Thi tốt nghiệp THPT 2023: Đề thi có tính phân hóa để xét tuyển đại học

27/06/2023 - 09:12

PNO - 14g chiều nay (27/6), thí sinh sẽ phải có mặt ở các điểm thi để làm thủ tục dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023.

Chiều nay (27/6), hơn 1 triệu thí sinh tập trung, nghe phổ biến quy chế thi, cũng như rà soát lại giấy tờ liên quan. Thí sinh sẽ đính chính thông tin sai sót (nếu có) để chuẩn bị bước vào kỳ thi trong 2 ngày 28 và 29/6.

Theo Bộ GD-ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 được tổ chức cơ bản giữ ổn định như năm 2022, với tổng số 44.661 phòng thi, 2.273 điểm thi.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 sẽ diễn ra vào các ngày 27, 28, 29 và 30/6/2023.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tổ chức thi 5 bài thi, gồm: 3 bài thi độc lập là toán, ngữ văn, ngoại ngữ; 1 bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên gồm các môn thi thành phần vật lí, hóa học, sinh học; 1 bài thi tổ hợp Khoa học xã hội gồm các môn thi thành phần lịch sử, địa lí, giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT hoặc các môn thi thành phần lịch sử, địa lí đối với thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT.

Thí sinh cần lưu ý những vật dụng được mang vào phòng thi tốt nghiệp THPT. Ảnh minh họa
Thí sinh cần lưu ý những vật dụng được mang vào phòng thi tốt nghiệp THPT (Ảnh minh họa)

Theo quy chế thi tốt nghiệp THPT mới, Bộ GD-ĐT cho phép thí sinh mang vào phòng thi bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính; máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ; Atlat địa lí Việt Nam đối với môn địa lí (không có đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung nào khác).

So với năm ngoái, quy định này có 2 điểm mới. Một là thí sinh không còn được mang các loại máy ghi âm, ghi hình, dù chỉ có chức năng ghi thông tin, không thể xem hay truyền tín hiệu.

Hai là, Bộ GD-ĐT không quy định danh mục máy tính bỏ túi như những năm trước mà chỉ yêu cầu máy tính "không có chức năng soạn thảo văn bản".

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm nay cả nước có 1.024.063 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT. Trong đó, thí sinh chỉ xét tốt nghiệp: 47.769 chiếm 4,66%; thí sinh chỉ xét tuyển sinh đại học: 34.155 chiếm 3,33% tổng số thí sinh; thí sinh vừa xét tốt nghiệp, vừa tuyển sinh: 943.340 chiếm 92,91% tổng số thí sinh.

Đề thi sẽ có tính phân hóa

Trước thời điểm sĩ tử cả nước bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng - Trưởng ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT - cho biết, kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp, đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông, chất lượng dạy và học của giáo viên, học sinh.

Kết quả này cũng là cơ sở để nhiều trường đại học sử dụng trong xét tuyển đại học, cao đẳng. Theo thống kê, năm nay khoảng trên 60% trường đại học sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT xét tuyển.

Với tính chất như vậy, định hướng đề thi tốt nghiệp THPT nay năm sẽ đảm bảo các mức nhận biết, thông hiểu. Học sinh cần nắm chắc kiến thức cơ bản của chương trình THPT, chủ yếu lớp 12.

Đồng thời, nội dung đề thi sẽ chú ý mức độ vận dụng, vận dụng cao, tính phân hóa phù hợp là căn cứ để các cơ sở đào tạo đại học sử dụng như một trong các phương thức xét tuyển.

Đầu tháng 3, Bộ GD-ĐT đã công bố đề thi tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 làm cơ sở để các nhà trường, giáo viên, học sinh ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi chính thức.

Đưa ra lời khuyên với các vị phụ huynh, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết ngoài dành sự chăm sóc, động viên tinh thần cho các em thí sinh bình tĩnh, tự tin, phụ huynh cũng dành sự quan tâm nhắc nhở các em để thực hiện đúng Quy chế thi - có như vậy mới tránh được những thiệt thòi về kết quả thi cho chính các em.

“Với đội ngũ cán bộ coi thi nói riêng và tất cả cán bộ làm thi nói chung, tôi muốn nhắc lại tinh thần chỉ đạo “4 đúng - 3 không” mà Bộ GD-ĐT đã quán triệt. “4 đúng” là: đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng đủ quy trình, không được bỏ bất cứ một quy trình nào; đúng vị trí chức trách nhiệm vụ được giao; đúng thời điểm, kịp thời xử lý các tình huống bất thường.

“3 không” là không lơ là chủ quan; không tự ý xử lý tình huống bất thường; không căng thẳng, áp lực quá mức.

Thực hiện được “4 đúng - 3 không” chính là chúng ta đang hướng đến một kỳ thi nghiêm túc, an toàn, trung thực, khách quan và công bằng” - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng nói.

Đại Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI