Thí sinh mang tài liệu đối phó môn văn tăng đột biến, vì sao?

03/07/2015 - 08:18

PNO - PN - Kết thúc ngày thi thứ hai của kỳ thi, điều khiến dư luận băn khoăn là vì sao có quá nhiều thí sinh sử dụng tài liệu ở môn ngữ văn?

edf40wrjww2tblPage:Content

Trong buổi thi môn văn, cụm thi của trường ĐH Y Dược TP.HCM chủ trì có đến 18 thí sinh (TS) bị đình chỉ thi vì mang tài liệu. Cụm thi Trường ĐH Tôn Đức Thắng cũng có 10 TS bị đình chỉ, trong đó có đến chín em mang và sử dụng tài liệu và một em mang tai nghe bluetooth. Một điểm thi tại trường THPT Nguyễn trãi thuộc cụm thi Trường ĐH Sài Gòn có đến bốn TS sử dụng tài liệu.

Thi sinh mang tai lieu doi pho mon van  tang dot bien, vi sao?

Ảnh minh họa: Phùng Huy.

Số lượng TS vi phạm quy chế thi để “ứng phó” với môn văn tiếp tục tăng cao khi cụm thi ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM có hai TS bị cảnh cáo vì trao đổi với nhau trong giờ làm bài và một TS bị đình chỉ vì mang điện thoại di động trong giờ thi. Cụm thi Trường ĐH Sư phạm TP.HCM chủ trì có hai TS bị đình chỉ vì mang tài liệu và điện thoại di động. Cụm thi Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, ĐH Tiền Giang đều có TS mang tài liệu vào phòng thi.

Chưa dừng lại ở đó, cụm thi tại Gia Lai do Trường ĐH Nông lâm TP.HCM chủ trì có tới bảy TS bị đình chỉ thi vì mang tài liệu và điện thoại. Cụm thi Trường ĐH Bạc Liêu có bảy em bị đình chỉ cũng vì lỗi này. Cụm thi ĐH Nha Trang có sáu TS mang tài liệu vào phòng thi; cụm thi ĐH Đà Lạt chủ trì có ba TS dùng tài liệu; cụm thi do Trường ĐH Quy Nhơn chủ trì có hai TS vi phạm… Số TS vi phạm quy chế để vượt vũ môn ngữ văn liên tục tăng lên.

Việc TS gian lận để “đối phó” với môn văn - môn học vốn cần sự cảm thụ cá nhân - tăng đột biến, khiến nhiều người lo lắng.

Một giáo viên dạy văn cảm thán: “Lâu nay TS quay cóp môn xã hội nhiều hơn môn tự nhiên, nhưng chủ yếu ở các môn “thuộc bài” như sử, địa. Có lẽ TS dần coi văn học là môn thuộc lòng!”.

Luận bàn về “chuyện lạ” này, thầy giáo Đỗ Đức Anh, giáo viên dạy văn Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM) phân tích: “Môn văn vốn không phải là môn học thuộc bài, với đề thi này thì khi học chỉ cần nghe giảng kỹ có thể làm bài được. Việc các em phải cầu cứu “phao thi” để vượt qua môn văn có nhiều lý do: quá trình học, các em quá ỷ lại; trong khi, không ít thầy cô dạy văn không tạo ra sức hấp dẫn của môn học khiến các em học xong thì… không nhớ được gì. Các em chỉ nghe và học một cách thụ động. Thói quen học thuộc văn mẫu đã ăn sâu vào đầu các em từ khi các em còn là học sinh tiểu học, lên lớp lớn thì chờ dàn ý của thầy cô…”.

Nguyên nhân mấu chốt còn nằm ở đề thi. Nhiều giáo viên sau khi đọc xong đề đã cho biết, việc đổi mới đã không như mong đợi. Thầy Đỗ Đức Anh đánh giá: “Câu nghị luận văn học không có đất cho sự sáng tạo, TS chỉ cần học trong đề cương là làm được. Đề thi chỉ dừng lại ở mức hài lòng, dễ thở chứ chưa làm người ta phấn khởi. Đề còn né nhiều vấn đề nóng bỏng xã hội trong thời gian gần đây. Nhìn chung đề chưa phân loại được TS khá giỏi, có phần tẻ nhạt”.

Một giáo viên ở Q.12, TP.HCM nhận xét, đề văn dài nhưng TS “dễ thở” hơn so với đề mẫu đã công bố. TS từ trung bình trở xuống không khó để đạt điểm 6-7, việc phân loại TS không như mong đợi. Có lẽ, nói như thầy Nguyễn Văn Cải, Phó hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung (H.Củ Chi, TP.HCM), vì đề thi phải thực hiện nhiệm vụ “2 trong 1”, làm thước đo cho xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học nên mức độ này là phù hợp với mặt bằng chung TS cả nước.

Việc dạy văn về cơ bản phải là thắp lên ngọn lửa say mê văn học. Thực tế, theo nhiều giáo viên, việc dạy và học văn trong nhà trường hiện nay, học sinh và cả giáo viên chủ yếu tiếp cận văn bản để “lấy” thông tin mà không chú trọng cảm xúc thẩm mỹ. Số TS gian lận thi cử để đối phó với môn văn tăng đột biến là hiện tượng đáng báo động.

TIÊU HÀ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI