PNO - Năm nay, kỳ thi THPT 2020 chỉ với mục đích lấy kết quả xét tốt nghiệp, còn việc tuyển sinh đại học, cao đẳng sẽ do các trường tự chủ. Sự thay đổi đột ngột này khiến các trường đại học phải “viết lại” đề án tuyển sinh. Động thái này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến thí sinh.
Điều chỉnh giảm tỷ lệ xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp
“Điều chỉnh của kỳ thi năm nay khiến các trường khá lo lắng. Nhất là kỳ thi chỉ phục vụ mục đích xét tốt nghiệp nên đề thi sẽ dễ, không có tính phân loại cao, các trường sẽ khó cho việc chọn được thí sinh chất lượng”, tiến sĩ Nguyễn Trọng Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường đại học (ĐH) Công nghiệp TP.HCM, cho hay.
Thí sinh dự kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển vào đại học
Để khắc phục hạn chế này, trường giảm chỉ tiêu xét tuyển với phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp năm 2020. “Hiện nay, một số trường tổ chức kỳ thi riêng, tuy nhiên chúng tôi không làm thế, dù khả năng có thể làm được nhưng sẽ gây tốn kém nhiều cho xã hội cũng như các thí sinh. Vì thế, chúng tôi mở rộng chỉ tiêu với phương thức xét tuyển bằng kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức”, tiến sĩ Nguyễn Trọng Nhân cho hay.
Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM mới đây cũng điều chỉnh phương án tuyển sinh theo hướng hạ chỉ tiêu xét tuyển kết quả thi THPT. Thạc sĩ Nguyễn Văn Tài, Phó ban Tuyển sinh của trường, cho biết phương án tuyển sinh năm 2020 (dự kiến) mà trường đã công bố có 80% chỉ tiêu xét từ kết quả kỳ thi THPT quốc gia, 10% xét từ học bạ THPT và 10% xét từ kết quả bài thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM. Tuy nhiên, trong lần điều chỉnh này trường dùng bốn phương thức xét tuyển, gồm: 40% chỉ tiêu từ kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, 40% điểm học bạ lớp 12, 10% từ bài thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM, 10% xét tuyển thẳng học sinh giỏi.
Ngày 23/4, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cũng đã điều chỉnh chỉ tiêu 80% xét tuyển từ kết quả kỳ thi THPT quốc gia như trước đây xuống còn 30%. Ngoài ra, trường tăng tỷ lệ tuyển thẳng và xét tuyển học bạ.
Cùng với sự điều chỉnh phương án tuyển sinh của các trường ĐH, ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố thông tin về kỳ thi THPT năm nay, số lượng học sinh đăng ký dự kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM đã tăng vọt. Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết, hiện có hơn 46.000 thí sinh đăng ký thành công, con số này cách đây vài ngày chỉ trên 40.000. Số lượng các trường đăng ký xét tuyển từ kỳ thi này đã là 57 trường. Nhiều trường cũng điều chỉnh tăng chỉ tiêu xét tuyển từ kết quả kỳ thi đánh giá năng lực.
Nhiều trường lên kế hoạch tổ chức thi riêng
Giáo sư Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội, nêu quan điểm, tuyển sinh ĐH là để phân loại thí sinh có đủ năng lực theo học ở bậc ĐH hay không. Chính vì vậy, kỳ thi tuyển sinh ĐH có ý nghĩa hết sức quan trọng với các trường ĐH bởi chất lượng đào tạo phụ thuộc nhiều yếu tố, nhưng chất lượng đầu vào là tham số quan trọng đầu tiên. “Vì thế, ĐH Quốc gia Hà Nội chính thức “khôi phục” phương án tuyển sinh năm 2020 thực hiện xét tuyển dựa trên kết quả bài thi đánh giá năng lực và xét tuyển hồ sơ thí sinh”, giáo sư Nguyễn Đình Đức cho hay.
Là trường sớm đưa ra phương án tuyển sinh riêng, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội dự kiến tổ chức kỳ thi vào ngày 25/7. Đối với khối ngành kỹ thuật, kinh tế, thí sinh thi toán, đọc hiểu và bài tổ hợp khoa học tự nhiên (lý, hóa, sinh). Thí sinh vào ngành ngôn ngữ Anh sẽ thi môn toán, đọc hiểu và tiếng Anh. Thí sinh trúng tuyển kỳ thi này chỉ cần đỗ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT là đủ điều kiện theo học.
Phó giáo sư - tiến sĩ Huỳnh Quyết Thắng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, lưu ý: “Đề thi của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội khác với đề thi THPT quốc gia là có độ khó cao hơn, vì mang tính chất tuyển chọn thí sinh có năng lực vào trường. Đồng thời cũng có câu tự luận dưới dạng trả lời ngắn để đánh giá khả năng phân tích logic, diễn đạt của học sinh. Dù vậy, học sinh yên tâm là chỉ cần tham khảo hướng dẫn của trường, có phương pháp tự học, vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề trong thực tiễn là có thể làm được bài thi”. Dự kiến đầu tháng Năm, trường sẽ đưa ra nội dung ôn tập. Hiện trường đã chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất để tổ chức kỳ thi với 10.000 thí sinh tham gia. Thí sinh sẽ chỉ dự thi trong một buổi chiều…
Có thể nói đây là một sự thay đổi lớn vì từ đầu năm học đến nay, cả giáo viên và học sinh đều ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia và dùng kết quả này để xét tuyển vào các trường ĐH. Rồi mai đây, cảnh thí sinh đổ dồn về các trường ĐH để thi tuyển lại diễn ra, gây xáo trộn không nhỏ, kể cả tốn kém cho xã hội…
Giữ nguyên phương án xét tuyển để tránh xáo trộn
Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Hà Nội, thông tin: “Các môn thi vẫn như mọi năm, chúng tôi sử dụng tổ hợp xét tuyển của khối D và khối A1 nên nhà trường quyết định sử dụng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp năm 2020 làm căn cứ xét tuyển. Ngoài ra, nhà trường vẫn xét tuyển thẳng căn cứ vào kết quả học tập ba năm cấp III, các chứng chỉ năng lực ngoại ngữ quốc tế”.
Theo thông tin mới nhất từ Trường ĐH Kinh tế Quốc dân thì trường này hủy bỏ kế hoạch tổ chức kỳ thi riêng theo thông báo trước đó mà sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển.
“Dù có nhiều biến động khi tổ chức thi tốt nghiệp THPT thay vì thi THPT quốc gia, nhưng trường vẫn cố gắng giữ ổn định đến mức cao nhất về phương thức tuyển sinh để thí sinh yên tâm học và thi. Trường sẽ tổ chức thông báo trực tuyến về kế hoạch xét tuyển cụ thể đến các thí sinh và phụ huynh”, phó giáo sư - tiến sĩ Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, cho hay. Theo ông Triệu, những trường chưa có kinh nghiệm và chưa có sự chuẩn bị về phương án thi thì nên giữ nguyên kế hoạch lấy kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển đầu vào, chất lượng vẫn được Bộ GD-ĐT đảm bảo. Đó cũng là để thí sinh yên tâm trước phương án thi tốt nghiệp THPT, tránh xáo trộn.
Hiệu trưởng trường đại học kêu gọi các trường đừng tổ chức thi riêng
Sáng 23/4, phó giáo sư - tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, đưa ra lời kêu gọi các trường đừng tổ chức thi riêng, hãy thương thí sinh cũng như người dân đang khó khăn trong dịch bệnh.
Phó giáo sư - tiến sĩ Đỗ Văn Dũng cho rằng, nếu các trường tổ chức thi riêng, thí sinh và gia đình sẽ phải tiêu tốn hàng ngàn tỷ đồng để đến trường ĐH hoặc cụm thi, lãng phí còn gấp nhiều lần thi THPT quốc gia. Điều này cũng tạo ra sự bất công vì học sinh vùng sâu không đủ điều kiện để đi thi. Các trường nên dừng việc tổ chức các kỳ thi riêng trong năm nay trừ các trường cần thi môn năng khiếu.
Lời kêu gọi này đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình. Một giảng viên Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM cho rằng, không tổ chức thi riêng, sử dụng kết quả học bạ THPT hoặc kết quả thi tốt nghiệp, chứng chỉ ngoại ngữ vẫn đủ cơ sở xét tuyển và vẫn đảm bảo chất lượng đầu vào theo tiêu chuẩn của từng trường. Trong quá trình học tập, nếu bị sàng lọc cũng là điều hết sức bình thường.
Sau khi có thông tin chỉ tổ chức thi THPT để xét tốt nghiệp, nhiều trường ĐH lên phương án thi riêng. Tại thời điểm này, ngoài ĐH Quốc gia TP.HCM, Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) cùng một số trường khác đã thông tin tổ chức kỳ thi riêng từ trước, nhiều trường đã lên phương án tổ chức kỳ thi riêng như ĐH Quốc gia Hà Nội, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội…