Thi tốt nghiệp THPT 2023: Đề thi môn văn vừa sức, quen thuộc

28/06/2023 - 12:18

PNO - Sáng nay, thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 đã hoàn thành bài thi môn văn. Các giáo viên dạy văn cho rằng đề thi môn văn trong kỳ thi tốt nghiệp 2023 vừa sức, quen thuộc, học sinh dễ dàng lấy điểm khá.

Đề thi vừa sức, quen thuộc

Nhận định về đề thi môn văn, TS. Trịnh Thu Tuyết - giáo viên hệ thống giáo dục HOCMAI - cho rằng đề thi bám sát cấu trúc của đề thi tham khảo do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố ngày 1/3/2023. 

Đề thi môn văn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023

Theo bà, phần I gồm 4 câu hỏi phân loại theo ba mức độ nhận thức. Hai câu đầu (câu 1 và 2) đều là câu hỏi dừng ở mức độ nhận biết. Câu 1 yêu cầu xác định thể thơ. Câu 2 yêu cầu chỉ ra từ ngữ miêu tả cơn giông mùa hè trong 4 dòng thơ của khổ đầu - đó là những yêu cầu dừng lại ở mức độ thuần túy nhận biết và không hề làm khó thí sinh.

Câu 3 là câu hỏi ở mức độ vận dụng, yêu cầu thí sinh vận dụng những kiến thức tiếng Việt, tu từ để phân tích và làm rõ tác dụng của biện pháp tu từ so sánh trong 4 dòng thơ của khổ 2. Câu hỏi này không khó nhưng đòi hỏi thí sinh phải phân tích được đồng thời cả giá trị biểu đạt và giá trị biểu cảm của 2 hình ảnh so sánh “Mưa ròng ròng như triệu ngón tay” và “Ngỡ như hành quân trở về tuổi nhỏ”.

Câu 4 là câu vận dụng cao, yêu cầu thí sinh rút ra bài học về lẽ sống cho bản thân từ những suy ngẫm của tác giả Anh Ngọc trong dòng thơ Ai cũng đi qua cơn giông của riêng mình.

Câu hỏi này đòi hỏi thí sinh phải hiểu được những tầng nghĩa hàm ẩn của hình ảnh “cơn giông”. Đồng thời liên tưởng và suy nghĩ nghiêm túc về những “cơn giông của riêng mình” từ sự gợi ý có thể nhận được bởi những suy ngẫm của nhà thơ Anh Ngọc.

Đây là câu hỏi đáp ứng tốt yêu cầu ở mức độ vận dụng cao, giúp thí sinh thể hiện được quan điểm, chính kiến của mình về cách nghĩ, cách sống giữa một cuộc sống đầy biến động. Tuy nhiên, nếu không nhận ra được suy ngẫm của tác giả và bản thân không có tư duy độc lập, thí sinh có thể sẽ trả lời chung chung, hời hợt.

Nhìn chung, phần Đọc hiểu khá vừa sức với thí sinh nhưng có thể sẽ khó tìm được những bài làm sáng tạo, độc đáo, bởi hệ thống câu hỏi tuy giúp thí sinh có sự trải nghiệm và suy tư sâu sắc thể hiện được quan điểm, chính kiến của mình, nhưng cũng có thể khiến thí sinh đưa ra những suy nghĩ hời hợt, khuôn mẫu và sáo rỗng.

Trong khi đó, phần II giữ nguyên cấu trúc quen thuộc, gồm viết đoạn văn nghị luận xã hội (2 điểm) và bài nghị luận văn học (5 điểm).

Câu 1 (2 điểm): Câu lệnh đã cung cấp đầy đủ và chính xác các yêu cầu cụ thể để thí sinh có thể viết một đoạn văn khoảng 200 chữ về một khía cạnh của vấn đề rút ra từ đoạn trích của phần đọc hiểu, đó là yêu cầu “Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về sự cần thiết phải biết cân bằng cảm xúc trong cuộc sống”.

Đây là vấn đề rất thiết thực với bất kỳ lứa tuổi nào trong cuộc sống, nhưng với tuổi trẻ, các em có thể còn mỏng về kinh nghiệm, về kỹ năng sống và dễ bị cảm xúc tiêu cực chi phối. Tính thiết thực của vấn đề nghị luận có thể giúp tìm ra những điểm sáng trong bài làm của thí sinh.

Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề khá trừu tượng và tính thiết thực của việc cân bằng cảm xúc trong thực tế cuộc sống luôn không dễ dàng với bất kỳ ai. Do đó, với một bộ phận không nhỏ các thí sinh, câu hỏi này rất khó để đạt điểm tối đa. Nhưng nhìn ở góc độ khác, thì câu hỏi này đã góp phần tạo ra tính phân loại tương đối rõ rệt cho bài làm của thí sinh.

Câu 2 (5 điểm): Câu nghị luận văn học vẫn sử dụng cấu trúc đề quen thuộc: sau trích đoạn cuối cùng của truyện ngắn Vợ nhặt là một câu lệnh có 2 vế tương ứng với 2 yêu cầu: phân tích đoạn trích trong truyện ngắn và “nhận xét cách nhìn cuộc sống của nhà văn Kim Lân được thể hiện trong đoạn trích”. 

Vẫn có một cảm giác hơi tiếc nuối khi ngữ liệu được chọn để nghị luận không phải là đoạn văn hay nhất, tiêu biểu nhất cho tài hoa của nhà văn Kim Lân trong nghệ thuật miêu tả tâm lý và khắc họa chân dung nhân cách, thân phận… các nhân vật. Do đó đoạn kết chưa thực sự xứng với tầm một tác phẩm được coi là kiệt tác của Kim Lân.

Nhiều thí sinh vui mừng khi trúng tủ môn Văn
Nhiều thí sinh vui mừng khi "trúng tủ" môn văn

Nhìn chung, đề thi đảm bảo đúng các yêu cầu về nội dung, hình thức của một đề thi tốt nghiệp. Cũng như nhiều năm trước, đề thi vừa sức, quen thuộc, hơn thế nữa, do mô hình cơ bản không thay đổi nên các kiểu dạng câu hỏi không bất ngờ với thí sinh.

Khả năng phân loại của đề vẫn là sự phân loại của các mức độ đọc hiểu và cảm thụ văn bản, sự phân loại chủ yếu được ghi nhận bởi cách đánh giá tinh tế, chính xác của giám khảo. 

Thí sinh dễ dàng lấy điểm khá trở lên

Thạc sĩ Phan Thế Hoài - giáo viên môn ngữ văn Trường THPT Bình Hưng Hòa (TPHCM) - nhận xét bố cục đề thi môn ngữ văn năm nay ổn định, không gây bất ngờ cho thí sinh và giáo viên vì tương tự như đề thi tham khảo 2023 và đề thi chính thức năm 2022. 

Trong đó, phần Đọc hiểu cho ngữ liệu là một đoạn thơ trích "Đi qua cơn giông" của nhà thơ Anh Ngọc và hỏi 4 câu. Với câu 1, thí sinh dễ dàng trả lời “thể thơ tự do”. Câu 2, chỉ cần chỉ ra được 2 từ ngữ hình ảnh miêu tả cơn giông mùa hè, chẳng hạn: "tiếng sấm gõ", "gió bay".

Câu 3, biện pháp tu từ so sánh: "Mưa ròng ròng như triệu ngón tay". Tác dụng, làm nổi bật trận mưa giông rất dữ dội, làm cho câu thơ gợi hình, gợi cảm. Câu 4, cần rút ra bài học về lẽ sống từ câu thơ "Ai cũng đi qua cơn giông của riêng mình". Cần hiểu được, "cơn giông" là ẩn dụ cho những khó khăn, bất trắc trong cuộc sống mà con người cần phải vượt qua để sống, để thành công... Theo thầy Phan Thế Hoài, học sinh dễ dàng đạt điểm từ 2,5-3 điểm của phần này.

Câu nghị luận xã hội yêu cầu thí sinh trình bày suy nghĩ về sự cần thiết phải biết cân bằng cảm xúc trong cuộc sống từ rút ra từ ngữ liệu ở phần đọc hiểu. Thầy Phan Thế Hoài nhận xét đây là một câu hỏi hay, phù hợp với tâm lý lứa tuổi 18. Tuổi 18 hiện gặp rất nhiều áp lực trong cuộc sống như: học tập, lựa chọn nghề nghiệp, có thể có những bất hòa trong các mối quan hệ với bạn bè, người thân, tác động tiêu cực từ mạng xã hội...

Vậy nên tuổi trẻ phải biết cân bằng cảm xúc để làm cho cuộc sống nhẹ nhàng hơn, giữ các mối quan hệ tốt hơn. Ngược lại, nếu không biết cân bằng cảm xúc, con người sẽ bị trầm cảm, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Đối với phần này, thí sinh dễ dàng lấy từ 1,25 điểm trở lên.

Câu nghị luận văn học năm nay yêu cầu thí sinh nghị luận về một đoạn văn xuôi trong tác phẩm Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân. Ở phần này, thí sinh cần phân tích được nội dung của phần cuối truyện thông qua 3 nhân vật: bà cụ Tư, thị và Tràng. Trong đó chú trọng nhân vật thị, Tràng bước đầu hướng về cách mạng để giải phóng cuộc đời mình.

Qua đó cho thấy, dù viết về cái đói, cái chết nhưng nhà văn Kim Lân vẫn luôn đặt niềm tin vào con người với suy nghĩ lạc quan, hướng về sự sống. Đây cũng chính là giá trị nhân đạo của tác phẩm. Đây là câu hỏi không đánh đố, thí sinh dễ dàng đạt 2,5 điểm trở lên trong tổng 5 điểm của câu này.

Nhiều học sinh "trúng tủ" môn văn

Ra khỏi phòng thi, em Đỗ Thu Hương (điểm thi Trường THPT Hoàng Mai, TP Hà Nội) cho rằng đề thi môn văn năm nay có phần khó hơn so với năm ngoái. Tuy nhiên, câu nghị luận rơi vào tác phẩm Vợ nhặt thì lại đúng trọng tâm mà em được giáo viên ôn kỹ.

“Em tự tin 80% bài làm của mình. Em đã sử dụng hết thời gian làm bài thi để triển khai các ý với mong muốn bài làm không bị sót ý và mất điểm. Em hy vọng sẽ được 8 điểm” - Thu Hương cho hay.

Đại Minh - Minh Linh 

 

 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI