi sự cố gắng và tư duy nhiều. Với các em khá giỏi thì tùy tình hình và năng lực, có thể ưu tiên bài toán vô cơ hoặc hữu cơ.
Quá trình ôn luyện, thí sinh nên phân chia thời gian hợp lý tùy theo năng lực bản thân. Ví dụ, các em thấy chưa tự tin môn hóa thì nên phân bổ thời gian cho môn này nhiều hơn các môn còn lại.
Ngoài giữ chế độ dinh dưỡng hợp lý và tâm trạng bình tĩnh, thí sinh nên dành thời gian thư giãn giữa giờ ôn thi. Tuy nhiên, không nên thư giãn bằng việc xem phim, chơi game, đánh bài… dễ làm ảnh hưởng đến não bộ. Cố gắng ngủ hợp lý và dậy sớm vào buổi sáng để đạt được hiệu quả tốt nhất cho trí não.
Môn Địa lý: Tránh lỗi đọc chưa hết đề đã khoanh đáp án
Chia sẻ về cách ôn thi môn địa lý hiệu quả, cô Trần Thị Hòa - giáo viên Trường THPT Lê Văn Thiêm (quận Long Biên, TP Hà Nội) - cho biết: giai đoạn này, thí sinh cần tập trung ôn những kiến thức cơ bản để có thể chắc chắn “ăn điểm” phần kiến thức nhận biết. Muốn vậy thí sinh cũng phải có kỹ năng sử dụng Atlat, bảng biểu, xử lý số liệu.
Một số công thức địa lý nếu thí sinh không nhớ có thể sử dụng Atlat. Ví dụ, khi đề thi cho số liệu về dân số, diện tích và yêu cầu so sánh mật độ dân số. Trong trường hợp này, thí sinh không nhớ công thức tính mật độ dân số có thể mở trang dân số trong Atlat có đơn vị tính dân số (người/km2), dựa vào điều này thí sinh sẽ suy ra được công thức.
Ngoài ra, học sinh nên tự luyện đề để tự đánh giá năng lực bản thân, biết được khả năng đến đâu, đang hổng phần kiến thức nào có thể trao đổi với giáo viên cách ôn hiệu quả cho phần kiến thức đó. Học sinh cũng nên học nhóm để cùng nhau trao đổi kiến thức, có tranh luận, có giảng giải sẽ giúp các em khắc sâu kiến thức hơn.
Học sinh nên tự tra sách giáo khoa hoặc hỏi giáo viên đối với những câu sai, không hiểu để nhớ kiến thức thay vì tra trên mạng. Bởi lẽ, trên mạng hiện nay cũng có cả những nguồn kiến thức chưa chính xác hoặc chỉ có đáp án mà ít khi giải thích sẽ làm học sinh không hiểu thấu được vấn đề.
Với mỗi mục tiêu khác nhau học sinh sẽ cần có lộ trình ôn tập phù hợp. Những học sinh có mục tiêu lấy điểm 5 để tốt nghiệp thì chú trọng khai thác Atlat, bảng biểu, dùng từ khóa để phân biệt những câu dễ, câu nhận biết…
Đối với những học sinh đặt mục tiêu 8 điểm trở lên vẫn rèn các kỹ năng Atlat, bảng biểu để không làm sai những câu dễ; phần vận dụng và vận dụng cao sẽ đưa ra những từ khóa, làm đề thường xuyên để khắc sâu kiến thức.
Với những học sinh này, cần nắm vững kiến thức sách giáo khoa, rồi mới nên ôn tập kiến thức nâng cao. Cần làm đề theo mức độ: lấy điểm 8, 9, 10, tránh làm luôn những câu khó sẽ dễ bị nản.
Một số lỗi sai mà thí sinh thường mắc phải đó là: đọc sai đề, đọc chưa hết đề, đọc đề thấy quen là khoanh. Để tránh những lỗi này, các em cần gạch chân từ khóa, suy nghĩ kỹ mới chọn đáp án. Với câu hỏi có thể dùng Atlat, thí sinh coi chừng lâm vào tình trạng tra mất nhiều thời gian, không có thời gian làm câu lý thuyết khác.
Thí sinh cũng còn tình trạng khoanh ở đề và tô ở bài khác nhau, hoặc bỏ qua một số câu chưa khoanh; không mang máy tính nên những câu tính toán làm sai.
Một lưu ý quan trọng là các em cần chú ý tô đúng số báo danh, mã đề, mang Atlat, máy tính để sử dụng khi cần thiết.
Trang Thư - Đại Minh