Thi tốt nghiệp 4 môn: Thí sinh cần lưu ý gì để thuận lợi vào đại học?

04/12/2023 - 06:13

PNO - Các chuyên gia tuyển sinh đã chỉ ra những điều học sinh cần lưu ý nếu muốn có lợi thế xét tuyển đại học khi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 chỉ còn 4 môn.

Trường cần tính toán kỹ tổ hợp 

Bộ GD-ĐT đã chính thức chốt phương án thi tốt nghiệp THPT 2025 với 4 môn. Thay vì thi 6 môn như trước đây, từ năm 2025 sẽ thi 2 môn bắt buộc là toán và ngữ văn, 2 môn còn lại thí sinh được lựa chọn trong 9 môn khác gồm: ngoại ngữ, lịch sử, địa lý, vật lý, hóa học, sinh học, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ.

Đánh giá về phương án thi mới, tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa - nguyên Phó giám đốc Đại học (ĐH) Quốc gia TPHCM - cho rằng: Việc học sinh thi tốt nghiệp THPT chỉ với 4 môn cũng hoàn toàn giống với kỳ thi tốt nghiệp 2014. Chỉ khác là năm 2014, học sinh tự chọn thi 2 môn trong 6 môn thi, còn ở năm 2025 học sinh chọn 2 trong số 9 môn thi còn lại. Kỳ thi vẫn nhắm đến 3 mục tiêu: xét tốt nghiệp THPT, đánh giá chất lượng dạy và học THPT, dùng làm cơ sở để xét tuyển ĐH, cao đẳng. 

 

Thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại TPHCM - ẢNH: NGUYỄN LOAN
Thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại TPHCM - Ảnh: Nguyễn Loan

Tất nhiên, thi ít môn cũng đồng nghĩa với việc giảm tải cho kỳ thi, nhưng đồng thời cũng làm giảm hiệu quả của mục tiêu đánh giá chất lượng dạy và học ở bậc THPT. Việc xét tuyển ĐH có phần nào cũng sẽ bị ảnh hưởng đối với những trường dùng phương thức tuyển sinh theo kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT.

Theo ông Đinh Đức Hiền - Phó hiệu trưởng FPT School Bắc Giang - nếu chỉ liên quan đến tốt nghiệp, 2+2 là phương án hợp lý. Tuy nhiên, hiện nay các trường ĐH vẫn dành nhiều chỉ tiêu để tuyển sinh từ điểm thi THPT. Do đó, khi Bộ GD-ĐT quyết định thi 2+2, thí sinh không được thi thêm môn phục vụ việc xét tuyển ĐH thì buộc các trường ĐH sẽ phải tính toán lại phương thức tuyển sinh. 

“Hiện nay, nhiều học sinh phải đi học thêm môn bên ngoài mà trường không có để phục vụ cho tuyển sinh ĐH. Các trường THPT cần tính toán kỹ tổ hợp năm sau để tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh” - ông Đinh Đức Hiền nói.

Lợi thế cho học sinh xác định ngành học sớm

Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TPHCM - cho rằng: với phương án 2+2, cơ hội xét tuyển có thể ít hơn nhưng tập trung hơn. Điều này sẽ là lợi thế cho những em xác định được ngành học ngay từ sớm. Do vậy, ngay từ đầu, học sinh cần định hướng sớm ngành học, xác định ngành đó xét tuyển bằng tổ hợp nào để có kế hoạch học tập phù hợp thì kết quả xét tuyển vào ĐH sẽ cao hơn. 

Các trường ĐH có thể phải điều chỉnh phương án tuyển sinh, thiết kế đa dạng tổ hợp hơn để xét tuyển khi có thêm môn thi mới như giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ. Với 4 môn thi, số tổ hợp dùng để xét tuyển ĐH sẽ giảm nhiều so với việc thi 6 môn như trước đây. Ví dụ với 6 môn các em có thể nhóm thành 10 tổ hợp nhưng với 4 môn có thể chỉ còn 4-5 tổ hợp. Ông Nguyễn Trung Nhân dự báo các trường ĐH có thể gia tăng tỉ trọng xét tuyển bằng các hình thức khác như xét tuyển học bạ, điểm thi đánh giá năng lực. 

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TPHCM - cũng nhận định: thi 4 môn, tổ hợp xét tuyển có thể giảm đi. Nhưng đây được xem là lợi thế cho thí sinh vì không bị dàn trải, phân tâm trong quá nhiều tổ hợp như trước đây. Thay vào đó có thể tập trung đầu tư tổ hợp phù hợp với ngành học mong muốn xét tuyển sẽ mang lại hiệu quả cao hơn. 

Các chuyên gia tuyển sinh phân tích: Học sinh phải được hướng nghiệp tốt mới có thể xét tuyển đúng vì mỗi em chỉ còn 1 đến 2 tổ hợp xét tuyển. Thêm vào đó, để tuyển được những thí sinh phù hợp nhất, các trường ĐH sẽ đẩy mạnh tuyển sinh bằng các kỳ thi riêng, thi đánh giá năng lực, thi đánh giá tư duy... Thí sinh nào muốn nhiều cơ hội thì thi nhiều giống như thế hệ 7X, đầu 8X thi ĐH trước đây. Tóm lại sẽ quay về cách tuyển sinh của 30 năm trước.

Hiệu trưởng một trường THPT đóng tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho hay theo một khảo sát nhanh của trường, phần lớn học sinh chọn tiếng Anh là môn thi tự chọn thứ nhất để thi tốt nghiệp. Môn lựa chọn thứ hai là môn sẽ có trong phương thức xét tuyển của các trường ĐH các em yêu thích. Theo hiệu trưởng này, không chỉ học sinh trường ông mà nhiều trường khác trong thành phố cũng sẽ chọn môn tiếng Anh vì đó là thế mạnh của các em. Với việc này, thí sinh nông thôn, miền núi khó có cơ hội cạnh tranh vào các trường ĐH tốp trên rất chuộng thí sinh giỏi ngoại ngữ. “Các trường tốp trên vốn dành nhiều chỉ tiêu cho các phương án xét tuyển khác nhau, chỉ tiêu tuyển sinh từ kết quả thi tốt nghiệp đã ít, nay lại càng khó với các thí sinh nông thôn, miền núi vốn không có điều kiện học tiếng Anh cũng như luyện thi theo các phương thức khác nhau” - hiệu trưởng này phân tích. 

Dung Nhi - Nguyễn Loan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI