Thi THPT quốc gia để làm gì?

02/07/2018 - 07:07

PNO - Giới chuyên môn đánh giá cách ra đề vài năm gần đây là chạy theo “mùa vụ”. Năm 2017, đề thi dễ nên kết quả là “mưa điểm 10”.

Năm nay, đề thi lại khó đột ngột nên người ta nghi ngại “cây thước” đánh giá năng lực đối với học sinh THPT là không chuẩn.

Nhìn vào đề thi không thấy mục đích 

Không nói đến mức độ khó - dễ, nhiều chuyên gia cho rằng, đề thi THPT quốc gia năm nay không ổn từ nội dung cho đến hình thức. Một tiến sĩ toán học nhận định đề toán trở thành hiện tượng “trắc nghiệm hóa” những bài toán tự luận. Nhiều nhà giáo dục thì cho rằng, hình thức thi trắc nghiệm đang bị lạm dụng, nhất là trong kỳ thi THPT.

Thi THPT quoc gia de lam gi?
Kỳ thi THPT quốc gia đang trở nên rất nặng nề với học sinh, gia đình các em và cả xã hội - Ảnh: Minh Thanh

Ngay ở Mỹ hay ở Pháp, trắc nghiệm được sử dụng rất phổ biến nhưng không toàn bộ, kể cả các môn toán và khoa học tự nhiên. Bởi người ta biết trắc nghiệm không đánh giá được hết kỹ năng, kiến thức của người học; nếu chỉ dùng trắc nghiệm thì việc đánh giá sẽ bị lệch lạc. 

Nội dung đề thi thể hiện mục đích kỳ thi. Vậy chúng ta nhìn thấy được mục đích gì của kỳ thi qua đề của chín môn thi lần này? Một giáo sư Việt kiều tại Pháp đã nhận xét về đề thi toán: đề thi phải phù hợp mục đích của kỳ thi và phải có tác động tốt đến việc học các kiến thức kỹ năng thực sự có ích về sau; nhưng ở đây thì không thấy điều đó.

Vị giáo sư này chỉ ra những bài toán quá khó và mẹo ở đề thi THPT, cộng với một đề bài quá dài dường như chưa phù hợp với mục đích xét tốt nghiệp THPT. Về nguyên tắc, một học sinh (HS) nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa là phải làm được mọi bài kiểm tra. Còn với đề thi toán năm nay, như đánh giá của các giáo viên và các tiến sĩ toán, HS dù giỏi mấy cũng không làm nổi nếu không học mẹo.

Đã có người chống chế rằng, các HS được luyện thi, rèn kỹ năng giải đề thường xuyên sẽ giải được hết và sẽ không thấy đề quá khó. Nhưng nói vậy thì có khác gì chúng ta đang biến việc học của HS thành một quá trình luyện thi - học thêm dài đằng đẵng. Cũng cần nói thêm rằng: việc học thêm không phải là xấu nếu như nó đem lại kiến thức thực sự có giá trị về sau cho HS, đáp ứng mong muốn hiểu biết thêm một lĩnh vực nào đó cho người học, chứ học thêm không phải chỉ để giải mẹo để được điểm cao.

Đưa cho chúng tôi xem những đề thi mẫu SAT (bài kiểm tra đánh giá năng lực chuẩn hóa được sử dụng rộng rãi cho xét tuyển đại học trong hệ thống giáo dục Mỹ), PGS-TS Hồ Thanh Phong - nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP.HCM - giải thích: “Đề SAT bao gồm hai phần thi trong 3 giờ. Phần một gồm đọc hiểu và viết trong 100 phút; người ta chia ra những câu hỏi kiểm tra về kỹ năng đọc hiểu, kỹ năng viết, tư duy ngôn ngữ của thí sinh. Phần hai là toán thi trong 80 phút, bao gồm toán không sử dụng máy tính và những bài toán có sử dụng tính toán. Ngoài ra, đề SAT thường có phần để thí sinh tự chọn một chủ đề để viết tự luận trong thời gian 50 phút. 

Nhưng bài thi tổ hợp của Việt Nam thì rất khác với đề thi SAT. Trưởng phòng đào tạo một trường cao đẳng tại TP.HCM đánh giá: “Nếu nói đề thi THPT của Việt Nam tích hợp kiến thức tổng hợp như SAT thì không đúng. Họ tích hợp kiến thức, còn đề THPT là đơn môn, chỉ là gộp cơ học ba môn thi liền tù tì trong một buổi. Giữa mỗi môn thi có thời gian “nghỉ giữa hiệp” 10 phút để lấy đà ứng chiến môn kế tiếp. Nặng kinh khủng đấy chứ. Trong một buổi thi mà phải liên tục “ôm” kiến thức của ba môn độc lập, mỗi môn xử lý cả trăm câu trắc nghiệm. Thí sinh chẳng khác nào siêu nhân”.

Tốn kém nhưng không cần

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT - cho rằng, kỳ thi có mặt tích cực lẫn hạn chế. Theo ông Vinh, việc ghép hai mục tiêu trong một bài thi với thời gian rất hạn chế sẽ khó khăn cho thí sinh thể hiện được kiến thức và kỹ năng, vì còn một phần không nhỏ nội dung nâng cao của bài thi dành cho phân loại để xét tuyển đại học. Thêm nữa, giáo dục đại học vốn đa ngành nên đòi hỏi năng lực, phẩm chất rất đa dạng, nhưng tổ hợp các môn thi lại hạn chế việc đáp ứng các yêu cầu này. 

Xét về chi phí, để thực hiện một kỳ thi quốc gia, sự tốn kém không hề nhỏ. Mỗi điểm thi có trưởng điểm, phó trưởng điểm, thư ký, ủy viên, thanh tra, giám thị, công an, điện lực, kế toán, thủ quỹ, vi tính, bảo vệ, phục vụ, y tế… Kỳ thi năm nay diễn ra tại 2.100 điểm thi với khoảng 80.000 giám thị. Tùy vị trí mà mức chi từ 100.000-265.000 đồng/người/ngày. Mỗi người phục vụ cho kỳ thi ít nhất bốn ngày và nhiều nhất là tám ngày. Các khâu ra đề, phản biện đề, chấm thi, di chuyển, thuê mướn trường thi, nước uống, văn phòng phẩm… đều phải chi tiền. Chi phí cho kỳ thi thật khủng khiếp, nhưng chỉ “nhặt” ra được vài phần trăm học sinh… không đạt. 

Liệu cuộc thi khiến cả xã hội mệt nhọc có thật sự cần thiết? Nhiều ý kiến cho rằng, không nên duy trì kỳ thi để xét tốt nghiệp nữa, vì tấm bằng phổ thông không còn nhiều ý nghĩa. Thay vào đó, HS cứ học xong lớp 12 là được công nhận. Còn việc muốn vào đại học hay không là nguyện vọng của từng cá nhân và tuyển như thế nào, tuyển ai là chuyện của các trường, Bộ GD-ĐT không phải làm thay. Bộ có thể đứng ra tổ chức các kỳ khảo thí độc lập thật chuẩn, thật chất lượng với mục tiêu chuyển từ “đo kiến thức” sang “đánh giá năng lực, nhận thức và kỹ năng”. Học sinh hoàn thành lớp 11, nếu có nguyện vọng và đủ năng lực, có thể tham gia. 

Gia Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI