Thi tốt nghiệp bốn môn: Giảm áp lực, vẫn nhiều nỗi lo

26/02/2014 - 17:23

PNO - PN - Cuối cùng thì Bộ GD-ĐT cũng chốt phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2014 chỉ còn bốn môn. Người học thở phào khi được giảm môn thi, nhưng nhiều nhà giáo dục lo ngại, sau đó sẽ là hệ quả học lệch môn chính - môn phụ, trong khi...

edf40wrjww2tblPage:Content

VTV ghi nhận ý kiến của các chuyên gia, giáo viên, học sinh về phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2014

Học sinh mừng, nhà trường chưa yên tâm

Kỳ thi tốt nghiệp năm nay, học sinh (HS) chỉ còn thi bốn môn, gồm hai môn bắt buộc là toán và ngữ văn; hai môn tự chọn trong số các môn vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, lịch sử và ngoại ngữ. Như vậy, môn ngoại ngữ đã được thay đổi thành môn tự chọn thay vì bắt buộc như thông tin ban đầu. Đa số HS đang học lớp 12 khi hay tin đều phấn khởi vì được giảm môn thi, giảm áp lực thi cử.

Em Thu Uyên, HS lớp 12/3 Trường THPT Hồng Hà nói: "Tụi em chỉ phải chú trọng ôn tập bốn môn, không phải mất thời gian “nhồi nhét” những sáu môn. Hơn nữa, còn được tự chọn môn thi, nên em sẽ chọn những môn mình dự thi đại học (ĐH), một công đôi việc".

Tuy nhiên, nhìn xa hơn, các nhà quản lý giáo dục đang băn khoăn với công tác “hậu trường” của phương án thi mới. Thầy Nguyễn Văn Cải, Phó hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung cho biết: "Tuần này, giáo viên bắt đầu cho HS đăng ký nháp lựa chọn môn thi để có phương án ôn tập. Bộ GD-ĐT cần sớm có hướng dẫn cách tính điểm như thế nào giữa điểm học bạ 13 môn học và điểm thi bốn môn để ra kết quả xếp loại tốt nghiệp; về việc HS đăng ký nguyện vọng lựa chọn môn thi, đăng ký rồi thì có thay đổi được không và có quyền thay đổi trong thời gian nào để bố trí sắp xếp thời gian ôn tập. Tôi còn lo việc tổ chức hội đồng thi sẽ vô cùng phức tạp. Số thí sinh dự thi ở mỗi môn thi sẽ khác nhau. Công tác bố trí giám thị phải thay đổi số lượng theo từng môn thi, đề thi… Chủ tịch hội đồng thi sẽ vô cùng vất vả".

Định hướng môn Anh văn sẽ có tự luận và trắc nghiệm nhưng thời gian thi vẫn giữ nguyên 60 phút cũng khiến nhiều HS lo lắng. Nhiều giáo viên Anh văn dự đoán, chỉ có những em thi khối D, A1 hoặc các em trội môn ngoại ngữ mới dám dự thi. ThS Hà Thị Kim Sa, Hiệu trưởng Trường THPT Hồng Hà nhấn mạnh: Cái khó hiện nay là các em rất bỡ ngỡ với việc tự lựa chọn môn thi, không thể cân đo môn thi nào là hợp lý. HS không hẳn chọn theo năng lực mà còn chọn theo bạn bè, hiệu ứng số đông.

Vì vậy, giáo viên chủ nhiệm phải xem xét năng lực của từng em để định hướng, điều chỉnh cho đúng. Thêm một việc khó nữa là sắp xếp lớp ôn tập phức tạp hơn. Có những môn như sử, địa chỉ một vài em đăng ký sẽ rất khó để dạy, trong khi lý-hóa thì các em đăng ký rất nhiều. Trong mỗi môn, lại phải phân loại HS khá giỏi, trung bình, yếu để có phương pháp ôn tập khác nhau. HS vui mừng vì giảm môn thi nhưng các em không hiểu, với môn tự chọn thì khả năng đề sẽ khó hơn, chuyên sâu hơn theo hướng bài thi tích hợp như định hướng của Bộ.

Thi tot nghiep bon mon: Giam ap luc, van nhieu noi lo

Thí sinh tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2013 - Ảnh: Phùng Huy

Cần có phương án tránh tình trạng học lệch

ThS Bùi Gia Hiếu, Chủ tịch HĐQT Trường THPT Nhân Việt phân tích: HS được chọn môn thi thì chắc chắn tỷ lệ đậu ĐH-CĐ sẽ khá cao nên hầu hết các em đều phấn khởi, nhưng các nhà quản lý trường học vẫn còn băn khoăn việc điểm thi nghề, điểm ưu tiên sẽ được tính như thế nào? Các em lựa chọn môn thi theo khối thi ĐH là chắc chắn những môn xã hội sẽ chỉ còn lác đác HS chọn thi. Như vậy, không cần đến kỳ thi ĐH mới có chuyện thi lệch giữa khối tự nhiên và xã hội mà ngay trong kỳ thi phổ thông vấn đề này cũng sẽ rất rõ. Chúng ta khó thể phủ nhận rất nhiều HS có tâm lý học để thi, tình trạng học lệch là việc các nhà quản lý cần tính đến.

Trường THPT Hồng Hà sau khi cho gần 400 HS lớp 12 tiến hành chọn môn thi, kết quả rất rõ là hầu hết HS đều chọn môn thi nằm ở khối A, A1, D1; số HS chọn môn sử và địa chỉ đếm trên đầu ngón tay, vì nếu chọn những môn này các em ít cơ hội lựa chọn trường dự thi ĐH. Thầy Nguyễn Văn Cải cho rằng: Việc Bộ giảm tải áp lực thi cử và theo phương án tự chọn môn thi để phân luồng trước HS là hết sức cần thiết. Mỗi em có thế mạnh và sở thích khác nhau nên không thể yêu cầu một em có khát vọng trở thành nhà toán học phải giỏi văn, nhưng ít ra phải đảm bảo những kiến thức căn bản.

"Chúng tôi vẫn thường căn dặn HS phải hoàn thành các môn cơ bản của bậc phổ thông, dù có quyền đầu tư vào những môn mũi nhọn. Ít nhất thì những môn cơ bản phải đạt mức trung bình. Tuy nhiên, theo khảo sát sơ bộ thì những môn khối A thu hút rất nhiều em đăng ký nhưng những môn khối xã hội như sử, địa rất ít HS lựa chọn", thầy Cải nói.

Hiệu trưởng một trường THPT ở Q.1 khẳng định, chuyện học lệch là không tránh khỏi. Năm nay các em khó học lệch vì thời gian thi đã gần nhưng chắc chắn từ năm sau, em nào thi môn nào sẽ định hướng từ trước và sẽ tạo ra tâm lý “nhất bên trọng, nhất bên khinh” trong số 13 môn học. Các trường chú ý đến thành tích sẽ chủ động cuốn chiếu hết các môn phụ trước thời hạn, tập trung ôn luyện để có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp, đỗ ĐH cao. Việc lấy điểm trung bình thì không khó để các trường “hô biến”, vớt vát những em yếu, nhất là ở những khu vực “dễ dãi” mà báo chí vẫn nêu, để nâng tỷ lệ tốt nghiệp. Bộ nên có phương án chấm kiểm dò bài thi và kết quả học bạ như thế nào để tránh tình trạng này.

 TIÊU HÀ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI