Thi tốt nghiệp THPT 2023: “Bỏ túi” cách làm tốt môn vật lý, hóa học, địa lý

15/06/2023 - 06:29

PNO - Giáo viên giàu kinh nghiệm hướng dẫn chiến lược ôn luyện và cách làm tốt các môn vật lý, hóa học và địa lý.

Chỉ còn 2 tuần “nước rút” trước kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, các thầy cô giàu kinh nghiệm đã hướng dẫn chiến lược ôn luyện và cách làm tốt các môn vật lý, hóa học (bài thi khoa học tự nhiên) và địa lý (bài thi khoa học xã hội).

Môn vật lý: Không “học vẹt”, chú ý hiện tượng vật lý thực tế

Trong đề thi vật lý, kiến thức lớp Mười một chiếm khoảng 10%, còn lại 90% ở lớp Mười hai. Ở giai đoạn nước rút này, các em cần hệ thống lại kiến thức cơ bản và giải một số đề để củng cố kiến thức, điều chỉnh thời gian làm bài hợp lý.

Thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tại TPHCM - ẢNH: P.T.
Thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tại TPHCM - ẢNH: P.T.

Ngoài việc nắm chắc kiến thức trong sách giáo khoa, học sinh cũng cần bổ sung kiến thức liên hệ thực tế đời sống, những kiến thức cơ bản về thí nghiệm thực hành, các hiện tượng vật lý. Trong môn vật lý có rất nhiều công thức, các em không nên “học vẹt” mà cần hiểu được bản chất của từng công thức, phạm vi áp dụng, tìm cách gắn kết vào các bài tập cụ thể để nhớ lâu. 

Đề thi trắc nghiệm môn vật lý gồm 40 câu hỏi (nằm từ câu 1-40 của bài thi khoa học tự nhiên). Học sinh có 50 phút làm bài, trung bình mỗi câu các em chỉ có hơn 1 phút. Trong đó, độ phân hóa là khoảng 70 - 75% mức độ nhận biết, thông hiểu, 25 - 30% còn lại ở mức độ vận dụng và vận dụng cao. Các câu hỏi trong đề được sắp xếp theo thứ tự từ dễ đến khó. Đối với các câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu, các thí sinh cần tập trung làm nhanh và chắc chắn. Các em chỉ cần nắm chắc kiến thức cơ bản, đọc kỹ đề là có thể dễ dàng hoàn thành phần này.

Đối với phần nâng cao, thí sinh nên đọc lướt qua và chọn những câu quen thuộc, đã từng giải qua để ưu tiên làm trước. Thường phần nâng cao sẽ có khoảng 10 câu, trong đó có 6 câu vận dụng và 4 câu vận dụng cao. Các câu vận dụng cao thường là các câu liên quan đến thực tiễn, ứng dụng, câu hỏi về dao động cơ, sóng cơ và dòng điện xoay chiều.

Thông thường học sinh chỉ cần nắm vững được lý thuyết là đã có thể hoàn thành được khoảng 70% đề thi. Do đó, các em có học lực trung bình nên tập trung ôn kỹ kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa và sách bài tập để nắm chắc điểm 6-7.

Đối với học sinh khá giỏi muốn chinh phục điểm cao thì chú trọng ôn kỹ và sâu vào các phần về dao động cơ, sóng cơ và sóng âm, dòng điện xoay chiều (chương I, II, III của vật lý lớp Mười hai), đồng thời luyện tập giải nhiều dạng bài tập. Muốn đầu tư cho phần vận dụng cao thì phải làm nhanh và chắc những câu cơ bản để dành thời gian giải quyết những câu khó.

Những năm gần đây, đề vật lý hay xuất hiện các câu thực tế, chẳng hạn có năm đề ra câu “tắm nắng bị cháy nắng là do tia nào gây ra?”. Cho nên học sinh phải mở rộng đọc và hiểu các hiện tượng vật lý trong thực tế để tránh bỡ ngỡ với các dạng câu này. Bên cạnh đó, cần chú ý một số lỗi sai khi đổi đơn vị hoặc kỹ năng bấm máy tính với các số có số mũ...

Thầy Bùi Tá Quang - Tổ trưởng tổ vật lý Trường THPT Thành Nhân (quận Tân Phú, TPHCM)

Môn hóa học: Luyện tập nhiều để tăng phản xạ

Từ nay đến lúc thi học sinh cần tập trung ôn kỹ phần lý thuyết, nắm chắc các dạng bài tập quen thuộc và làm các dạng bài nâng cao. Các em nên tăng cường hệ thống hóa kiến thức bằng cách sơ đồ hóa mối quan hệ giữa các chất. Phần lý thuyết nên ôn tập theo từng chuyên đề, nắm vững các khái niệm, công thức và phương trình hóa học. Tập trung giải đề, giải các dạng bài tập khác nhau. 

Khi còn khoảng 5 ngày trước kỳ thi thì chỉ tập trung ôn những gì cốt lõi. Đề sẽ có những câu vận dụng và vận dụng cao ở cả phần lý thuyết và bài tập, trong đó phần lý thuyết vận dụng cao sẽ dễ lấy điểm hơn phần bài tập vận dụng cao. Trước khi thi 2-3 ngày vẫn duy trì làm những bài tập nhẹ nhàng để không bị mất phản xạ. Học sinh cần nắm vững phần lý thuyết vì lý thuyết có điểm cao hơn phần bài tập, chưa kể nếu không nắm vững lý thuyết và không viết đúng phương trình phản ứng thì cũng không giải được bài tập.

Đề hóa gồm 40 câu, nằm từ câu 41-80 của bài thi khoa học tự nhiên, cấu trúc đề tương đồng với năm 2022. Trong đó 32 câu đầu rất cơ bản, thí sinh có thể làm được dễ dàng, sau đó phân bố thời gian hợp lý cho phần sau. Đối với phần nâng cao, các em tập trung vào những phần đã được rèn luyện, có thế mạnh phần nào thì làm phần đó trước. Những câu đầu thường không có bẫy nhưng nếu đọc đề không kỹ sẽ dễ mất điểm oan.

Những câu ở dưới sẽ khó dần, câu vận dụng cao tập trung ở những phần về chuỗi phản ứng, đoán chất, đòi hỏi các em phải nắm vững kiến thức để xử lý. Sẽ có khoảng 2-3 câu mới lạ hoàn toàn, các em cố gắng đưa về những dạng bài quen thuộc. Nhiều khi đề giấu hết chất, nhưng nếu đã được luyện tập nhiều thì các em sẽ có phản xạ tốt để nhận biết nhanh trong trường hợp này có những chất nào phản ứng với nhau, từ đó có thể xác định được đáp án.

Học sinh hay có tâm lý sợ môn hóa, nhưng thực tế chỉ cần chịu khó học căn bản là có thể làm được dễ dàng 32 câu đầu, dành thời gian đầu tư cho những phần sau thì không khó lấy từ 8 điểm 
trở lên.

Thầy Hoàng Thái Dương - giáo viên hóa Trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh, TPHCM)

Môn địa lý: Cố gắng lấy trọn điểm phần Atlat

Đối với môn địa lý, đề thi gồm 40 câu trải rộng chương trình lớp Mười hai, do đó học sinh nên ôn tập toàn diện, không học tủ. Trong đó, có 21 câu hỏi lý thuyết, gồm 5 câu mức độ nhận biết, 8 câu thông hiểu, 5 câu vận dụng và 3 câu vận dụng cao. Ngoài ra, có 19 câu kỹ năng, gồm 15 câu bản đồ Atlat địa lý Việt Nam, 2 câu bảng số liệu và 2 câu biểu đồ. Kiến thức phần lý thuyết rất rộng, do đó giai đoạn này các em nên tập trung ôn tập những phần chưa nắm vững. 

Đối với các câu kỹ năng chiếm đến 4,75 điểm hoàn toàn không khó, học sinh nên tập trung làm cẩn thận để giành trọn điểm phần này. Trong đó sẽ có những câu hỏi về nhận xét bảng số liệu, nhận xét biểu đồ, đặt tên biểu đồ, nhận xét biểu đồ tăng nhanh hay tăng chậm. Phần này đòi hỏi các em cần có kỹ năng nhận dạng loại biểu đồ và sử dụng thành thạo một số công thức tính toán đơn giản. Phần Atlat có thể ra bất kỳ phần nào trong bản đồ, học sinh cần nắm được kỹ năng nhìn chú giải, khai thác một số lĩnh vực, gam màu, biểu đồ, ký hiệu. Chỉ cần nắm được kỹ năng thì đề ra ở trang Atlat nào các em cũng có thể làm được. 

Từ đề thi minh họa năm 2023 mà Bộ GD-ĐT đã công bố cho thấy điểm mới trong đề thi năm nay là câu hỏi Atlat không ghi sẵn số trang, mà chỉ ghi nội dung, chẳng hạn “trang công nghiệp”, “trang tự nhiên”. Vì vậy, để sử dụng thuần thục Atlat, ngay từ bây giờ học sinh nên luyện tập để nắm cấu trúc, mục lục, xác định đúng vị trí và đọc đúng tên đối tượng địa lý trên Atlat.

Thí sinh khi làm bài cần lưu ý đọc kỹ đề, để ý những câu hỏi ở dạng phủ định, chẳng hạn, đề hỏi đáp án nào sau đây không đúng nhưng các em bỏ sót từ “không” nên chọn sai. Khoảng 25 câu đầu rất cơ bản, học sinh dễ dàng lấy điểm 6-7. Đề thi có xáo mã đề nhưng vẫn theo ma trận từ dễ đến khó. Có khoảng 8 câu hỏi vận dụng và vận dụng cao, thường rơi vào phần vùng kinh tế, điều kiện tự nhiên. Đồng thời càng về sau thì “mồi nhử” càng khó, “độ nhiễu” cao, có những đáp án tương tự nhau, chỉ khác biệt rất nhỏ khiến thí sinh rất khó lựa chọn. Điều này đòi hỏi các em phải nắm kiến thức rất vững mới có thể làm đúng được.

Muốn chinh phục điểm 9-10 đòi hỏi các em phải nghiêm túc trong suốt quá trình học, ôn luyện kỹ và làm bài cẩn thận. Nguyên tắc làm bài là đọc kỹ để xác định đúng nội dung câu hỏi, xác định các kỹ năng cần vận dụng (tính toán, nhận dạng biểu đồ), đọc tất cả đáp án trước khi chọn, sử dụng phương án loại trừ với các câu hỏi khó.
Cô Lê Bảo Lưu - giáo viên địa lý Trường THPT Lương Thế Vinh (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) 

Minh Linh 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI